Kinh doanh tại Việt Nam có lợi hơn Trung Quốc, Ấn độ

Kinh doanh tại Việt Nam có lợi hơn Trung Quốc, Ấn độ
TP - Đây là nhận định của tạp chí Doanh nhân Mỹ. Ông Alan Tonelson, chuyên gia của Hội đồng Công nghiệp và kinh doanh Mỹ cũng tin rằng Việt Nam đang nắm giữ nhiều tiềm năng kinh doanh.

Trước đó, doanh nhân Mỹ Patrick Kruse, 45 tuổi, cha đẻ tập đoàn may mặc Ruff Wear Inc. nhận ra rằng phải đặt hàng cho các nhà máy sản xuất ở nước ngoài mới tăng cường được khả năng cạnh tranh, ông đã chọn Trung Quốc.

Điều này giúp ông giảm được chi phí nhờ giá thuê nhân công rẻ, nhưng lại nảy sinh mối lo khác là chất lượng sản phẩm. Một số lô hàng của các nhà máy tại Trung Quốc gửi sang Mỹ đã bị ông trả lại.

Theo lời khuyên của các doanh nhân khác, Patrick thử sang Việt Nam khảo sát và nhận thấy nền công nghiệp may mặc của Việt Nam đang bùng nổ và có thể đáp ứng được yêu cầu của tập đoàn Ruff Wear Inc.

Từ năm 2003 ông bắt đầu đặt hàng cho một số nhà máy ở TPHCM và mối lo về chất lượng không còn nữa. Nay Patrick đã đặt hàng trực tiếp cho các nhà máy ở Việt Nam mà không phải thông qua môi giới ở Hong Kong.

Chính phủ Việt Nam đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế và tài chính trong các khu công nghiệp nên Patrick chỉ phải trả một số khoản cao hơn ở Trung Quốc chút ít, nhưng điều quan trọng là chất lượng được bảo đảm. ấn tượng hơn nữa khi các bạn hàng ở Việt Nam luôn đáp ứng một cách nhanh nhất mọi nhu cầu về sản phẩm mới mỗi khi tập đoàn của ông yêu cầu.

Không chỉ trong dệt may, lĩnh vực công nghệ cao (IT) Việt Nam cũng có nhiều lợi thế. Theo khảo sát của Cty tư vấn quốc tế NeoIT, giá nhân công IT tại Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines.

Ông Atul Vashistha, Tổng Giám đốc Cty NeoIT, cho biết Việt Nam còn có lợi thế khác như nền tảng giáo dục tốt, nhiều người nói được tiếng Anh nên dễ giao tiếp hơn ở Trung Quốc...

Tuy nhiên, điểm hạn chế trong thu hút đầu tư là Việt Nam thiếu lực lượng lao động bậc cao, được đào tạo chuyên nghiệp; cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay, điện năng... chưa hiện đại bằng Trung Quốc, ấn Độ và một số nước khác.

Alan Tonelson, chuyên gia của Hội đồng Công nghiệp và kinh doanh Mỹ ở Washington, DC tin rằng Việt Nam đang nắm giữ nhiều tiềm năng kinh doanh. Theo Tonelson, kỹ năng ngôn ngữ của người Việt Nam cùng với làn sóng tìm thị trường kinh doanh mới của doanh nhân Mỹ sẽ giúp đất nước này phát triển mạnh mẽ hơn.

T.Đ (lược dịch)

MỚI - NÓNG