Kinh tế chia sẻ: Tiềm năng cần được thúc đẩy

Khác với thế giới, mô hình kinh tế chia sẻ vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, đầy tiềm năng nhưng không ít thách thức tại Việt Nam. Nhìn từ quản lý Nhà nước, dù vẫn khá thận trọng khi xây dựng những khung pháp lý, nhưng hầu hết các bộ ngành đều đánh giá cao giá trị của các nền kinh tế chia sẻ và hướng đến những giải pháp quản lý mang lại sự hài hoà lợi ích cho các bên tham gia.

Chia sẻ mang lại tiềm năng phát triển kinh tế

Không chỉ nở rộ nhờ sự cấp tiến và hợp thời, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng qua các dịch vụ kết nối, nền kinh tế chia sẻ được nhiều chuyên gia đánh giá cao về khả năng gia tăng các giá trị lợi ích cho các bên tham gia, bao gồm cả việc gia tăng nguồn thu từ thuế cho quản lý nhà nước.

Kinh tế chia sẻ: Tiềm năng cần được thúc đẩy ảnh 1

Kinh tế chia sẻ - Cơ hội mới cho nền kinh tế Việt

Khách quan nhìn nhận, không thể phủ nhận sự hiệu quả của nền kinh tế chia sẻ vì tính hiệu quả khi kết nối các nguồn lực có sẵn để gia tăng tính lợi ích cho doanh nghiệp và tạo thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ, sản phẩm cho người dùng. Chỉ đến khi hoạt động trong xu thế kinh tế chia sẻ mới, các doanh nghiệp mới ý thức rõ ràng nhất về sự quan trọng và cần thiết của việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người dân tốt hơn. Có cạnh tranh sẽ có phát triển để giành thị phần nếu không muốn bị tụt hậu và đào thải.

Nhìn từ những ngành dịch vụ chính, có tính điển hình như các loại hình bán lẻ trực tuyến, lao động việc làm, vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở theo xu thế của Airbnb hay cho vay ngân hàng có thể thấy ngay những giá trị kinh tế khó có thể phủ nhận mà nền tảng kinh tế chia sẻ mang lại cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Người dùng Việt không còn bị bó hẹp các lựa chọn tiêu dùng, có cơ hội mua hàng, dùng dịch vụ chất lượng cao với giá cả phù hợp và tiện dụng hơn.

Tiềm năng và những giá trị gia tăng từ mô hình kinh tế chia sẻ được nhiều chuyên gia đánh giá là mô hình kết nối giá trị cao dựa trên việc phát huy tối đa các nguồn lực có sẵn. Đơn cử như việc xuất hiện của mô hình giao nhận thức ăn, hàng hoá trực tuyến đã góp phần thúc đẩy các hoạt động bán lẻ trở nên chuyên nghiệp hơn, chất lượng được chủ động nâng cao hơn, từ đó, gia tăng doanh thu mà không phát sinh các chi phí tiếp thị, quảng cáo. Một ví dụ khác là sự xuất hiện dịch vụ đặt xe qua các ứng dụng công nghệ như Grab, Uber cũng giúp việc di chuyển của người dùng tiết kiệm, minh bạch chi phí hơn và hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn. Đồng thời, sự ra đời của xe công nghệ cũng khiến các hãng taxi truyền thống “giật mình” nhìn lại, chủ động thay đổi thói quen dịch vụ, từ tăng cường chất lượng dịch vụ để có thể cạnh tranh tốt hơn….

Kinh tế chia sẻ vẫn được chú trọng trong kinh doanh vận tải

Tiếp cận và quản lý các mô hình kinh tế chia sẻ cũng được nhiều bộ ngành tích cực nghiên cứu để từ đó, tìm ra khung pháp lý tích cực nhất cho các bên tham gia. Điều này có thể thấy rõ trong quá trình thí điểm mô hình đặt xe công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải với điển hình là dự thảo Nghị định 86.

Là cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên phải “đối đầu” với việc xây dựng cơ chế hoạt động và chính sách để quản lý mô hình kinh tế chia sẻ theo ngành là Bộ GTVT. Ngay sau khi tiên phong cho thí điểm mô hình kết nối, đặt xe công nghệ, Bộ GTVT đã phải trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86. Cho đến thời điểm hiện tại, sau hơn 2 năm thí điểm mô hình mới và phải trải qua 7 lần sửa chữa và Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đa chiều để có thể hoàn thiện khung pháp lý quản lý mô hình xe công nghệ. Điều này cũng thể hiện sự cầu thị, cẩn thận của Bộ GTVT trong đề xuất giải pháp quản lý ngành, vì Nghị định 86, chắc chắn là một trong những Nghị định có sức tác động, ảnh hưởng lớn tới dân sinh, xã hội.

Mới đây, tại báo cáo Chính phủ về Dự thảo Nghị định 86 lần thứ 7, Bộ GTVT cho biết, hiện vẫn có hai luồng quan điểm khác nhau về việc quản lý ôtô dưới 9 bằng hợp đồng điện tử là xe hợp đồng hay taxi. Dù kiến nghị Chính phủ quản lý xe hợp đồng ứng dụng công nghệ như taxi truyền thống, song Bộ GTVT cũng thừa nhận, việc này sẽ có hạn chế nhất định.

Điển hình, bên cạnh các nguyên tắc, chế tài pháp lý được đề xuất, việc nên hay không nên “đeo mào” taxi cho xe công nghệ cũng gây ra khá nhiều tranh cãi. Đa số ý kiến cho rằng, việc buộc xe ứng dụng công nghệ phải gắn mào như taxi, có đồng hồ tính tiền… sẽ làm tăng thêm gánh nặng về chi phí cho lái xe mà không giúp ích gì cho quản lý Nhà nước. Đồng thời, việc triển khai đeo mào xe công nghệ trên diện rộng sẽ khiến giá cước của xe ứng dụng công nghệ tăng cao, và người dùng sẽ thiệt thòi vì phải gành chi phí.

Một trong những giải pháp mang tính “lối thoát” cho việc quản lý xe ứng dụng công nghệ mới đây được đề xuất là có thể yêu cầu các xe này lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió. Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh và có thể tắt đi khi xe không phục vụ; không được đón khách vãng lai trên đường mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải…

Mới đây, chủ trì cuộc họp về xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đây là một lĩnh vực mới hoàn toàn, nhưng cách tiếp cận là tạo điều kiện cho nó ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm. Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong kinh tế chia sẻ, còn nhiều lĩnh vực còn nhạy cảm, khó kiểm soát, nhưng quản lý Nhà nước cần sớm đối diện với những khó khăn này.

Đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện nay vẫn “thuần túy” là các quy định kinh doanh truyền thống, mà chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”, gây khó khăn trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh chia sẻ nhằm phát huy tối đa việc tận dụng các nguồn lực dư thừa của xã hội và sử dụng hiệu quả hơn các tài sản sẵn có của xã hội.

Do vậy, để thực sự tạo được một nền kinh tế chia sẻ, Viện này cho rằng, cần hoàn thiện khuôn khổ hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành để các hoạt động của kinh tế chia sẻ được quy định và kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam. Đồng thời, xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống. Để phát huy được lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy mô hình này theo hướng nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.