Kinh doanh ở Việt Nam ngày càng thuận lợi

Kinh doanh ở Việt Nam ngày càng thuận lợi
TP - Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, những bước tiến của Việt Nam trong việc làm thông thoáng môi trường kinh doanh đang đi đúng hướng đặc biệt những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực bảo vệ nhà đầu tư.
Kinh doanh ở Việt Nam ngày càng thuận lợi ảnh 1
Các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đang đặc biệt quan tâm đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Trong ảnh: Đoàn các doanh nghiệp lớn của Mỹ do Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ dẫn đầu thăm Nhà máy cấp nước Thủ Đức – TPHCM

Dưới con mắt của các tổ chức tài chính quốc tế uy tín, Việt Nam có nhiều thay đổi về môi trường pháp lý trong năm qua, góp phần cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, nâng cao mức độ thuận lợi trong kinh doanh và thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đứng đầu trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng bằng việc mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng để thế chấp.

Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006 về Giao dịch Bảo đảm đã cho phép doanh nghiệp sử dụng động sản – hiện có và sẽ có trong tương lai, hữu hình và vô hình làm tài sản đảm bảo khoản vay bằng cách cho phép mô tả loại tài sản và nghĩa vụ trong hợp đồng thế chấp. 

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2008 của 2 tổ chức trên còn cho biết Việt Nam cũng ban hành Luật Chứng khoán quy định rõ hoạt động của thị trường chứng khoán và trung tâm giao dịch chứng khoán. 

Ngoài ra, Việt Nam tăng cường bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc ban hành Luật Doanh nghiệp mới, trong đó quy định các hoạt động chính của công ty phải có sự tham gia của nhà đầu tư, đồng thời tăng cường yêu cầu công khai thông tin của công ty trong các giao dịch có các bên liên quan, và đưa ra quy định về trách nhiệm của giám đốc và thành viên hội đồng quản trị công ty trong việc bảo toàn lợi ích của cổ đông và doanh nghiệp.

Báo cáo đưa ra xếp hạng các quốc gia về mức độ dễ dàng trong tiến hành các hoạt động kinh doanh dựa trên 10 tiêu chí. Và lần này, Việt Nam xếp hạng 91 trong số 178 quốc gia về mức độ tạo sự thông thoáng trong hoạt động kinh doanh. Trong khi năm 2006, Việt Nam xếp hạng 104. Đáng chú ý, về phương diện tiếp cận vốn tín dụng, Việt Nam đã có bước nhảy vọt ấn tượng 32 bậc, từ thứ hạng 80 năm 2006 lên hạng 48 năm 2007.

Báo cáo, với sự đóng góp của 5.000 chuyên gia, đã cung cấp cái nhìn định tính về nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam.

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2007 và nhiệm vụ 2008 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII, nhóm giải pháp đầu tiên được đưa ra là Chính phủ sẽ tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế.

Với quyết tâm cao như vậy, chắc rằng môi trường kinh doanh, đầu tư của nước ta sẽ khởi sắc hơn nữa, không chỉ dừng ở những con số đáng mừng như thu hút được 11,26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2007.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...