Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo Ngân hàng Trung ương G7:

Kinh tế thế giới có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất

Kinh tế thế giới có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất
TPO - Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo các Ngân hàng Trung ương nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể đã qua thời kỳ tồi tệ nhất mặc dù sự hồi phục vẫn chưa rõ ràng.
Kinh tế thế giới có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner phát biểu lạc quan sau cuộc họp. Ảnh: AP

Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương G7 đã có những lời phát biểu tích cực rằng các hoạt động kinh tế thế giới có thể hồi phục cuối năm nay. Tuy nhiên, các lãnh đạo tài chính G7 vẫn tỏ ra thận trọng rằng bối cảnh sắp tới vẫn khá yếu còn chứa đựng rủi ro và nếu không có biện pháp hợp lý có thể làm kinh tế thế giới tồi tệ hơn.

"Chúng ta đã đúng về một số điều đã làm, nhưng chúng ta cũng có thể sai khi kết luận rằng chúng ta đang đi lên từ giai đoạn đen tối kể từ khi kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng từ đầu mùa thu trước". Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner phát biểu với tư cách chủ nhà cuộc họp.

Đây là sự đánh giá có phần lạc quan hơn so với những đánh giá của chính các lãnh đạo tài chính G7 đưa ra về tình trạng thế giới hồi tháng 2 vừa qua, khi họ cảnh báo rằng thế giới sẽ tiếp tục tồi tệ trong suốt năm 2009 và không có dấu hiệu nào hứa hẹn phục hồi sớm.

"Dữ liệu gần đây cho thấy sự giảm sút của nền kinh tế của chúng ta đang chậm lại và một số tín hiệu bình ổn đang xuất hiện", bản thông báo chung của G7 đưa ra. "Chúng ta sẽ tiếp tục hành động khi cần thiết để phục hồi cho vay, hỗ trợ các phương tiện thanh toán, bơm vốn cho các thể chế tài chính, bảo vệ tiết kiệm và tiền gửi và làm tăng giá trị tải sản. Chúng tôi cam kết rằng sẽ làm tất cả những hành động cần thiết để đảm bảo tính ổn định của các thể chế tài chính quan trọng".

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kaoru Yosano cho biết "tín hiệu của sự bình ổn" vẫn là "một dấu hỏi”. “Song chúng ta hiểu rằng bản thông báo của G7 gián tiếp bày tỏ quan điểm rằng sự tồi tệ nhất có thể đã qua đối với kinh tế thế giới", ông phân tích nói thêm.

Cuộc gặp lãnh đạo tài chính G7, bao gồm các quốc gia Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản, đã diễn ra một ngày trước khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) bắt đầu cuộc họp thường niên lần thứ hai trong năm.

Trong khi đó, G20, bao gồm các nước trên cùng với một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, đã tổ chức cuộc họp ngay sau G7 nhưng không đưa ra thông báo nào. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mtx Geithner cho biết cả G7 và G20 đều có chung chương trình hành động: "Chương trình sẽ là: Chúng ta đang làm gì? Chúng ta đang làm đủ chưa để giảm rủi ro trong khủng hoảng, nền tảng cho sự phục hồi sớm, nền tảng cho sự cân bằng hơn, và sự phục hồi bền vững hơn hay chưa?".

Tập trung "sửa lỗi” ngân hàng

Tính ra suốt thời gian qua, G7 đã tập trung đẩy nhanh tốc độ giải quyết nợ xấu của các ngân hàng mà làm giảm cho vay và đẩy nền kinh tế rơi vào giai đoạn tồi tệ nhất kể từ Đại chiến Thế giới lần thứ II. 

Kinh tế thế giới có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất ảnh 2

Lãnh đạo tài chính các nước G7 chụp ảnh lưu niệm trước trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington. Ảnh: AP

Trong bản đánh giá thua lỗ của các ngân hàng toàn cầu, IMF đã khuyến khích các nước giàu nên ưu tiên tái thiết mảng tài chính bởi nền kinh tế sẽ không thể phục hồi đầy đủ trừ khi tín dụng tiếp tục lưu thông. "IMF chắc chắn đã đúng khi yêu cầu các quốc gia giải quyết các tài sản xấu bởi vì sự minh bạch là yếu tố sống còn cho hồi phục", ông Mario Draghi, Chủ tịch Ủy Ban Ổn định Tài chính, một tổ chức mới hình thành để phối hợp với các nước tái thiết lại hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, một số quan chức châu Âu lại đặt dấu hỏi IMF đã tính như thế nào để có được khoản lỗ ngân hàng khổng lồ nghiêm trọng đến thế. Trong tổng số lỗ lên trên 4 ngàn tỷ USD, IMF đã đánh giá các ngân hàng châu Âu cần phải có 750 tỷ USD để giải quyết nợ xấu, trong khi các hãng Mỹ chỉ phải cần có 550 tỷ USD hoặc hơn thế để giải quyết tận gốc vấn đề.

"Chúng tôi đang xem xét rất cẩn thận và chúng tôi nghĩ rằng có vấn đề về phương pháp tính và chúng tôi cần phải làm rõ với IMF", Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ông Jean-Claude Trichet phát biểu trước báo giới sau cuộc họp G20. "Tôi không chỉ trích IMF, nhưng chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này rất cẩn thận".

Mới đây, các nhà điều chỉnh Mỹ đã đưa 19 ngân hàng lớn nhất nước vào danh sách đánh giá tài sản liệu chính phủ có cần bơm thêm tiền hay không. Song Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner cho biết kết quả của cuộc kiểm tra này sẽ không được thảo luận tại G7.

Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty, người đã bày tỏ sự thất vọng trong cuộc họp về sự chậm chạm của tiến trình “sửa chữa” ngân hàng, đã phát biểu sau cuộc họp G7 rằng ông hài lòng với Mỹ và Anh đã rất nỗ lực để triển khai các các kế hoạch tái thiết hệ thống ngân hàng: "Chúng ta đang đi đúng hướng:, ông nói.

Với những động thái tập trung vào mảng ngân hàng nên G7 đã không có sự thay đổi cách nhìn nhận nào về thị trường tiền tệ thế giới. Hồi tháng hai, G7 cho biết những quyết định và động thái làm bất ổn và hỗn loạn trong tỷ giá trao đổi là không được chào đón.

Tuấn Đức
Theo AP/Reuters

MỚI - NÓNG