Kinh tế tháng một: Ấn tượng!

Kinh tế tháng một: Ấn tượng!
Tháng 1 năm nay trùng vào Tết Nguyên đán. Lẽ thường, tháng Tết thường đủng đỉnh, nhưng năm nay, tháng đầu năm lại ghi được nhiều dấu ấn, dù chưa thể được coi là có những đột phá...

Với 2,8 tỉ USD -kim ngạch xuất khẩu tháng 1 không thể coi là cao nếu biết trong năm 2005 đã có nhiều tháng chỉ số này vượt ngưỡng 3 tỉ USD.

Và nếu so với mục tiêu 38 tỉ USD tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay thì bình quân mỗi tháng phải xuất tới 3,2 tỉ USD. Song ở tháng "ăn chơi và hội hè" này mà đạt mức như vậy xem ra xuất khẩu sẽ giữ được phong độ tốt trong các tháng tiếp theo.

Một trong những mặt hàng được coi là trì trệ trong năm 2005 là dệt may thì tháng 1 này đã có sức bật mới khi chỉ riêng xuất vào Mỹ đã đạt 152 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2005. Hoặc với 640 triệu USD thu về từ dầu thô trong tháng, riêng về giá trị đã tăng tới gần 100 triệu USD, dù lượng giảm tới 8,7%. Ngoài ra gỗ cũng tăng 22%, càphê tăng 37,6%... Song theo các chuyên gia thương mại, thành công của hoạt động xuất nhập khẩu lại nằm ở chỗ cán cân ngoại thương VN đang trở lại trạng thái cân bằng hơn khi tốc độ gia tăng nhập khẩu tháng 1 chỉ ở mức 10,8% so với tốc độ tăng xuất khẩu (16%).

Dự báo, các tháng tiếp theo, một số mặt hàng vốn "không chủ lực" sẽ có những bứt phá không hề nhỏ như dây cáp điện, phụ tùng xe đạp, sản phẩm nhựa... 

Đầu tư: "Sáng" cả vốn nội lẫn vốn ngoại

Kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tháng 1: Dầu thô: 640 triệu USD; dệt may: 370 triệu USD; giày dép: 300 triệu USD; thuỷ sản: 220 triệu USD; sản phẩm gỗ: 120 triệu USD; càphê: 110 triệu USD...

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ lực: Xăng dầu: 440 triệu USD; chất dẻo: 109 triệu USD; phân bón: 34 triệu USD; giấy các loại: 30 triệu USD...

Chỉ tạm tính 22 ngày đầu của tháng 1, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đã là 440 triệu USD. Theo Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Anh Tuấn, khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp chung chính thức có hiệu lực vào 1.7 tới, sức hút các dòng vốn từ một số nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... sẽ tạo ra những bất ngờ mới. Không chỉ có dòng vốn ngoài nước, ngay từ tháng đầu năm, nhiều công trình xây dựng lớn của quốc gia đã hối hả vận hành.

Theo tính toán thì với hàng trăm công trình xây dựng lớn nhỏ, số vốn rót vào đây mỗi tháng lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Và với tổng vốn dành cho đầu tư chiếm tới 40% GDP trong năm nay (khoảng trên 20 tỉ USD) sẽ là một động lực lớn thúc đẩy chỉ số tăng trưởng kinh tế các tháng tiếp theo.

Sức mua tăng, giá cả leo mạnh

Thực ra cũng có nhiều người nghi ngờ về chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI tháng 1 vừa được công bố (1,2%), trong đó những mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm chỉ tăng 1,4%, lương thực 2,1%, rượu bia tăng 1,3%... Song đó là cách tính toán của các nhà quản lý vĩ mô khi cân đối mức tăng giá trên địa bàn cả nước và ở hàng trăm nhóm mặt hàng khác nhau.

Còn theo Bộ Thương mại, ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 1 đạt trên 46.300 tỉ đồng, tăng tới 26,4% so với cùng kỳ 2005. Như thế nghĩa là sức mua của tháng Tết năm nay so với Tết năm ngoái đã tăng tới 12.000 tỉ đồng. Và với tổng lượng hàng hoá cũng tăng 20-30% so với Tết Âật Dậu... thì dù thị trường không cháy hàng, nhưng giá vẫn leo cao cũng là điều dễ hiểu.

Theo các chuyên gia thị trường thì một số mặt hàng sau Tết tiếp tục còn tăng giá và chỉ số CPI trong tháng 2 sẽ tăng gấp đôi tháng 1 (2,3-2,5%) sau đó sẽ có xu hướng giảm dần.

Theo Bắc Lập
Lao động

MỚI - NÓNG