Kinh doanh trung tâm thương mại: Kẻ khóc người cười

Kinh doanh trung tâm thương mại: Kẻ khóc người cười
Thử quan sát cách mua - bán tại các trung tâm thương mại lớn hiện nay mới thấy hết khả năng “chịu chơi” của nhiều vị khách hàng. Có người dám chi cả 300 triệu cho cho một lần shoping tại Diamond Plaza và mỗi đêm nơi này còn có hằng trăm hóa đơn “bình dân” khác ở mức hàng chục triệu đồng.
Kinh doanh trung tâm thương mại: Kẻ khóc người cười ảnh 1

Xem hàng thỏa thích vì cách trưng bày đẹp mắt tại các trung tâm thương mại.

Theo một công ty công ty nghiên cứu thị trường tại TP.HCM, người tiêu dùng VN có cách tiêu xài khác so với khách hàng trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, người VN chú ý nhiều đến việc “xài hàng hiệu” để chứng tỏ “đẳng cấp” của mình và họ rất chú trọng đến việc người khác đánh giá mình như thế nào, điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng. Với các nhà đầu tư hàng hiệu, hàng cao cấp thì đây là điểm hấp dẫn của thị trường VN.

Trước xu thế đó, trung tâm thương mại rủ nhau ra đời, nhiều nơi đã trở thành “điểm tiêu tiền” của người “ghiền” mua sắm, song cũng không ít trung tâm thương mại phải lâm vào cảnh “chợ chiều”. Vì sao có sự khác biệt “éo le” này?

"Chết" trẻ

6 năm trước khi trung tâm thương mại còn là một thứ “quí hiếm” tại TP.HCM thì sự xuất hiện của Thuận Kiều Plaza là một sự kiện đáng chú ý cho giới kinh doanh và cả người tiêu dùng. DN này làm khâu quảng bá ban đầu khá tốt và chọn địa điểm kinh doanh hợp lý: tọa lạc tại Q.5, khu vực sầm suất nhất TP.HCM. Lúc Thuận Kiều Plaza mới khai trương nhiều người dân TP đổ xô đến đây tham quan mua sắm nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì ít còn ai nhớ đến nơi này.

Lý giải vấn đề trên, một khách hàng “sành shopping” nhận định: “Quá dễ dãi trong việc chọn đối tác kinh doanh (DN bán hàng) đã làm mất uy tín Thuận Kiều”. Quả vậy, tiếng là trung tâm thương mại nhưng tại đây có khá nhiều gian hàng mua bán sản phẩm không tên tuổi (hàng chợ). Thậm chí ngay cả “siêu lừa” Phượng Nguyễn, một DN kinh doanh máy lọc nước, máy mát-xa hiệu Aowa (hàng Trung Quốc) nhưng lừa dối người tiêu dùng là hàng Nhật, bán với giá “cắt cổ” đã bị báo chí lên tiếng nhiều lần lại được nằm ngay vị trí đắc địa của trung tâm này.

Nhiều DN có tên tuổi đã “lỡ” đăng kí kinh doanh tại Thuận Kiều cho hay, kinh doanh trong điều kiện “vàng thau lẫn lộn” như thế là rất khó vì khách hàng luôn có thái độ đánh đồng.

Một trong những trung tâm thương mại có tuổi đời ngắn ngủi nhất tại TP.HCM có thể kể đến là Nhật Nam. Mặc dù cũng nằm trong trung tâm TP (Nguyễn Trãi, Q.5) nhưng Nhật Nam đã không hút được khách vì “chẳng tạo được ấn tượng gì” như nhiều người nhận xét. Chưa đầy 4 năm sau Nhật Nam đã phải đóng cửa, chuyển dự án cho một nhà đầu tư khác (Công ty Zen Plaza - 100% vốn của Nhật) kinh doanh.

Tương tự mới đây trung tâm thương mại Saigontourist Plaza cũng đã ngưng hoạt động và cho nhà bán lẻ Parkson (Malaysia) thuê lại mặt bằng. Đây là kết quả tất yếu của việc kinh doanh không hiệu quả, không có chiến lược kinh doanh rõ ràng.

Kinh doanh khác người

Kinh doanh trung tâm thương mại: Kẻ khóc người cười ảnh 2

Đông đảo khách hàng chen lấn để xem chương trình "tư vấn trang điểm cùng ngôi sao" tại gian hàng L'oreal ở Diamond Plaza.

Một DN có các quầy hàng tại nhiều trung tâm thương mại như Diamond, SuperBowl, Thuận Kiều… cho biết: “Lúc mới kinh doanh ở Diamond tôi rất là bực mình vì cách quản lí ở đây quá khác những nơi mà tôi từng có quầy hàng. Chẳng hạn cứ mỗi vài tuần họ bắt tôi phải di chuyển chỗ, thay đổi cách bài trí 1 lần (làm mới khung cảnh, tránh cho khách hàng cảm giác nhàm chán - PV), không ngờ cách làm này mang lại hiệu quả kinh doanh cao”.

Ấn tượng hơn, có lúc ra, vào Diamond khách hàng còn được nhiều cô gái trẻ, đẹp ăn bận theo phong cách cao bồi (trang phục đen, mũ phớt) đứng 2 bên lối vào kính cẩn cúi đầu thấp để chào. Có lúc ở đây còn có nhiều show diễn khuấy động không gian như trang điểm miễn phí, tổ chức trò chơi cho khách hàng tham gia…

Với khách hàng điều quan trọng nhất vẫn là sản phẩm nhà kinh doanh mang đến cho mình. Nhìn vào 2 trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất TP.HCM là Diamond và Parkson mới thấy rõ quan điểm “tuyển hàng” của những “đại gia” này. Trên 80% nhãn hiệu tại các nơi này là nhãn hiệu ngoại cao cấp. Tuy giá hàng hóa ở những nơi này rất cao song điều này lại hợp lý vì họ xác định được đối tượng khách hàng là ai, họ cần gì.

Chọn hướng đi riêng cũng là cách kinh doanh thành công, sau khi Công ty Zen Plaza nhận đầu tư vào chỗ Nhật Nam, công ty này xác định phải tập trung vào một ngành hàng đặc thù thay vì bày bán tràn lan các mặt hàng. Dựa trên địa thế của con đường thời trang Nguyễn trãi  Zen đã đi sâu vào ngành hàng thời trang. Đến nay Zen trở thành điểm mua sắm hàng thời trang có lượng khách khổng lồ.

Trung tâm thương mại là mô hình kinh doanh mới du nhập vào VN trong những năm gần đây. Nếu nhà kinh doanh không có kinh nghiệm và không học hỏi, vội khoác lên mình chiếc áo “trung tâm thương mại” cho sang thì khó tránh khỏi tình trạng “dở khóc dở cười”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.