Khu kinh tế Dung Quất: Mời nhà đầu tư vào rồi chơi xấu

Khu kinh tế Dung Quất: Mời nhà đầu tư vào rồi chơi xấu
TP - Tổng Cty Vinaconex, chủ đầu tư dự án nhà máy nước sạch trị giá 45 tỷ đồng đang bị BQL Khu kinh tế Dung Quất “chơi xấu”, dù là một trong những dự án đầu tiên chuẩn bị cơ sở hạ tầng.

Xuất phát từ đặc điểm của vùng Dung Quất là sát biển, chủ yếu là nước mặn, trong khi nguồn nước ngầm yếu nên khi Khu kinh tế Dung Quất (KKT) ra đời, việc đầu tiên người ta nghĩ tới đó là phải có nhà máy nước sạch.

Dự án Nhà máy nước sạch Dung Quất được khởi thảo, do Tổng Cty Vinaconex làm chủ đầu tư ra đời, với tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng, công suất 15.000 m3/ngày (giai đoạn 1).

Dự án ngay lập tức được BQL KKT Dung Quất chào mời, thậm chí nó còn được đưa lên trang web của KKT Dung Quất, như để minh chứng cho việc khu vực này đã được chuẩn bị mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng thiết yếu, để mời chào các nhà đầu tư khác.

Cuối tháng 9/2000, nhà máy đã đi vào vận hành. Nhưng sau đó, việc chậm triển khai thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã làm cho nhà máy này thiệt hại lớn, vì nước chẳng biết bán cho ai.

Năm 2004, thông tin Nhà máy lọc dầu Dung Quất khởi động trở lại đã làm cho vùng phía  tây sông Trà Bồng sôi động hẳn lên, nhiều dự án xuất hiện. Cuối tháng 2/2004, lãnh đạo BQL KKT Dung Quất có văn bản yêu cầu nhà máy tiến hành thi công đường ống dẫn nước về KCN tây Trà Bồng.

Thời cơ đã đến, hơn 13 tỷ đồng nữa được bỏ ra, đường ống hoàn thành vào ngày 15/10/2005. Nhưng, đùng một cái, có lẽ vì thấy việc bán nước dễ lấy tiền nhanh hơn bất cứ thứ gì (?), BQL KKT Dung Quất đã tự bỏ vốn ra đào 2 cái giếng trị giá 2 tỷ đồng để lấy nước bán!

Lập tức, các nhà máy trong khu này cũng rục rịch khoan vào lòng đất hút nước, hổng thèm mua nước của Vinaconex!

Vì sao có chuyện tréo ngoe này? Lãnh đạo nhà máy cho biết: BQL nói giá nước của chúng tôi quá đắt, nhưng đó là lý do không thuyết phục.

Hiện nay chúng tôi đang bán với giá sản xuất thử: Trong khu vực nhà máy lọc dầu và xã Bình Trị, giá 3.000đ/m3; cảng và những vùng xa khác phải sử dụng trạm bơm cấp 2 thì 4.000đ/m3; còn nếu bán đúng giá để khấu hao thì phải lên đến 100.000đ/m3.

Nhà máy đã phát văn bản đề nghị BQL dừng  ngay việc “làm thêm” kia, câu trả lời là được thôi, nhưng BQL KKT Dung Quất đưa ra điều kiện là phía Vinaconex phải mua lại 2 giếng tự đào đó, nhưng lãnh đạo nhà máy nước từ chối.

Cũng theo lãnh đạo nhà máy, họ đã kêu đến Chính phủ, nhiều lần gửi văn bản rồi gặp trực tiếp ông Trần Lê Trung- Trưởng BQL, nhưng chưa thấy ông trả lời.

Hiện nhà máy chỉ vận hành chưa đến 2% công suất, dưới 100 m3/ngày, bán chủ yếu cho Trung tâm dạy nghề Dung Quất. 5 năm qua, mỗi năm nhà máy lỗ 4 tỷ đồng, riêng năm nay dự kiến lỗ 5 tỷ đồng. Tiền bán nước không đủ chi phí vận hành, tiền điện cũng không đủ trả. Gần cuối tháng rồi mà lương CBCNV vẫn chưa có.

Nhà máy này lấy nước từ kênh thủy lợi Thạch Nham về xử lý, trong khi mấy cái giếng của BQL KKT sử dụng nước ngầm.

Có người bình luận: Việc làm trên không xứng tầm của người quản lý, vừa xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư, tạo ra cái “bẫy” làm hỏng môi trường đầu tư. Một khía cạnh khác, dẫu là ai đi nữa thì cũng đều là tiền Nhà nước, nhưng ông này lại “chơi” ông kia.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.