Kinh doanh tiền tệ và bài học đại án: Thượng tôn pháp luật

Từ sau năm 2012, công tác thanh tra theo hướng chú trọng an toàn hệ thống được lưu tâm hơn. Ảnh: Như Ý.
Từ sau năm 2012, công tác thanh tra theo hướng chú trọng an toàn hệ thống được lưu tâm hơn. Ảnh: Như Ý.
TP - Trước thực trạng tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng tăng mạnh qua các năm, mới đây, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “rào giậu” lại quy trình, quy định bằng một loạt biện pháp tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc vi phạm, nhằm kiểm soát chặt hoạt động tiền tệ. Quan điểm của người đứng đầu ngành: Phải thượng tôn pháp luật!

Siết kỷ luật ngành

Theo NHNN, những vấn đề về an toàn hệ thống và rủi ro của hoạt động ngân hàng giai đoạn sau năm 2012 trở đi được chú  trọng và thường xuyên phân tích, đánh giá cảnh báo kịp thời. Thanh tra giám sát NHNN đã phản ứng chủ động và nhanh nhạy hơn đối với các nhân tố tác động đến sự lành mạnh của tổ chức tín dụng (TCTD). Cùng đó, ngành đã tăng cường đổi mới công tác thanh tra giám sát theo hướng chú trọng phòng ngừa rủi ro, cảnh báo vi phạm pháp luật trong hệ thống ngân hàng.

NHNN cho biết: Từ năm 2015 đến nay, số vụ tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng phát hiện đã có dấu hiệu giảm so với trước cả về số vụ, số thiệt hại và số vụ việc lớn nghiêm trọng. “Hầu hết các vụ án kinh tế trong lĩnh vực NH điều tra gần đây đều xảy ra từ các năm trước, nay mới được phát hiện, số vụ việc mới xảy ra ít hơn”, NHNN khẳng định.

Cách đây hơn 10 ngày, tại trụ sở NHNN diễn ra một hội nghị ngành khá đặc biệt với nội dung triển khai một số công tác đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng trong tình hình hiện nay. 4 lĩnh vực lớn trong ngân hàng gồm: Kho quỹ, an ninh mạng, thanh toán thẻ và tiền gửi tiết kiệm đã được “mổ xẻ” thấu đáo để nhận diện những kẽ hở nào còn có trong quy trình và thực hiện “bịt” lỗ hổng ra sao.

Đơn cử với việc gửi tiền tiết kiệm, sau những vụ việc mất tiền của khách và khách hàng khiếu nại (vụ 6 khách hàng bị rút tiền gửi tiết kiệm tổng số hơn 44 tỷ đồng và 2 lượng vàng SJC tại chi nhánh Eximbank Vinh; Vụ mất tiền gửi tiết kiệm trị giá hàng trăm tỷ tại chi nhánh một ngân hàng ở Lào Cai…), đại diện Vụ Chính sách tiền tệ NHNN khẳng định: Những vấn đề cần chấn chỉnh đó là quản lý chặt chẽ hoạt động huy động vốn, theo quy định của NHNN, quy định trách nhiệm từng cá nhân, đảm bảo khách hàng khi mở sổ gửi tiết kiệm phải đến trực tiếp quầy giao dịch…Hay như hoạt động kho quỹ tăng kiểm tra giám sát nội bộ, kiên quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, tập  thể vi phạm. Trong thanh toán, NHNN yêu cầu các TCTD cần trang bị đồng bộ hoá hành lang pháp lý để đảm bảo an ninh an toàn thanh toán thẻ…

Tuân thủ luật

Thảo luận về nợ xấu tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội luôn yêu cầu phải làm rõ tội và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm gây ra nợ xấu. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, chính vì những “đại án” lớn liên quan đến vi phạm của ngành thời gian qua mà hơn năm nay, NHNN đã bắt tay vào xem xét lại toàn bộ “chân tơ kẽ tóc” tất cả các quy trình, quy định trong hoạt động kinh doanh tiền tệ.

“Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị. Trong Đề án, NHNN đã đề cập giải pháp, biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng”, Thống đốc cho biết.

Phát biểu trong buổi họp tổng kết cuối năm tại NHTMCP VietinBank, Thống đốc cũng nhấn mạnh, với việc sửa lại Luật Các tổ chức tín dụng tới đây, một số điều khoản sẽ được thắt chặt nhằm đảm bảo an ninh an toàn cho hoạt động kinh doanh tiền tệ. Đơn cử, với lãi dự thu “tính cua trong lỗ” của một số TCTD, phải rõ ràng, tách bạch; không cho phép lãi giả, lỗ thật: gây ảnh hưởng đến chất lượng TCTD, gây ra nợ xấu. Với sở hữu chéo, sẽ siết bằng điều kiện chặt chẽ trong việc mua bán cổ phiếu, cổ phần. “Không có chuyện dùng tiền vay ngân hàng này để đi mua cổ phiếu ngân hàng khác. Muốn đầu tư vào ngân hàng, phải có tiền tươi thóc thật và phải chứng minh được nguồn tiền. Bên cạnh, phải kèm thêm những điều kiện như có nghiệp vụ ngân hàng, chưa từng vi phạm pháp luật”, Thống đốc nói. 

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, kinh doanh tiền tệ là một lĩnh vực đầy rủi ro bởi nghề này hay tiếp xúc với đồng tiền, nhiều cám dỗ. “Khi tôi còn làm việc ở bên Mỹ, bất cứ ai bước chân vào nghề “buôn tiền” đều được răn dạy bài học về đạo đức nghề nghiệp. Tôi nghĩ ở Việt Nam, việc nhắc nhở này là rất cần thiết, thậm chí nên đưa thành môn học cho cán bộ ngân hàng để họ nhớ và tự răn mình”, ông Hiếu nói.

“NHNN đã cho tổng kết lại toàn bộ các vi phạm, từ đó xem xét lại quy trình trong tất cả các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Yêu cầu của NHNN với các TCTD là phải tuân thủ chặt chẽ các quy định đề ra theo tinh thần thượng tôn pháp luật!”.

Thống đốc Lê Minh Hưng

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.