Kiểm soát giá các loại hàng hoá biến động bất thường

Kiểm soát giá các loại hàng hoá biến động bất thường
Tình hình buôn lậu xăng dầu tại các tỉnh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam đang nóng bỏng. Lý do chính vẫn  là giá xăng dầu nước ta thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Campuchia.

Nhiều ý kiến cho rằng phải “thả” theo thị trường thì mới chống được nạn chảy máu xăng dầu qua biên giới?Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính nói:

Không hẳn vậy. Về cơ bản, hàng hoá của Việt Nam đã theo giá thị trường, chỉ còn một số mặt hàng Nhà nước buộc phải có tính toán nhất định, nhất là xăng dầu, phân bón. Đúng là về lâu dài phải tính đến biện pháp thả dần giá xăng để chống buôn lậu nhưng thời điểm hiện tại dứt khoát chưa thích hợp, vì xăng dầu là đầu vào của nền kinh tế, “thả” nó sẽ có vô số mặt hàng trọng yếu khác phải “thả” theo. Cũng có người thắc mắc: Sao Chính phủ không tính “thả giá” rồi bù lỗ hoặc hỗ trợ ngân sách cho các DN, ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề? Về cách làm này, chúng tôi đã nghĩ đến nhưng rồi thấy không thể thực hiện được. Bởi vì nếu tính hỗ trợ chi tiết cho từng hộ nông dân, doanh nghiệp thì mình sẽ phải xây dựng thêm một bộ máy mới. Khi đó chi phí quản lý sẽ tốn kém, nhiêu khê lên rất nhiều.

Ngành kinh doanh vận tải TP HCM vừa thông báo  sẽ tăng giá cước thêm ít nhất 10%. Như vậy khó tránh khỏi phản ứng tăng giá dây chuyền của các mặt hàng khác có liên quan đến vận chuyển, chẳng hạn như: lương thực, thực phẩm, phân bón, vật liệu xây dựng?

Cục Quản lý giá đang cố gắng không để xảy ra hiện tượng lợi dụng điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá các sản phẩm một cách không hợp lý. Ngày 5/4, Cục đã có công văn chính thức gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố tổ chức đề nghị các đơn vị này thành lập ngay các đoàn công tác thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá những vật tư, hàng hoá có biến động bất thường như vận tải hàng hoá, vận chuyển hành khách, nước, taxi, xe buýt ...Trong tình hình hiện nay, các DN phải tìm mọi biện pháp cắt giảm chi phí, kiềm chế giá bán ra giữ ổn định thị trường. Các Sở TC  tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá, xử lý nghiêm các vi phạm, chấn chỉnh không để DN tăng giá tuỳ tiện, làm thiệt hại lợi ích người tiêu dùng. Các phương án điều chỉnh giá nói trên phải có sự nhất trí của Sở Tài chính và các Sở ngành có liên quan trước khi thực hiện.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, sắp tới Bộ Tài chính sẽ thành lập đoàn kiểm tra các “ông” than, thép xem tại sao thời gian qua lại đề nghị tăng giá ( làm hình thành một “phong trào” tăng giá). Không chỉ kiểm tra tại các Tổng Cty mà ở cả các tỉnh có than, có thép. Đồng thời sẽ yêu cầu UBND, Sở TC cử đoàn đi thanh tra, xem xét thực tế.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG