Kinh tế 2013 qua lăng kính chuyên gia

Kinh tế 2013 qua lăng kính chuyên gia
Năm 2013 kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn, nhưng có cơ hội phục hồi nếu Chính phủ quyết liệt với những biện pháp tái cấu trúc và lấy lại niềm tin của doanh nghiệp, theo ý kiến của các chuyên gia hàng đầu.

Kinh tế 2013 qua lăng kính chuyên gia

> Dự báo kinh tế năm 2013: 'Thoát đáy, vượt dốc đi lên'
> 'Đáy' khủng hoảng kinh tế kéo tới giữa năm 2013?

Năm 2013 kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn, nhưng có cơ hội phục hồi nếu Chính phủ quyết liệt với những biện pháp tái cấu trúc và lấy lại niềm tin của doanh nghiệp, theo ý kiến của các chuyên gia hàng đầu.

Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: "Các chính sách đưa ra phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa".

2013 sẽ là năm khó khăn, thậm chí có nhiều lĩnh vực còn khó khăn hơn năm 2012. Về phía các doanh nghiệp, năm nay sẽ là một cuộc chiến khốc liệt. Số lượng doanh nghiệp thu hẹp, giải thể, phá sản có lẽ sẽ còn tiếp diễn. Nhưng tất nhiên cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp dựa được vào điều kiện sẵn có để vươn lên.

Ở tầm vĩ mô, những mầm mống khuyết điểm của nền kinh tế tích tụ từ lâu đã được bộc lộ khá rõ ràng trong năm 2012 cũng là điểm tốt để Chính phủ bắt tay vào giải quyết ngay. Ngay từ đầu năm, đã có những giải pháp mạnh, nhưng tôi hy vọng, trong năm 2013, những giải pháp phải được cụ thể hóa nhanh, sát tình hình và phải quyết liệt hơn nữa.

Ngắn hạn, năm 2013, những mục tiêu cần giải quyết là nhanh là nợ xấu, tồn kho bất động sản và tồn kho hàng hóa. Tất nhiên, những mục tiêu trên khó có thể giải quyết trong một năm, nhưng hy vọng năm nay, sẽ tạo ra bước chạy đà thuận lợi. Còn về dài hạn, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước... vẫn là những mục tiêu chúng ta phải theo đuổi và thực hiện từng bước.

Về tình hình thế giới, năm 2013, những nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và cả Châu Á tuy mỗi nơi có đặc điểm khó khăn khác nhau, nhưng cũng đã tìm thấy lối thoát cho riêng mình và cũng đã có chút kết quả. Ví dụ như vách đá tài khóa của Mỹ, nợ công Châu Âu hay lạm phát ở Trung Quốc tưởng chừng bế tắc nhưng cũng đang có lối ra. Điều kiện thế giới tốt hơn cũng là cơ hội giúp Việt Nam vực dậy nền kinh tế và đạt được những mục tiêu tăng trưởng và lạm phát mà Chính phủ đặt ra.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: "Khôi phục niềm tin là quan trọng nhất".

Khó khăn còn tiếp diễn trong năm 2013 là một thực tế chắc chắn. Năm 2012 căn bệnh ủ từ lâu trong nền kinh tế đã bộc phát, đó là bong bóng bất động sản, nợ xấu, yếu kém của hệ thống ngân hàng thương mại và khối nợ khổng lồ hơn 1,3 triệu tỷ đồng của doanh nghiệp nhà nước, với rất nhiều nợ xấu. 52.000 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân đã giải thể hoặc phá sản. Các doanh nghiệp còn hoạt động thì chỉ sản xuất được từ 30% đến 40% công suất. Thu nhập người lao động giảm, việc làm giảm. Những khó khăn này sẽ còn kéo dài sang năm 2013.

Năm 2012 còn chứng kiến một sự khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng trong nền kinh tế, khi ngân hàng không tin doanh nghiệp, ngân hàng không tin ngân hàng và bản thân doanh nghiệp cũng không tin nhau. Trong năm 2013, sẽ chưa thể giải quyết về căn bản những điều trên, nhưng tôi hy vọng có thể khôi phục lại phần nào niềm tin trong nền kinh tế, đấy mới là mấu chốt của sự phát triển ổn đinh, bền vững. Tất nhiên, việc khôi phục niềm tin này phải dựa vào cơ sở và nền móng vững chắc bắt nguồn từ những chính sách sát thực, cụ thể, cần thiết và những hành động cụ thể, nhanh chóng trong việc tái cấu trúc hệ thống kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiêp nhà nước... chứ không phải những lời hứa suông.

Kinh tế thế giới mặc dù được dự báo là phục hồi, nhưng sẽ rất thấp trong năm 2013. Theo thống kê, năm 2012, kinh tế thế giới tăng trưởng 3,2%, sang năm nay, dự báo chỉ nhích lên cùng lắm là 3,4%. Bên cạnh đó, còn rất nhiều rủi ro vẫn hiện hữu, như vách đá tài khóa của Mỹ, nợ công Châu Âu chưa thể giải quyết rốt ráo. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, ô nhiễm môi trường, thiếu nguyên vật liệu trầm trọng. Những điều này sẽ sẽ tác động với Việt Nam về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Phải làm rõ doanh nghiệp nào nợ, nợ bao nhiêu, tài sản của họ như thế nào".

Theo tôi, trong 6 tháng đầu năm nay nền kinh tế sẽ không có nhiều chuyển biến, nếu có hy vọng thì sẽ chỉ đến vào 6 tháng cuối năm. Trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng, mục tiêu số một là tạo niềm tin cho doanh nghiệp, tiếp đó là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi cho đó là điều hoàn toàn xác đáng.

Điều tôi và mọi người mong đợi là việc tái cơ cấu kinh tế phải đẩy mạnh trong năm nay. Hai năm qua, nhiều giải pháp Chính phủ đưa ra với mục tiêu là kìm chế lam phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng không đạt được như Chính phủ kỳ vọng. Và trong năm nay, nếu chúng ta chỉ tập trung vào các giải pháp ngắn hạn như giải quyết nợ xấu, tồn kho bất động sản hay những mục tiêu tăng trưởng, lạm phát trước mắt, thì sẽ chỉ đạt một vài bước tiến ngắn hạn, chứ những vẫn đề cốt lõi như vun đắp nguyên khí quốc gia và tạo nội lực cho nền kinh tế để phát triển bền vững không giải quyết được.

Kể cả trong mặt ngắn hạn, nếu muốn giải quyết được vấn đề, ví dụ như nợ xấu, thì cũng phải làm rõ doanh nghiệp nào đang nợ xấu, nợ xấu bao nhiêu, tài sản họ đang có hiện nay ra sao, những cái gì là cái có thể giải tỏa được, những cái gì có thể bán thẳng đi tài sản để trả nợ. Chứ nếu giải quyết chỉ bằng cách Chính phủ đắp thêm tiền vào, nhà nước đắp thêm tiền vào để cho họ trả nợ xấu, thì cái nợ xấu sẽ chỉ tăng lên, chứ không bao giờ trả được căn bản.

TS Alan Phan
TS Alan Phan.

TS Alan Phan: "Không có nhiều thay đổi trong năm 2013".

Thực tình tôi vẫn chưa thấy có yếu tố gì mới trong nền kinh tế Việt Nam 2013. Hiện giờ, nếu kỳ vọng sự thay đổi, điều quan trọng nhất là phải có quyết định cụ thể về việc phân chia rõ ràng giữa phương thức doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cũng như người lãnh đạo từng lĩnh vực. Nếu cuối cùng mô hình vẫn là hoạt động doanh nghiệp nhà nước, tôi không thấy có gì mới. Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam sẽ hứa hẹn rất nhiều hy vọng khi chuyển sang nền kinh tế sang dạng tư nhân hóa.

Để làm được điều này, dòng tiền vào các doanh nghiệp nhà nước cần hạn chế dần, chưa kể Chính phủ cũng cần phải giúp doanh nghiệp tư nhân cổ phần hóa, tránh can thiệp vào kinh tế thị trường, cứ để mặc các công ty tư nhân họ tự giải quyết. Hiện nay tất cả các nước trên thế giới đều theo hướng tư nhân hóa, trong đó hiến pháp Mỹ còn quy định rõ những gì tư nhân được làm, nhà nước không được can thiệp.

TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính sách
TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính sách.

TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Mục tiêu tăng trưởng và lạm phát khó đạt được".

Theo tôi, để đạt được mục tiêu lạm phát 6%, ngoài việc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các chính sách khác như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công... nhằm kiểm soát lạm phát vững chắc trong năm 2013. Vì thế, các biện pháp hành chính vẫn sẽ chiếm ưu thế so với các biện pháp mang tính thị trường.

Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ không đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 6%. Dự báo ban đầu của chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng tới mức 10%. Với kỳ vọng lạm phát như vây, cần thận trọng với những ý định cố gắng hạ trần lãi suất huy động trong năm 2013.

Trong năm 2013, nỗ lực giảm lãi suất cho vay ra và tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định (kể cả tín dụng trung và dài hạn) theo tôi sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng xuất khẩu, đẩy mạnh bán hàng, giảm tồn kho, tạo thêm việc làm và khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh dài hạn.

Ngân hàng Nhà nước nên thực hiện phương án chủ động phá giá nhẹ đồng tiền Việt khoảng 3-4% trong cả năm, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%, để hỗ trợ xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh cho daonh nghiệp sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cần thành lập nhanh công ty mua bán nợ tập trung, trực tiếp bơm vốn cho hệ thống ngân hàng tự xử lý, hoặc phối hợp với cả hai biện pháp trên. Ngoài ra, xử lý nợ xấu cũng sẽ gắn với việc sắp xếp dứt điểm các ngân hàng yếu kém đang là nhân tố gây cảnh bất ổn thanh khoản của hệ thống.

Trong năm 2013, Chính phủ cần đưa ra lộ trình giảm thủ tục hành chính, giảm mệnh lệnh hành chính, thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiệu lực để đưa Việt Nam thăng hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Theo Hàn Phi - Tường Vi
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG