Kinh doanh gas: Vi phạm nghiêm trọng hơn xăng dầu

Kinh doanh gas: Vi phạm nghiêm trọng hơn xăng dầu
TP - Theo kết quả thanh tra đo lường và chất lượng hàng hóa trên phạm vi cả nước do Bộ Khoa học & Công nghệ vừa công bố, số cơ sở kinh doanh gas hóa lỏng vi phạm chiếm gần 25%, trong khi tỷ lệ đó ở các cơ sở kinh doanh xăng dầu chỉ 16%.
Kinh doanh gas: Vi phạm nghiêm trọng hơn xăng dầu ảnh 1

Tan hoang sau vụ nổ do rò rỉ khí gas tại quán Nhất Vị Quán (đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TPHCM) tháng 5/200.  Ảnh: LT

Sang chiết trái phép, bình hết hạn kiểm định

Riêng tại tỉnh Gia Lai, đoàn thanh tra liên ngành do Sở Khoa học & Công nghệ (KHCN) kiểm tra 16 cơ sở kinh doanh gas hóa lỏng, trong đó có một cơ sở chiết nạp và 15 cơ sở là đại lý cấp 1. Sáu cơ sở bị lập biên bản vi phạm (chiếm 37,5%).

Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai – Phó Chánh Thanh tra Sở, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có hai cơ sở vi phạm về đo lường (bình gas không đủ trọng lượng quy định). Bốn cơ sở còn lại không thực hiện kiểm định đối với thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Đó là các sản phẩm Đặng Phước Gas (Xí nghiệp Kinh doanh các Sản phẩm Dầu khí Đặng Phước sản xuất), VT-Gas (Cty Liên doanh Khí hóa lỏng VN), UP Gas (Cty Cổ phần Dầu khí An Pha Tây Nguyên – DAKGAS) và PM Gas (Xí nghiệp Kinh doanh các Sản phẩm Dầu khí Bình Định).

Hầu hết các bình chứa gas của các đơn vị trên tại Gia Lai hết hạn kiểm định từ lâu, thậm chí có bình hết hạn từ năm 2000. Đoàn thanh tra niêm phong, tạm giữ toàn bộ bình gas vi phạm, lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử lý bốn cơ sở trên.

“Kiểm tra cho thấy các đại lý chỉ nhận các bình gas được chiết nạp do các đơn vị kinh doanh gas cung cấp mà không có hồ sơ nguồn gốc bình gas. Người tiêu dùng và hầu hết cơ sở kinh doanh đều không nắm được các quy định về kiểm định và đóng dấu kiểm định an toàn trên bình gas” – Bà Mai nói.

Lập đường dây nóng chống vi phạm

“Các gian thương không thể đối phó được với hàng chục triệu người tiêu dùng trên cả nước. Những cơ sở gian lận sẽ không biết lúc nào sẽ bị thanh tra, nên việc đối phó sẽ gặp khó khăn hơn. Điều quan trọng nhất là ngăn chặn được những hành vi gian lận” – Ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ KH&CN khẳng định.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KHCN, cho biết Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra và sẽ yêu cầu các sở KHCN thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng, khuyến khích nhân dân phát hiện vi phạm. Bộ KHCN sẽ có kế hoạch bố trí lực lượng thanh tra đột xuất khi nhận được phản ánh của nhân dân.

Lãnh đạo cơ quan thanh tra Bộ KHCN cho biết, Bộ đã trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế hai nghị định 126 và 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, theo hướng tăng nặng các chế tài xử phạt.

“Chúng tôi đang đề xuất hình thức xử phạt vi phạm bổ sung như thu hồi nộp ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp do hành vi gian lận về đo lường và chất lượng. Khi những biện pháp kiên quyết như vậy được thực thi, các cơ sở có ý định gian lận sẽ phải tính toán giữa cái được và mất của việc gian lận” – Ông Dũng nói.

Ông Trần Minh Dũng cho biết, qua thanh kiểm tra đo lường, chất lượng hơn 630 cơ sở kinh doanh gas lỏng tại 61 tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản vi phạm 154 cơ sở (chiếm gần 25%). Các hành vi vi phạm phổ biến là gian lận trọng lượng gas (99 cơ sở), bình gas không được kiểm định (16 cơ sở). Đặc biệt, có hơn 10 trường hợp sang chiết gas trái phép, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
MỚI - NÓNG