Kinh nghiệm đối phó kiện chống phá giá từ Trung Quốc

Kinh nghiệm đối phó kiện chống phá giá từ Trung Quốc
Trung Quốc cho rằng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đối phó với các vụ kiện chống phá giá và điều tra chống phá giá là hai quá trình song song, cần thiết và quan trọng. 
Kinh nghiệm đối phó kiện chống phá giá từ Trung Quốc ảnh 1
TQ là nước bị áp dụng điều khoản chống bán phá giá nhiều nhất.

Nhìn vào lịch sử các vụ kiện chống bán phá giá có thể thấy số lượng các vụ kiện ngày một tăng, từ 157 vụ vào năm 1995 đến 2.646 vụ vào năm 2004.

Cho đến thời điểm này, TQ là nước bị áp dụng điều khoản chống bán phá giá nhiều nhất. Trong 20 năm qua, các biện pháp chống bán phá giá mà các nước áp dụng đối với TQ đã gây thiệt hại trực tiếp cho TQ khoảng 10 tỉ USD. Trong đó, các nước EU chiếm tới 3 tỉ USD với chín vụ trị giá 100 triệu USD/vụ, 32 vụ trị giá 10 triệu USD/vụ.

Có thể rút ra được bài học gì từ các vụ kiện và từ kinh nghiệm của người láng giềng này?

1. Tích cực theo kiện: Theo qui định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong giải quyết bán phá giá, doanh nghiệp đóng vai trò chính còn chính phủ của doanh nghiệp bị khởi kiện chỉ đóng vai trò phụ. Nếu doanh nghiệp từ bỏ quyền lợi kháng kiện cho dù bị oan thì chính phủ cũng không có cách nào để cứu vãn.

Thời gian đầu khi mới tham gia thị trường quốc tế, rất nhiều doanh nghiệp TQ do tiềm lực tài chính hạn chế hoặc do không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tham gia các vụ kiện đã không trả lời các bản điều tra và thua kiện. Hậu quả không chỉ là mất thị trường mà còn do hành vi của công ty “bỏ cuộc” này, mà của cả một ngành ảnh hưởng.

Từ đó đến nay, các doanh nghiệp TQ đã tích cực rút bài học. Theo số liệu của Bộ Ngoại thương và hợp tác kinh tế TQ (Moftec), nếu như đầu thập niên 1990 chỉ có 30% doanh nghiệp trả lời các điều tra về bán phá giá, thì đến nay tất cả các vụ điều tra của EU và Mỹ đối với doanh nghiệp TQ đều được hồi đáp cẩn thận.

2. Thành lập cơ quan chuyên trách hầu kiện: Bên cạnh những hạn chế về tài chính và kiến thức, việc thiếu vắng các nhà chuyên môn, chuyên nghiệp như luật sư, kế toán, kiểm toán, kinh tế gia... còn là một thiệt thòi lớn.

Hiện nay, bên nguyên đơn kiện bán phá giá thường lấy danh nghĩa hiệp hội để đủ tư cách không dưới 50% sản phẩm toàn quốc, trong khi bên bị đơn hầu kiện thường là đơn thân độc mã, dễ sơ hở và cũng vì thế mà không kham nổi chi phí kiện tụng. Do đó, đoàn kết với các doanh nghiệp khác để theo đuổi vụ kiện là rất cần thiết.

TQ đã hình thành ngay các tổ chức chuyên nghiệp để cùng với doanh nghiệp tham gia quá trình tố tụng. Ủy ban kiểm soát công bằng trong thương mại xuất nhập khẩu (BOFT) trực thuộc Moftec đã được thành lập năm 2001, ngay khi TQ trở thành thành viên chính thức của WTO để giám sát các vụ kiện chống phá giá của các nước nhập khẩu, và điều tra hành vi phá giá của các nhà nhập khẩu nước ngoài trên thị trường TQ.

3. Tích cực chuẩn bị tài liệu tố tụng: Một trong những khó khăn của doanh nghiệp TQ cũng như VN khi tham gia quá trình tố tụng là khâu chuẩn bị tài liệu để trả lời các bản câu hỏi điều tra. Khó khăn nằm ở chỗ các tài liệu không được tổ chức lưu trữ, thu thập thường xuyên và thiết kế theo chuẩn mực kế toán của thế giới. Trong khi đó, tính minh bạch, chi tiết của tài liệu và thông tin lại là then chốt trong tố tụng.

Kinh nghiệm TQ cũng cho thấy việc chuẩn bị các tài liệu tố tụng không chỉ là công việc của các doanh nghiệp, mà còn là nhiệm vụ của tất cả các bên có liên quan như chính phủ, phòng thương mại và công nghiệp, các hiệp hội ngành... Mỗi bên đều phải chuẩn bị các hệ thống thông tin của mình với các mục tiêu và tiêu chí khác nhau.

Trong quá trình chuẩn bị tài liệu cần chú ý đến một số yếu tố sau:

* Tính đại diện và tư cách của bên khiếu kiện ở nước nhập khẩu. Theo qui định của WTO, các doanh nghiệp cùng ngành hàng (và cả những người ủng hộ họ) phải có tổng sản phẩm không được thấp hơn 50% sản lượng toàn quốc mới hội đủ tính đại diện, bằng không sẽ không có quyền khiếu kiện.

* Bản thân doanh nghiệp có hành vi bán phá giá hay không, biên độ phá giá là bao nhiêu, đã bán phá giá trong bao lâu và đã đình chỉ hay chưa?

* Hành vi phá giá gây thiệt hại cho doanh nghiệp cùng ngành hàng nước nhập khẩu như thế nào, có tồn tại quan hệ nhân quả hay không?

* Sự phán xét bán phá giá có dựa vào các tiêu chuẩn, căn cứ hợp lý hay không?

4. Đưa ra lời hứa giá cả: Nếu có hành vi phá giá và gây thiệt hại cho doanh nghiệp cùng ngành hàng nước nhập khẩu thì nên chủ động thương lượng với chính phủ nước khởi kiện về cam kết giá cả và thời gian thực hiện. Thương lượng trong thương mại quốc tế chính là điểm mấu chốt để giải quyết xung đột. Thương lượng thành công sẽ giảm bớt thiệt hại cho cả hai phía.

5. Khiếu kiện nếu không chấp nhận quyết định của nước nhập khẩu: Nếu không chấp nhận kết luận của chính phủ nước khởi kiện, có thể kháng án lên cơ quan tư pháp của nước nhập khẩu. Mặt khác, khi đã là thành viên của WTO, các quốc gia có quyền khiếu kiện lên WTO và yêu cầu quốc gia khởi kiện ngồi vào bàn thương lượng.

Đây chính là một lợi ích quan trọng khi tham gia WTO. Ngay cả khi đã không thể thay đổi được quyết định “trừng phạt”, thì sau thời hạn năm năm từ ngày bị áp thuế chống phá giá doanh nghiệp có quyền nộp kháng nghị xin phúc thẩm.

6. Xây dựng hệ thống thông tin minh bạch và phù hợp chuẩn quốc tế: Một hệ thống thông tin minh bạch được kiểm định độc lập theo đúng chuẩn quốc tế chính là các bằng chứng mạnh mẽ nhất để tự bảo vệ. Do vậy các doanh nghiệp cần nghiêm túc đầu tư hệ thống thông tin của mình.

Hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc theo đuổi các vụ kiện, cũng như nâng cao tính hiệu quả trong quản lý kinh doanh. Chính phủ và các hiệp hội ngành cần tổ chức các chương trình đào tạo và tư vấn xây dựng hệ thống thông tin cho các doanh nghiệp.

7. Kiện chống phá giá – vũ khí của mọi quốc gia: Không chỉ là bị đơn, TQ đã linh hoạt áp dụng vũ khí này trong vai trò là nguyên đơn. Năm 1996, TQ đã tiến hành điều tra bán phá giá trong ngành giấy in đối với các doanh nghiệp Mỹ, Canada và Hàn Quốc.

Đối mặt với tình trạng bán phá giá của các doanh nghiệp thuộc ba quốc gia trên, chín doanh nghiệp sản xuất giấy in hàng đầu TQ đã quyết định khiếu kiện. Tháng 10-1997 họ đã chính thức nộp đơn và các chứng cứ lên Ủy ban Nhà nước về kinh tế và thương mại.

Sau hai năm điều tra đã ra phán quyết rằng các doanh nghiệp thuộc ba quốc gia trên bán phá giá vào thị trường TQ, và quyết định áp dụng thuế chống phá giá đối với sản phẩm giấy in nhập khẩu từ doanh nghiệp thuộc các quốc gia trên. Kể từ đó đến nay TQ tích cực áp dụng vũ khí này để bảo vệ thị trường trong nước và họ đã thu được rất nhiều kinh nghiệm đáng quí.

Các chuyên gia TQ cho rằng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đối phó với các vụ kiện chống phá giá của nước ngoài và điều tra chống phá giá là hai quá trình song song, cần thiết và quan trọng như nhau để bảo vệ lợi ích quốc gia. Hai quá trình này tương tác, bổ sung kinh nghiệm và nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và cả các cơ quan chính phủ.

***

Ở VN, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật cạnh tranh nhằm điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, tuy nhiên luật chưa đề cập nhiều đến khía cạnh chống bán phá giá trên bình diện quốc tế, khi các doanh nghiệp VN bị kiện ở nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài bị điều tra ở VN. Chẳng hạn xe gắn máy và rất nhiều sản phẩm khác của TQ được bán với giá rất rẻ vào thị trường VN. Liệu có cần điều tra xem họ có bán phá giá hay không để có chính sách bảo vệ thị trường nội địa?

Đây thật sự là những thử thách lớn cho các nhà làm luật, cơ quan thực thi pháp luật và các doanh nghiệp trong quá trình vận dụng luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

MỚI - NÓNG