Không xé nhỏ thị trường viễn thông

Không xé nhỏ thị trường viễn thông
TP - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời điểm hiện nay cần tìm hiểu và nghiên cứu thị trường viễn thông một cách cụ thể để phục vụ tốt nhu cầu của hơn 85 triệu người dân Việt Nam.

Đến thăm và làm việc với Cục Tần số Vô tuyến điện ngày 19/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong công tác quản lý tần số bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của người sử dụng cần phải chú trọng dự báo nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện cũng như xu hướng phát triển công nghệ viễn thông để có lộ trình quy hoạch và phát triển cụ thể.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành tựu của Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông trong 15 năm qua, kể từ khi được thành lập (8/6/1993). Những thành quả đó là yếu tố tích cực để thúc đẩy ngành viễn thông ngày càng phát triển và hội nhập thế giới.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời điểm hiện nay cần tìm hiểu và nghiên cứu thị trường viễn thông một cách cụ thể để phục vụ tốt nhu cầu của hơn 85 triệu người dân Việt Nam. “Đặc biệt phải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trên nền cơ chế đặc thù của ngành, không xé nhỏ thị trường viễn thông, dẫn đến tài nguyên tần số bị chia nhỏ, sử dụng kém hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, trong việc thực hiện cơ chế tài chính tự chủ và ổn định, Cục Tần số Vô tuyến điện cần chú trọng quản lý các loại hình dịch vụ về mức thu, phương án sử dụng nguồn thu để có thể vừa phát triển được nguồn nhân lực vừa đầu tư được trang thiết bị và cơ sở vật chất, cấp phép đúng luật và không để xảy ra tiêu cực.

Phó Thủ tướng đề nghị, Cục Tần số Vô tuyến điện phải nỗ lực phấn đấu nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong năm 2008 như hoàn thiện các quy hoạch tần số truy cập vô tuyến băng rộng, truyền hình hiện tại (truyền hình “tương tự”- Analog chỉ truyền một chương trình trên một kênh sóng) và truyền hình số phát sóng mặt đất (trên một kênh sóng có thể truyền nhiều chương trình); hoàn thành cấp phép băng tần 3G; tăng cường hoạt động kiểm soát tần số, nâng cao hiệu lực thực thi quản lý; đầu tư xây dựng các trạm kiểm soát tần số mới...

Về sử dụng tài nguyên tần số của các đài phát thanh, truyền hình, Phó Thủ tướng cho rằng, các đài phát thanh, truyền hình là các nhà cung cấp nội dung; đồng thời cần xây dựng lộ trình cụ thể, có chương trình quốc gia phát triển công nghệ số cho hạ tầng phát thanh, truyền hình.

Hiện nay, tần số vô tuyến điện ngày càng được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, phát thanh truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải. Theo Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan, nhu cầu về sử dụng phổ tần số vô tuyến điện là rất lớn và càng ngày càng tăng do có nhiều ứng dụng, kể cả các ứng dụng trong công nghiệp, khoa học và y tế.

Trong lĩnh vực viễn thông, ông Đoàn Quang Hoan cho biết, tính đến cuối năm 2007, tổng số trạm thu phát thông tin di động (BTS) là khoảng 17.000 trạm, tổng số thuê bao điện thoại di động là gần 35 triệu (chiếm 75,5% tổng số thuê bao điện thoại).

Số thuê bao di động đã tăng xấp xỉ 1,5 lần so với năm 2006 và tăng hơn 6,5 lần so với năm 2002. Tổng số đài vô tuyến sóng ngắn là 2.500, gần 3.000 mạng vô tuyến dùng riêng, hơn 500 trạm liên lạc vệ tinh, mạng truyền dẫn pháp sóng của hàng không có 358 đài và của hàng hải có 580 đài.

Hàng vạn tàu thuyền đánh cá sử dụng máy liên lạc vô tuyến, trong đó có hơn 7.000 tàu đánh cá xa bờ trang bị máy liên lạc tầm xa đã được cấp phép.

Hệ thống các đài phát sóng phát thanh truyền hình cũng phát triển mạnh trong những năm qua. Đến nay, tổng số đài phát hình tương tự của VTV là 74 đài, của VTC là 7 đài, của các đài địa phương là 65 đài. Tổng số đài phát thanh của VOV là 52 và của các đài địa phương là 750 đài.

Kiều Liên
Website Chính phủ

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.