Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun

Giống giun nước (hay còn gọi trùn chỉ) có màu hồng là món ăn khoái khẩu của cá kiểng, cá giống đã giúp nhiều nông dân miền Tây kiếm bộn tiền.
Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun ảnh 1

Trùn chỉ là giống giun nước có thân hình rất mảnh, màu hồng. Loại này thường sống ở những vùng nước chảy chậm, đầm lầy, ao, hồ tại những nơi nước luôn ấm và ô nhiễm, thiếu oxi.

Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun ảnh 2

Trùn chỉ là món ăn “khoái khẩu” của cá kiểng, cá giống. Để phục vụ cho nhu cầu rất lớn này, từ nhiều năm nay, nhiều hộ dân ở miền Tây cùng tham gia xúc, bán cho các vùng nuôi cá An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ.... Ông Lư Ngọc Ẩm ở ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân (An Giang) làm nghề xúc trùn chỉ hơn 5 năm nay, cho biết ngoài phương tiện đi lại, người xúc trùn chỉ cần có 1 chiếc vợt, 1 thau nhựa để bắt và ủ trùn.

Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun ảnh 3

Vợt xúc trùn được làm bằng lưới cước nhuyễn, có cán sắt. Giá cho mỗi bộ dụng cụ này từ 5- đến 7 triệu đồng.

Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun ảnh 4

Trùn chỉ có quanh năm, nhưng thời điểm nhiều người làm nghề đi xúc tập trung nhiều nhất vào tháng 2 đến tháng 11 (âm lịch), khi các vùng nuôi cần thức ăn cho cá giống. Các tháng còn lại, khách mua trùn chỉ chỉ có người nuôi cá kiểng, nhu cầu thấp nên ít người đi xúc trùn. 

Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun ảnh 5

Người xúc trùn cần có sức khỏe. Ở những nơi nước sâu, họ buộc phải dùng thêm ống thở. Do phải ngâm mình trong nước nên họ thường làm việc chỉ 4 - 5 giờ mỗi ngày,  từ 7h đến 9h sáng và 15h đến 17h chiều.

Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun ảnh 6

Những người có kinh nghiệm cho biết thường tập trung xúc trùn quanh các khu vực nuôi thủy sản như trong đê bao nước động lâu năm hay ao nuôi cá tra…vì trùn sinh sôi từ ao thức ăn, phân chuồng.

Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun ảnh 7

Đi theo những người đàn ông làm nghề xúc trùn là phụ nữ tham gia buôn bán. Những chợ trùn chỉ dã chiến như thế này có ở khắp các vùng nuôi cá miền Tây, từ An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đến Hậu Giang…Ông Cao Văn Hoàng, ở ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang, cho biết ông làm nghề xúc trùn chỉ quanh năm, kể cả mùa mưa hay lúc nắng, khi cần tiền là vác vợt ra sông. Từ khi nghề này hình thành, nhiều gia đình nghèo đã có thu nhập ổn định, nhất là lúc nông nhàn.

Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun ảnh 8

Trùn xúc về thường lẫn lộn với bùn đất, do vậy người ta phải cho vào thau nhựa ngâm nước từ 1 đến 2 tiếng để đãi bớt bùn đất.

Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun ảnh 9

Để tránh trùn bị chết trong quá trình vận chuyển, người bán thường cho chúng vào túi nylon. Mỗi túi chứa 1 kg trùn và cho thêm nước đá. Sau khi đãi, trùn được cho vào hồ nước sạch chạy oxi để xử lý tiếp bùn, sau đó mới vớt ra cân cho bạn hàng. Thường trùn xúc hôm trước là ngày sau phải bán.

Kiếm tiền bằng nghề lội bùn bắt giun ảnh 10

Theo ông Ấm, bình quân mỗi người làm thường xuyên sẽ xúc được 600 đến 800 kg trùn/tháng. Giá trùn chỉ đang được các vựa thu mua khoảng 45.000 đồng/kg. Mỗi người xúc trùn có thu nhập từ 500.000 đến 700.000 đồng/ngày, thỉnh thoảng "trúng luồn" họ thu tới 2 triệu đồng.

Theo Theo Zing