Kiếm bộn tiền từ nghề làm cũ đồ mới

Chiếc bàn được chế tác từ nguyên liệu mới nhưng trông như được làm từ khúc gỗ cũ kỹ. Ảnh: Ngọc Lan.
Chiếc bàn được chế tác từ nguyên liệu mới nhưng trông như được làm từ khúc gỗ cũ kỹ. Ảnh: Ngọc Lan.
Những mảnh gỗ mới tinh còn thơm mùi qua bàn tay của Tùng đã biến thành các sản phẩm cũ kỹ, bụi bặm. Đồ đi ngược xu hướng hiện đại này đang được nhiều người ưa chuộng.

Thông thường, đồ cũ sẽ được sửa để thành đồ mới, ít ai làm ngược lại. Thế nhưng, gần đây, nhiều người khá bất ngờ với xưởng chế tác đồ mới thành cũ của anh Tuấn Tùng (26 tuổi) ở Trường Chinh, Hà Nội. Những sản phẩm của anh được nhiều khách hàng lựa chọn và đặt thiết kế cho các hạng mục của quán bar, cửa hàng thời trang, tiệm ăn... ở Hà Nội.

Chia sẻ về ý tưởng trên, anh Tùng cho biết: "Biến đồ cũ thành đồ mới là việc dễ, chứ làm đồ mới cũ đi thì khó lắm. Song mình lại thích làm việc khó, vì đam mê". Anh nói thêm, thực tế, đây là phong cách kiến trúc hiện đại trên thế giới được các nước châu Âu ưa chuộng và đang manh nha ở Việt Nam. Từ những nguyên liệu hoàn toàn mới, người thợ phải chế tác sao cho nó trở nên sần sùi, cũ kỹ, nhưng vẫn toát lên nét tinh tế.

Bắt tay thực hiện kiến trúc này được gần 1 năm nay, anh Tùng cho biết, biến nguyên liệu mới thành đồ cũ không chỉ phải thể hiện qua màu sắc, bề mặt bên ngoài, mà phải tạo cho sản phẩm có "mùi" của thời gian. Khi người dùng sờ vào sẽ cảm nhận như đồ cũ, thậm chí ngửi được mùi gỗ thơm tự nhiên. Cũng vì thế, chỉ những người thợ có óc sáng tạo và tinh tế mới có thể làm tốt.

Lý do anh lựa chọn phong cách này là phần lớn đồ gỗ chế tác của Việt Nam là mới, mang phong cách hiện đại, sáng và bóng bẩy. Trong khi trên thế giới, xu hướng này đã trở nên cũ dần. "Điều này giống như gu thẩm mỹ thời trang. Ban đầu người ta thích quần ống loe, sau ống nhỏ, rồi gần đây chị em lại quay trở về với gu cũ", anh nói.

Ngoài sản phẩm nội thất như bàn, ghế, giường, cơ sở của anh Tùng còn chế tác đồ decor trang trí như đồng hồ, bình hoa, tủ đựng đồ, hay những chiếc đèn điện được thiết kế khung, giá đỡ từ bánh răng, giá sách làm bằng ống nước,..

Theo anh Tùng, làm mới lại sản phẩm dễ bao nhiêu thì làm cũ khó hơn bấy nhiêu lần. Khó khăn lớn nhất của việc chế tác này là ý tưởng. Từ một khúc gỗ nguyên bản hoặc những đồ hiện đại, người thợ phải tưởng tượng làm sao để sản phẩm có vẻ ngoài cũ kỹ, tiện dụng nhưng vẫn hoà hợp với không gian xung quanh. 

Đồ mới, khi xử lý thành đồ cũ, ngoài nước sơn thì thợ phải xử lý cho bề mặt trở nên gai góc, cũ kỹ, sần sùi, thậm chí nhiều khi phải tạo nên những vết va quệt, vết nứt, màu mốc... như đã sử dụng trong một thời gian dài.

Ông chủ trẻ này còn chia sẻ, nội thất decor không có giá cố định. Mỗi sản phẩm được định giá bởi độ tỉ mỉ, công phu, rồi mới tính đến nguyên liệu. "Đơn giản như chiếc đèn, thay vì sơn màu đẹp, chúng ta phải kết hợp cùng những đồ decor đi kèm, để tạo nên sự khác biệt nhưng không quá lố", anh cho biết.

Kiếm bộn tiền từ nghề làm cũ đồ mới ảnh 1

Phong cách trang trí cũ kỹ, bụi bặm đang được nhiều quán bar, nhà hàng, cửa hàng quần áo và một số gia đình ưa chuộng. Ảnh: Ngọc Lan.

Chi phí để làm cũ một sản phẩm mới ngang bằng với việc làm mới sản phẩm, nhưng tốn nhiều công hơn. Thông thường, để làm nên một sản phẩm, tiền phôi chỉ chiếm khoảng 10-20% giá thành. Số còn lại là tiền nguyên liệu decor, công chế tác. Tuy bên ngoài các sản phẩm cũ, nhưng chất liệu hoàn toàn mới, có độ bền ngang nhau.

Hiện tại, mặt hàng bán tốt nhất tại xưởng anh là bàn ghế và những sản phẩm decor như đèn, gương. Giá dao động từ 500.000 đồng cho đến vài chục triệu đồng một sản phẩm, tuỳ loại.

Những sản phẩm "bụi bặm" anh Tùng thiết kế hiện được nhiều quán bar, cửa hàng quần áo, quán ăn và một số gia đình ưa chuộng. Anh Hồng Thịnh, chủ nhà hàng ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, trong khi thị trường thời trang bão hoà thì không gian lạ sẽ đem lại sự khác biệt trong kinh doanh. Ông chủ này cũng vừa đặt trọn bộ thiết kế bàn ghế, đèn điện, quầy bar theo phong cách bụi bặm châu Âu, để tạo dấu ấn cho khách hàng.

Hiện tại, ở Việt Nam ít cơ sở thi công theo kiến trúc này nên xưởng anh Tùng luôn đông khách. Anh cho biết, làm những cái khó, cái mới, ít người làm thì phần đất khai thác càng rộng. Hiện tại, anh Tùng sở hữu một xưởng sản xuất 100 m2 với 12 thợ chế tác, doanh thu đạt 600 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, theo anh, phong cách này mới được nhiều bạn trẻ và việt kiều trong nước lựa chọn, vẫn chưa lọt vào mắt xanh của phần lớn gia đình hiện đại Việt Nam.

Anh Tùng đang chế tác một chiếc đồng hồ theo phong cách châu Âu được định giá lên tới 12 triệu đồng. Anh cho biết, động cơ là chiếc đồng hồ bình thường, chỉ vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, việc hoàn thiện những chi tiết xung quanh phải cần tới 3 thợ, thi công trong 3 ngày liền.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.