Không trồng mắc ca bằng mọi giá

Ươm giống mắc ca bán vụ trồng 2015. Ảnh: H.K.
Ươm giống mắc ca bán vụ trồng 2015. Ảnh: H.K.
TP - “Phê duyệt quy hoạch với một cây dài hạn như mắc ca, nếu làm vội vàng sẽ rất nguy hiểm. Nếu chỉ cho phát triển diện hẹp, nhưng 10 năm sau nó thành cây siêu lợi nhuận thì có tội với dân. Nhưng, nếu nó lặp lại chuyện “được mùa mất giá”, chúng ta gặp dân biết nói gì đây”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu ngày 4/6.

Siết chặt cây giống

Hôm qua, tại hội thảo định hướng phát triển cây mắc ca tại Việt Nam, Viện Điều tra và Quy hoạch rừng (Bộ NN&PTNT) công bố con số sơ bộ khá bất ngờ - diện tích trồng cây mắc ca ở Việt Nam có thể lên tới 1,1 triệu ha (trong đó Tây Nguyên hơn 1 triệu ha, còn lại là ở Tây Bắc). Dẫu vậy, do mắc ca là cây trồng mới, thị trường chưa rõ ràng, nên Viện kiến nghị trồng mắc ca một cách thận trọng ở nơi đã khảo nghiệm: giai đoạn 2015-2020 có thể trồng 10.000 ha; đến trước năm 2030, trồng thêm 35.000 ha.

Câu chuyện trồng được và bán cho ai được Thứ trưởng Hà Công Tuấn “gói lại” trong quy hoạch ngành hàng với mục đích cuối cùng là người dân, doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao nhất. Dự kiến cuối năm nay, quy hoạch ngành hàng mắc ca sẽ được phê duyệt. Theo ông Tuấn, ngoài điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, điều rất quan trọng là khả năng của thị trường, tính cung-cầu về mắc ca để có giải pháp đồng bộ về chế biến, liên kết. “Với một cây dài ngày, nếu tính toán không kỹ có thể gây hệ lụy lâu dài cho bà con cũng như doanh nghiệp trồng cây mắc ca”, ông Tuấn nói.

“Chúng tôi kêu gọi và thiết tha đề nghị những người trồng mắc ca, hơn ai hết phải tự mình nhìn thấy cái gì có lợi cho mình nhất xuất phát từ khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước, đừng vì chưa đánh giá hết mà trồng bằng mọi giá. Và trồng như vậy, người thiệt hại trước hết là người dân”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

Mới đây, Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng về định hướng trồng cây mắc ca đến năm 2020 chỉ khoảng 10.000 ha. Với độ nóng của mắc ca như hiện nay, lo ngại nhiều địa phương sẽ “phá” con số trên. Ông Tuấn cho biết, con số 10.000 ha chỉ mang tính định hướng trong ngắn hạn khi Bộ đang làm quy hoạch. Đồng thời, con số đó dựa trên việc kiểm soát giống có chất lượng. Ông nói: “Từ nay đến năm 2020, nếu không có đột biến, lượng giống chỉ đủ cho chúng ta trồng 10.000 ha”.

Theo quy định hiện hành, những cây trồng dài ngày phải qua khảo nghiệm, sản xuất thử một thời gian nhất định mới được công nhận giống. Đầu năm 2014, Bộ NN&PTNT công nhận 10 giống mắc ca có thể trồng ở Việt Nam. “Chúng tôi đã yêu cầu kiểm tra, kiểm soát nguồn giống đưa vào ươm phải có nguồn gốc, xuất xứ. Giống không nguồn gốc không được sử dụng. Cơ sở nào sản xuất giống không theo quy định, Giám đốc Sở NN&PTNT địa phương đó phải chịu trách nhiệm”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói.

Bài học nào cho Việt Nam?

Ông Jolyon Burnett, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc (là nơi khởi thủy của cây mắc ca), cho biết, nhu cầu về hạt mắc ca trên thế giới đang rất lớn. Theo ông Burnett, Trung Quốc tuy là thị trường mới, nhưng nhu cầu tiêu thụ hạt chưa bóc vỏ rất cao. Trung Quốc hiện có khoảng 9.000 ha cây mắc ca và đang tăng nhanh diện tích. “Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu về số lượng, nhưng chưa chú trọng về chất lượng. Họ có nhiều giống chưa phù hợp, do không kiểm soát tốt chất lượng giống, chất lượng hạt chưa cao. Việt Nam không nên đi theo đường này”, ông Burnett nói. Chuyên gia Úc cho rằng, mỗi cây trồng lên phải cho ra chất lượng tốt nhất có thể, vì nó tồn tại trong 40 năm, nếu không sẽ để lại hệ lụy.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.