Kiểm toán - Mới cắt ngọn?!

Kiểm toán - Mới cắt ngọn?!
TP - Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước, cơ quan kiểm toán vừa cho hay đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 53.500 tỷ đồng (bằng 74,1% tổng số kiến nghị tài chính trong cả 15 năm), tăng thu về thuế và các khoản thu khác hơn 12.000 tỷ đồng, giảm chi gần 8.500 tỷ đồng.

Con số trên cho thấy nhờ có công tác kiểm toán, một khoản tiền lớn của ngân sách đã được thu hồi. Điều này cũng khẳng định vai trò quan trọng của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong thực hiện chi tiêu công. Tuy nhiên, đánh giá chung cũng chỉ ra, hoạt động KTNN mới tập trung vào khâu hậu kiểm, tính hợp pháp của báo cáo quyết toán ngân sách, tức là khi mọi hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp đều trong trạng thái “sự đã rồi”.

Còn tại mảng lập dự toán ngân sách - có thể dự báo và ngăn được những khoản chi kém khả thi về hiệu quả trong tương lai gần (nếu có) thì chưa có dấu ấn nào của kiểm toán. Một thống kê đã chỉ ra: Các báo cáo, đề án, tờ trình của KTNN liên quan đến dự toán chi NSNN của Chính phủ trình Quốc hội và UBND trình HĐND các cấp có rất ít ý kiến của cơ quan KTNN về tính khả thi và tính kinh tế. Chính điều này ít nhiều dẫn đến tình trạng chi tiêu lãng phí, thất thoát tại nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty.

Phải làm gì để cắt tận gốc căn bệnh lãng phí và sai phạm trong chi tiêu công, tránh hoạt động kiểm toán chỉ là “hậu kiểm”? Tại hội thảo tổng kết Luật KTNN và đề xuất sửa đổi bổ sung vừa diễn ra, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần tăng quyền cho kiểm toán.

TS Đỗ Trọng Khanh, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Tiền tệ (Bộ KH-ĐT), khẳng định: Đối với các báo cáo, đề án, tờ trình có liên quan đến dự toán ngân sách, nếu kiểm toán được tham dự từ đầu, chắc chắn những cảnh báo trước sẽ hạn chế đáng kể thất thoát, lãng phí có thể xảy ra.

Tương tự, trong quá trình kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện phát hiện nhiều vụ gian lận thuế. Nếu Luật KTNN quy định nhiệm vụ kiểm toán nghĩa vụ nộp ngân sách của những doanh nghiệp này thì khi đó KTNN sẽ có thẩm quyền đề nghị xử lý.

Mỗi một đồng tiền chi tiêu của ngân sách đều có sự đóng góp từ nghĩa vụ thuế, sức lao động của người dân. Đã đến lúc, những mầm gốc lãng phí cũng cần được cắt.

MỚI - NÓNG