Kinh tế Anh chính thức suy thoái

Kinh tế Anh chính thức suy thoái
Kinh tế Anh chính thức bước vào suy thoái từ quý 4/2008. Số liệu thống kê sơ bộ do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố ngày 23/1 đã cho thấy điều này.

Theo các dữ liệu trên, GDP của Anh tăng trưởng âm 1,5% trong quý 4/2008 so với quý 3/2008 và âm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 3/2008, kinh tế nước này tăng trưởng âm 0,6%.

Đây là mức sụt giảm GDP mạnh nhất trong một quý ở Anh kể từ những ngày đầu cầm quyền của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher vào năm 1980. Như vậy, theo định nghĩa kỹ thuật, với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, kinh tế Anh bị cho là đã ở trong thời kỳ suy thoái.

GDP cả năm 2008 của Anh chỉ tăng 0,7%, thấp nhất từ năm 1992 - năm mà kinh tế Anh tăng trưởng 0,1%. Các hoạt động dịch vụ và sản xuất của Anh đều đang co lại với tốc độ mỗi lúc một tăng. Mọi lĩnh vực của nền kinh tế nước này trong quý 4 đều sụt giảm, trừ lĩnh vực nông nghiệp.

"Đáng ngại nhất là vấn đề niềm tin. Nhiều tin xấu đã làm kinh tế Anh càng thêm khốn đốn, do đó vấn đề lúc này là niềm tin sẽ bị tổn hại ra sao khi mà ngày càng có nhiều việc làm bị mất và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa”, kinh tế gia trưởng tại London của ngân hàng Standard Chartered, ông Gerard Lyons, nhận xét.

Chuyên gia này cho rằng, kinh tế Anh sẽ còn suy thoái tới hết quý 3 năm nay, và sau đó sẽ rơi vào tình trạng đình trệ.

Nhiều nhà kinh tế khác thì cho rằng, kinh tế Anh sẽ suy thoái tới tận năm 2010. Thủ tướng Anh Gordon Brown nhận định, độ dài của giai đoạn suy thoái này tùy thuộc vào các nỗ lực quốc tế chống lại khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ mùa hè năm 2007 đã và đang lần lượt đẩy những đầu tàu của kinh tế thế giới vào suy thoái. Trước kinh tế Anh, các nền kinh tế lớn hàng đầu bao gồm Mỹ, Nhật Bản và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đều đã chính thức suy thoái. Ở Eurozone, hiện Tây Ban Nha đang là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất, đứng ở mức 13,9% trong quý 4/2008.

Đầu tuần này, Thủ tướng Brown đã công bố một kế hoạch giải cứu thứ hai cho hệ thống tài chính Anh. Nhiều chính phủ các nước khác ở châu Âu như Bỉ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan cũng đã công bố những bước tiến mới để tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng trong nước.

Tại Mỹ, Chính phủ của Tổng thống mới nhậm chức Barack Obama cũng đang ráo riết chuẩn bị cho một kế hoạch kích thích kinh tế trị giá có thể lên tới 850 tỷ USD và một kế hoạch giải cứu ngân hàng mới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Australia thì cho biết, nước này không ngại chi thêm khoảng 29 tỷ USD để kích thích kinh tế, sau khi đã chi số tiền tương tự cho công việc này từ tháng 10/2008 tới nay.

Theo Kiều Oanh
Vneconomy/New York Times, AP

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.