Kim ngạch dệt may bị tụt giảm nghiêm trọng

Kim ngạch dệt may bị tụt giảm nghiêm trọng
Hội nghị “Sơ kết xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2005” do liên bộ Thương mại - Công nghiệp và Hiệp hội Dệt may VN tổ chức ngày 25/7, tại Hà Nội diễn ra căng thẳng. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tụt giảm nghiêm trọng.

Vấn đề phân bổ hạn ngạch dệt may lại trở thành đề tài nóng bỏng.

Tụt vì chưa vào WTO?

Theo Bộ Thương mại, ngay khi các nước thành viên WTO bỏ hạn ngạch xuất khẩu (XK) hàng dệt may cho nhau, XK hàng dệt may của Việt Nam đã đối mặt với nhiều khó khăn.

Từ đầu năm 2005 đến nay, kim ngạch XK mới đạt hơn 2 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng XK giảm so với 2 năm trước. Từ tháng 4/2005, các nhà nhập khẩu đã chuyển đơn hàng sang các nước khác, do VN vẫn là 1 trong vài nước bị áp hạn ngạch, nên năng lực cạnh tranh của hàng hóa đã sụt giảm mạnh.

Ông Lê Quốc Ân-Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN cho biết, Mỹ là thị trường quan trọng của VN, thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2005, kim ngạch xuất vào Mỹ cũng chỉ đạt 1,1 tỷ USD. Điều quan trọng là các nước Campuchia, Srilanka… sắp được miễn thuế khi xuất khẩu vào Mỹ. Thông tin này lôi cuốn rất nhiều nhà nhập khẩu chạy sang với các nước này.

Kim ngạch xuất hàng dệt may của Trung Quốc vào Mỹ tăng hơn 61%; ấn Độ tăng 29%; Srilanka 18%; Campuchia tăng 17%; còn VN chỉ tăng 5,8% (thấp nhất). Rất nhiều chủng loại hàng chủ lực của VN giá tăng, nên lượng hàng giảm mạnh.

Hàng dệt may của VN đang đứng trước cuộc cạnh tranh không cân sức với Trung Quốc khi xuất vào Mỹ. Điều này đang gây lo ngại rất lớn cho hàng loạt DN. Hiệp hội Dệt may VN đã chính thức đề nghị đặt mục tiêu đạt kim ngạch XK hàng dệt may năm 2005 là 4,7 tỷ USD, thay vì 5,2 tỷ.

Phân bổ hạn ngạch: Nhiều DN để “thối”

Hiện, hàng dệt may của VN chỉ đơn thuần là cắt và may rồi XK. Càng XK càng lộ rõ năng lực cạnh tranh thấp, bởi: 70-80% nguyên phụ liệu là nhập khẩu, thiếu các nhà tạo mẫu, thiết kế có năng lực, chi phí sản xuất cao…

Trong khi kim ngạch XK tụt giảm thì việc điều hành phân bổ hạn ngạch thời gian qua vẫn luẩn quẩn chưa tìm được phương thức hợp lý. Các DN cho rằng, việc liên bộ Thương mại – Công nghiệp cấp visa tự động với một số chủng loại hàng từ 1/7 đến 31/8 là quá ngắn, DN không thể đối phó được với thay đổi chính sách liên tục như hiện nay.

Đại diện DN Việt Tiến cho rằng, hạn ngạch cấp sang Mỹ năm nay không “nóng” như năm 2004, song vẫn có tình trạng DN có hạn ngạch nhưng không có hàng còn DN có hàng lại không có hạn ngạch để xuất.

Nhiều DN dù không có năng lực XK vẫn giữ hạn ngạch được phân bổ để làm tin với khách hàng đã dẫn đến tình trạng “thối” hạn ngạch. Theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu, tình trạng này vẫn diễn ra tương tối phổ biến với các DN dệt may.

Làm sao phân bổ hạn ngạch dệt may hợp lý? Nên cấp Visa tự động thả nổi, cấp có đăng ký hay phân bổ hạn ngạch triệt để? Bộ Thương mại đã dùng đến biện pháp phạt trừ hạn ngạch các thương nhân không làm đúng cam kết để giữ nghiêm kỷ luật giao hàng.

Ông Lê Quốc Ân cho rằng, với những DN không sử dụng hết hạn ngạch, phải thu hồi ngay phần hạn ngạch chưa thực hiện được. Nếu DN muốn đăng ký nhiều thì phải ký quỹ bằng khoản tiền tương đối lớn để tránh tình trạng đăng ký tràn lan rồi để… “thối”! Phần hạn ngạch thu lại sẽ chuyển sang cấp visa tự động để DN vẫn XK được bình thường.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã yêu cầu quản lý 4 chủng loại hàng XK với số lượng lớn; thu hồi toàn bộ hạn ngạch của những DN chỉ thực hiện được 45% tổng số hạn ngạch đã đăng ký để chuyển sang cấp visa tự động.

Để tránh tiêu cực và chi phí tốn kém cho DN, Bộ trưởng Tuyển cũng yêu cầu không tiếp DN tại Bộ mà chỉ làm việc qua email; đề nghị những DN không chịu tiết kiệm chi phí nên phá sản, vì nếu không thời gian tới vào WTO DN có chi phí cao cũng sẽ bị phá sản.

Cũng để tăng năng lực cạnh tranh cho DN, ông Ân đề nghị liên bộ làm việc với Hải quan về việc áp dụng đúng mã số thuế với nguyên liệu dệt may nhập khẩu, bởi việc áp mã thuế nhập khẩu sai đang khiến DN dệt may thiệt hại 30 tỷ đồng/năm.

MỚI - NÓNG