Kiềm chế tốc độ tăng giá hay lạm phát?

Kiềm chế tốc độ tăng giá hay lạm phát?
Ngày 1/8/2007 Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký chỉ thị về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Ngay cái tên của Chỉ thị cũng cho thấy mục tiêu không phải là chống lạm phát mà chỉ là kiềm chế tốc độ tăng giá phi mã.

>> Thấy gì qua việc Ngân hàng Nhà nước mua 7 tỷ USD?

Kiềm chế tốc độ tăng giá hay lạm phát? ảnh 1
Người tiêu dùng thực sự "choáng váng" trước tốc độ tăng phi mã của giá cả sinh hoạt, trong khi thu nhập vẫn không tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống phần lớn các gia đình.

Hiện tượng mức giá chung tăng đều đặn được gọi là lạm phát. Người ta dùng nhiều chỉ số để đo lạm phát và chỉ số quen thuộc nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chỉ số này được tính trên cơ sở theo dõi biến động giá theo thời gian của các mặt hàng nhất định (từ 2005 rổ hàng hóa này gồm gần 500 hàng hóa và dịch vụ).

Chỉ số CPI đã liên tục tăng suốt 4 năm qua: 9,4% năm 2004, 8,4% năm 2005, 6,6% năm 2006 và trong 7 tháng đầu năm 2007 đã tăng 6,19% so với đầu năm (8,39% so với cùng kỳ năm trước), nói cách khác ở nước ta lạm phát liên tục ở mức cao suốt 4 năm qua.

Không chỉ làm cho đời sống của người dân khó khăn, lạm phát có thể kéo nền kinh tế vào một vòng xoáy nguy hiểm. Nhiều người nghĩ rằng lạm phát đi cùng với tăng trưởng, phải chấp nhận nếu muốn có tăng trưởng.

Theo tôi, suốt 4 năm qua nhận thức về lạm phát đã thực sự có vấn đề và có lẽ nên nhìn nhận lại và thay đổi nhiều để tránh đưa nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát không thể kiểm soát nổi.

Trước hết phải khẳng định lạm phát xuất phát từ các chính sách của Nhà nước, chứ không phải do người tiêu dùng, doanh nghiệp hay bất cứ ai khác. Và Nhà nước cũng có thể kiềm chế lạm phát bằng các công cụ chính sách của mình. Vấn đề chỉ là nhìn nhận ra vấn đề và có chính sách phù hợp hay không.

Xét trên toàn bộ nền kinh tế với hàng ngàn hàng vạn hàng hóa và dịch vụ, mức giá chung sẽ tăng nếu mức tăng của tổng lượng tiền tệ cao hơn mức tăng của tổng lượng hàng hóa và dịch vụ.

Ngược lại, trong quá trình tăng trưởng kinh tế như giai đoạn vừa qua, lượng hàng hóa và dịch vụ liên tục gia tăng. Nếu tổng số tiền mà những người mua nắm giữ (cầu) tăng chậm hơn thì có thể xảy ra giảm phát. Như thế tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải gắn với lạm phát như người ta vẫn tưởng.

Để cho nền kinh tế vận hành suôn sẻ, tránh giảm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống ngân hàng phải bơm thêm tiền vào lưu thông, tức là tăng lượng cung tiền. Nếu lượng cung tiền tăng cân đối, phù hợp thì mức giá trung bình không tăng, hay tăng chậm, lạm phát ở mức vừa phải (thí dụ 2-3%).

Phân tích sơ bộ như trên, và các lý thuyết kinh tế phức tạp khác cũng cho thấy nguyên nhân chính của lạm phát luôn gắn với tổng lượng cung tiền. Ai kiểm soát và quyết định tổng lượng cung tiền? Chính là NHNN và hệ thống ngân hàng. NHNN kiểm soát tổng lượng cung tiền qua: in thêm tiền, mua hay bán tài sản, nhất là bằng các hoạt động thị trường mở (mua làm cho cung tiền tăng, bán làm giảm cung tiền), kiểm soát các ngân hàng thương mại (điều chỉnh dự trữ bắt buộc, lãi suất, v.v.), tóm lại bằng chính sách tiền tệ.

Nếu giá của một hay một vài mặt hàng tăng mà tổng cung tiền không đổi thì giá của các mặt hàng khác giảm tương đối so với mặt hàng tăng giá đó, nhưng không gây ra lạm phát. Vì thế những ý kiến gắn lạm phát ở Việt Nam với tăng giá dầu quốc tế không hẳn đã có cơ sở.

Năm 1992, Milton Friedman đã nêu ra 5 sự thực cơ bản của chính sách chống lạm phát:

1. Lạm phát luôn luôn và ở mọi nơi đều là hiện tượng tiền tệ. Nếu tổng lượng tiền (M3) tăng nhanh hơn mức tăng sản lượng (hàng hóa và dịch vụ) thì sẽ gây ra quá trình lạm phát.

2. Các khuynh hướng lạm phát cần thời gian để phát triển. Cũng thế cần thời gian và sự kiên quyết để điều trị lạm phát.

3. Có một chiến lược phù hợp cho điều trị lạm phát: giảm tốc độ mở rộng của tổng lượng tiền.

4. Các định chế nhà nước tác động đến tổng lượng tiền hay có khả năng tác động đến tổng lượng tiền.

5. Các hiệu ứng phụ của liệu pháp điều trị lạm phát, như thất nghiệp tạm thời, có thể là không thể tránh được.

Cái quan trọng nhất vẫn là tổng lượng cung tiền. Thực ra, đó là kết luận dứt khoát của trường phái kinh tế học Áo từ hơn 60 năm trước, và cũng là kết luận chính của trường phái trọng tiền, trường phái Keynes cũng coi cung tiền là nguyên nhân quan trọng. Còn ở ta thì sao?

Sáu tháng đầu 2007, Ngân hàng Nhà nước “bơm” ra lưu thông 112.000 tỷ đồng sau khi mua vào 7 tỷ USD. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Trong 6 tháng qua Nhà nước đã mua vào 7 tỷ USD, một lượng ngoại tệ bằng cả 10 năm trước đây. Như thế chỉ với riêng việc mua này đã làm tổng lượng cung tiền ít nhất phải thêm hơn 112 ngàn tỷ đồng (đó là chưa tính đến hệ số nhân, hệ số tạo ra tiền của hệ thống ngân hàng thương mại có thể phát sinh liên quan đến bất cứ sự mua sắm tài sản nào của NHNN, và chưa kể lượng tăng cung tiền khác). Chưa nói đến thâm hụt ngân sách không nhỏ cũng là nhân tố có thể gây lạm phát. Tăng tổng cung tiền là nguyên nhân chủ yếu của lạm phát ở nước ta vì tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ vẫn tăng.

Có thể thấy về cơ bản lạm phát (ở mọi nơi) chủ yếu là do Nhà nước gây ra, ở ta cũng vậy. Và theo một ý nghĩa nào đấy lạm phát do Nhà nước gây ra cũng là một loại “thuế” trá hình mà tất cả người dân đều phải chịu, nhưng người dân lại nghĩ là do khách quan gây ra.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính là bộ đầu tiên đã quyết định dùng những liệu pháp “sốc” cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng loạt mặt hàng.

Như trên đã phân tích, NHNN phải là cơ quan chủ chốt trong việc ổn định giá cả, chống lạm phát. Thế nhưng hình như vai trò của NHNN chưa thực sự được coi trọng. Thực ra NHNN đã có các biện pháp mạnh để giảm lượng cung tiền như bắt các ngân hàng thương mại phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên các hoạt động thị trường mở dường như chưa phát huy được tác dụng.

NHNN mua vào (bất cứ thứ gì, kể cả USD) đều làm tăng lượng cung tiền, nay muốn giảm lượng cung tiền, thì ngoài việc hạn chế hệ số tạo tiền của các ngân hàng thương mại (bằng tăng dự trữ bắt buộc, bằng chính sách lãi suất), những hoạt động thị trường mở như việc bán ra (trái phiếu chính phủ, trái phiếu NHNN, v.v.) của NHNN để thu tiền về là cũng hết sức quan trọng. Rất tiếc việc bán ra này để thu tiền về chưa hoạt động hiệu quả.

Thay vào đó Chỉ thị lại yêu cầu Bộ Tài chính phát hành ngay trái phiếu Chính phủ, trái phiếu KBNN và tín phiếu kho bạc. Đúng là việc làm này sẽ thu được tiền về, nhưng không phải cho NHNN (để rút bớt tiền khỏi lưu thông), mà là cho Kho bạc Nhà nước để đưa vào lưu thông bằng cách “giải ngân nhanh, có hiệu quả” số tiền này vào đầu tư (chắc chắn cho các tập đoàn hay công trình), như thế trừ thời gian trễ từ khi thu được tiền đến khi giải ngân, lượng cung tiền không thay đổi nên không có tác động gì đến chống lạm phát cả, mà cùng  với giảm thuế có thể  còn mang nguy cơ ngân sách càng thâm hụt, hiệu quả sử dụng thấp, có thể gây ra tác động lạm phát trong tương lai.

Việc giảm thuế nhập khẩu, đẩy mạnh sản xuất, khắc phục dịch bệnh, v.v. để làm tăng tổng lượng hàng hóa và dịch vụ có tác động làm  tăng cung hàng và dịch vụ cũng là tốt để kiềm chế lạm phát, song vẫn phải lưu ý nhiệm vụ chính là của NHNN.

Ở nước ta, NHNN nằm trong bộ máy hành pháp, Thống đốc là thành viên chính phủ, và vai trò của NHNN trong chống lạm phát chưa thật sự được coi trọng (80% công việc này phải là của NHNN), nên không rõ kết quả của việc ổn định giá theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sẽ ra sao. Việc cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng về số lượng bằng mọi giá, việc vẫn giành quá nhiều nguồn lực tài chính ưu ái cho các DN quốc doanh hoạt động không mấy hiệu quả (dẫu có được gọi là tập đoàn), và có chính sách gây lạm phát có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Qua phân tích trên ta thấy, Chỉ thị của Chính phủ có tên rất chính xác, kiềm chế tốc độ tăng giá chứ không kiềm chế được lạm phát.

MỚI - NÓNG