Kiếm cơm bằng nghề nguy hiểm

Kiếm cơm bằng nghề nguy hiểm
TP - Làng Thượng Lâm (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) nằm ở km 28 Quốc lộ 9. Cả làng có 240 hộ thì 200 hộ kiếm sống  bằng nghề khai thác, bốc vác đá thuê. Nhiều người gọi là làng “đội đá kiếm cơm”.

Để kiếm được mỗi ngày vài chục ngàn đồng, không ít người dân của làng Thượng Lâm phải lìa xa cuộc sống hoặc bị tai nạn, mang thương tật suốt đời.

Kiếm cơm bằng nghề nguy hiểm ảnh 1
Tai nạn luôn rình rập những nông dân đập, bốc đá này

Không bảo hiểm, không hợp đồng

Ầm ầm ầm, làng Thượng Lâm lại rung lên vì tiếng nổ mìn đánh đá mỗi ngày ở 4 mỏ đá xung quanh. Tôi giật mình, ngồi co người lại khi nghe tiếng mìn nổ quá gần. Một phụ nữ bán quán bên đường nói con của chị hồi mới sinh, nhiều hôm cháu đang ngủ trong nôi bỗng khóc thét lên vì chưa quen tiếng nổ chát chúa như vậy. Người lớn ở đây nghe mìn nổ cả ngày rồi nên cũng quen.

Bước ra mỏ đá, chị Phan Thị Lợi, 45 tuổi, dừng tay giữa buổi làm việc, than: “Đi bốc vác đá thuê mỗi ngày kiếm được 30 ngàn đồng. Tối về đến nhà cả người ê chề vì làm công việc quá sức mình. Nhưng không bốc đá thuê thì biết làm gì mà sống?”.

Cách nay một năm, chồng chị Lợi qua đời đột ngột vì một tai nạn. Hai con của chị chăm ngoan nhưng một cháu bệnh tim nặng. Tiền làm đá mỗi ngày không đủ mua thuốc cho con. Tết vừa qua gia đình chị không có Tết. Với nhà nghèo như chị, Tết là một cực hình.

Chị kể có người bán hàng ngoài chợ thương tình bán nợ cho hai cháu bộ quần áo mới. Chị phải nghỉ một buổi bốc vác đá thuê, đi mua áo quần cho con. Với con chị thế là Tết. Còn với chị, mỗi ngày nghỉ Tết chị bị mất đi ba mươi ngàn đồng. Chưa kể những ngày chị ốm thì coi như mấy mẹ con chẳng có cái để ăn.

Chỉ tay về những người đang bốc vác đá, ông Nguyễn Phương Vũ -  Phó Bí thư Chi bộ kiêm phó trưởng thôn Thượng Lâm, nói: “Đa số người dân làng Thượng Lâm đi làm thuê ở các mỏ đá chẳng ai có bảo hiểm, hợp đồng lao động.

Ai kêu gì làm đó, đụng đâu làm đó, chẳng cần bảo hiểm cũng làm. Miễn sao tối ngày bà con có tiền mang về mua gạo cơm cho gia đình, vợ con có ăn. Nhiều người đang bốc vác đá ở lèn 1 (phần khai thác của Cty Cổ phần Xây dựng Giao thông) cũng cho biết, không có ai ký hợp đồng lao động với các chủ đá.

Vì họ làm việc thời vụ. Không có việc làm nên khi nghe chủ đá kêu đi bốc vác, quá mừng nên chẳng ai đòi hỏi phải có hợp đồng lao động và bảo hiểm.

Cắt nghĩa cho cái sự liều mạng của người dân, ông Nguyễn Phương Vũ cho biết do điều kiện sống của bà con quá khó khăn. Cả làng có 240 hộ nhưng không có ruộng, nương rẫy, đất nông nghiệp cũng không có. Toàn bộ chỉ có 7 ha đất chia đều ra cho bà con làm nhà ở. Vậy nên người dân làng Thượng Lâm đa số đi bốc đá thuê.

Kiếm cơm bằng nghề nguy hiểm ảnh 2
Cháu Trần Phương Thảo, con người thợ đá xấu số Trần Duy Minh

Liên tiếp xảy ra tai nạn

Đến nay cả làng Thượng Lâm đã có hàng chục người bị thương và chết vì khai thác đá.

Tôi đến nhà nạn nhân Nguyễn Hoà Thuận, ở ngay đầu làng. Mới ngoài 50 nhưng trông ông Thuận già hơn tuổi rất nhiều.

Suốt cuộc đời sống với nghề đá cho đến khi tai nạn xảy ra ông Thuận cũng không xây nổi ngôi nhà cấp bốn cho vợ con  có ở.

Ông kể, cách đây mấy năm ông bốc vác đá thuê cho Cty TNHH Minh Hưng. Một hôm đang bốc đá thì bị một hòn đá bằng ấm trà từ trên mỏ rơi xuống trúng ngay trán, ông đổ người xuống không biết gì nữa. Gia đình phải đưa ông vào bệnh viện cấp cứu mấy tháng liền mới sống lại được.

Viên đá rơi vào trán ông đã gây lõm một lỗ có chiều rộng 6 cm, sâu 4 cm. Bây giờ thi thoảng những hôm trở  trời, ông ôm đầu kêu đau và lên cơn co giật thảm thương.

Tai nạn xảy ra, phía Cty TNHH Minh Hưng hỗ trợ ông 500 nghìn đồng. Vợ con ông phải vay đến 22 triệu đồng lo tiền thuốc thang cho chồng đến nay vẫn chưa trả xong nợ. Bà Mai Thị Ngoạt, vợ ông Thuận mỗi ngày phải đi bốc đá thuê kiếm tiền nuôi chồng thương tật và 2 con.

Tôi hỏi không sợ chết hay sao mà cứ tiếp tục nghề nguy hiểm này? Bà Ngoạt thở dài: “Không bốc vác đá thuê thì làm việc gì để kiếm ra tiền nuôi sống gia đình?”. Nói rồi bà Ngoạt chỉ tay về phía trước: “Nhà ở ngay cạnh gia đình tôi cũng có người vừa bị tai nạn ở mỏ đá”.

Đó là nhà anh Thái Tăng Trung, 35 tuổi. Hôm đó anh Trung lái chiếc ô tô Ka - Mát đến mỏ đợi  bốc đá lên xe. Nhìn lên đỉnh mỏ đá anh thấy một tảng đá to do mưa lâu ngày nên bị sụt lở,từ từ rơi xuống. Sợ đá đè hỏng xe, anh lao vào nổ máy cho xe chạy. Khi xe vừa nổ máy thì tảng đá đã lăn xuống đè lên xe rồi làm xe lật sang một bên.

Vụ tai nạn làm đầu xe ô tô bẹp dí, anh Trung may mắn chỉ gãy xương vai và sứt tai. Kể lại câu chuyện khi gặp chúng tôi mà anh vẫn chưa hết hoàn hồn. Miệng lập bập, anh nói: “Tôi vừa  bình phục trở lại sau một vụ tai nạn lao động suýt chết. May quá không thì chẳng sống đến hôm nay với vợ con”.

Không thể nhẹ lòng rời khỏi làng đội đá kiếm cơm khi chứng kiến cháu Trần Phương Thảo, 11 tuổi côi cút chuẩn bị bó nhang đi thắp hương cho bố. Cách đây hai năm, anh Trần Duy Minh, bố của cháu qua đời vì một tai nạn lao động trong lúc làm việc tại mỏ đá ở lèn 1.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.