Kiểm toán dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông
TPO - Kiểm toán Nhà nước vừa công bố quyết định về việc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Việc kiểm toán nhằm xác định tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính Dự án; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán của Nhà nước và các quy định của hiệp định vay vốn; đánh giá tính kinh tế trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư; phát hiện những tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quá trình thực hiện và xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời hạn kiểm toán là 60 ngày bắt đầu từ ngày công bố. Nội dung kiểm toán bao gồm nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư; việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán và các chính sách pháp luật có liên quan kể từ khi triển khai Dự án đến ngày 30/6/2018.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư là 552,8 triệu USD (tương đương 8.769 tỷ đồng), trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 198,42 triệu USD. Tổng chiều dài chính tuyến 13,05km. Năm 2016, do bổ sung, thay đổi một số hạng mục, tổng mức đầu tư công trình này được điều chỉnh từ 552 triệu USD lên 868,04 triệu USD; thời hạn hoàn thành được ấn định lại là cuối tháng 12/2018.

Trao đổi với Tiền Phong mới đây, Tiến sỹ, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy cho hay, dự án Cát Linh - Hà Đông là điển hình cho sự trì trệ, làm việc thiếu khoa học và thiếu trách nhiệm.

Chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giao thông đô thị này cho rằng, với việc tăng vốn lên hơn 868 triệu USD, đáng ra, dự án này có thể “chạy” ngầm chứ không phải chạy nổi như vậy. “Chạy ngầm đắt hơn nhiều nhưng an toàn, đỡ tiếng ồn hơn. Với mức giá gần 100 triệu USD/km như dự án này, các nước đều có thể làm đường ngầm hết” - chuyên gia này nói.

Chuyên gia này cũng phân tích cho thấy: Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể coi là dự án “sống còn” với Hà Nội vì giúp giải quyết ách tắc giao thông, là dự án được nhân dân trông đợi, một dự án trọng điểm quốc gia. Vì vậy, việc chậm trễ, đội vốn càng khiến người dân bức xúc. Chuyên gia Thủy đề nghị, với riêng dự án này cần lắp ngay đồng hồ đếm ngược về ngày hoàn thành dự án. Nếu chậm trễ phải kỷ luật, cách chức.

MỚI - NÓNG