Kinh tế tư nhân đang bị chèn lấn thế nào?

Theo TS Phạm Chi Lan, hơn 40% lợi nhuận doanh nghiệp đang dành để nộp ngân sách nhà nước. Ảnh: Như Ý.
Theo TS Phạm Chi Lan, hơn 40% lợi nhuận doanh nghiệp đang dành để nộp ngân sách nhà nước. Ảnh: Như Ý.
TP - Theo nhiều chuyên gia, kinh tế tư nhân Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đang bị chèn lấn bởi DN nhà nước, DN nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, vốn đáng lẽ dành cho DN tư nhân vay đã bị ngân sách nhà nước hút hết.

Ba “ông” chèn khối tư nhân

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2015 và triển vọng 2016, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Những năm gần đây, bề ngoài các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tốt lên. Tuy nhiên, động lực cho tăng trưởng vẫn chưa thay đổi nhiều, khi những tiềm năng đã “tận khai” gần tới trần (khai thác tối đa). Theo ông Cung, thu - chi ngân sách, quản lý nợ công, bội chi, cải thiện năng lực canh tranh đều rất luẩn quẩn. “Để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa thì tỷ giá phải điều chỉnh, nhưng nếu điều chỉnh sẽ gây áp lực lên trả nợ và xoay vào ngân sách, ngân sách đã yếu sẽ có thể yếu thêm”, ông Cung nói.

Tuy vậy, theo ông Cung, năm qua có điểm sáng là đại diện nhiều cơ quan chức năng dám thừa nhận yếu kém về nhận thức, về những điểm chưa rõ ràng, đặc biệt về vai trò của nhà nước, kinh tế nhà nước, vai trò kinh tế tư nhân, quản lý giá… “Những điểm chưa rõ ràng, chúng ta đã bàn luận đưa ra nhận thức rõ ràng hơn. Đồng thời, chúng ta thừa nhận có nút thắt làm méo mó kinh tế thị trường, nên đã thay đổi để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch…”, ông Cung nói.

Báo cáo của CIEM đánh giá, năm 2015, kinh tế đất nước đã gặt hái không ít thành công, như tốc độ tăng trưởng GDP vượt mục tiêu (đạt 6,68%), lạm phát thấp (chỉ 0,6%). Cùng với đó, niềm tin nhà đầu tư được cải thiện, những cải cách năm 2015 đã bắt đầu phát huy tác dụng…

Tuy vậy, thâm hụt ngân sách nhà nước có thể vượt mức 5% GDP, tăng trưởng vẫn thấp hơn giai đoạn 1990-2010, xuất khẩu giảm (do phụ thuộc dầu thô, trong khi giá dầu thô thế giới sụt giảm mạnh). Đặc biệt, dù vay nợ nhưng Chính phủ chưa có kế hoạch trả nợ rõ ràng, đặc biệt tạo nguồn thu ổn định, trả nợ (Chính phủ chủ yếu “giật gấu vá vai”).

Năm 2016, kế hoạch trả nợ khoảng 110.000 tỷ đồng, riêng quý I/2016 trả khoảng 55.000 tỷ đồng, dự kiến phát hành khoảng 76.000 tỷ đồng trái phiếu. “Rõ ràng, số thu từ phát hành trái phiếu sau khi trả nợ sẽ chẳng còn lại bao nhiêu cho đầu tư. Chúng ta vay chủ yếu để đảo nợ nên hiệu quả của trái phiếu là vấn đề rất đáng quan tâm. Trong khi vốn giá rẻ, lãi suất thấp đáng lẽ dùng cho khu vực tư nhân đầu tư sản xuất lại đang dành cho Chính phủ vay dài hạn”, ông Nguyễn Anh Dương, Phó ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô (thuộc CIEM) nói.

TS Phạm Chi Lan cũng cho rằng, huy động trái phiếu Chính phủ đang chèn lấn tín dụng khu vực tư nhân. “Đáng lẽ DN tư nhân, đặc biệt DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh trông chờ Nhà nước giữ vai trò trọng tài, chống chèn lấn của DN nhà nước và DN nước ngoài. Nhưng nhà nước không những không giải tỏa được còn vào cuộc để chen lấn thêm. Như vậy khối tư nhân chịu sao nổi khi 3 ông đại gia nhảy vào chèn, nên họ nhỏ dần và chết là phải”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, nói DN mới ra đời tăng, nhưng số đó chưa có đóng góp cho ngân sách và tạo ra tăng trưởng (vì để DN hoạt động được cũng phải mất vài tháng). Vì vậy, gánh nặng ngân sách vẫn đè lên những DN đang hoạt động, những DN này phải dành tới 40,8% lợi nhuận đóng góp cho nhà nước qua thuế, phí. Hay với giá xăng dầu, trong khi giá thế giới giảm, giá trong nước vẫn cao vì nhà nước phải thu thuế, phí chiếm tới 50% giá thành xăng dầu, giành mất cơ hội giảm chi phí, giá thành của DN. Theo vị chuyên gia này, dù năm nào đại diện các cơ quan chức năng cũng kêu ngân sách nhà nước khó khăn, nhưng chưa năm nào ngân sách hụt thu. Với những dẫn chứng đó, bà Lan đặt câu hỏi, vậy kết quả cải thiện môi trường kinh doanh tác dụng ở đâu?

Phải có môi trường kinh doanh thực chất

Nói về năm 2016, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong 30 năm đổi mới, đã mở được quyền tự do kinh doanh cho người dân, nhưng chưa chú trọng đảm bảo thị trường cạnh tranh và cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, việc xác lập quyền tài sản, như với đất đai vẫn chưa làm được (hiện thị trường đất đai vẫn méo mó, xin - cho). “Không thể không cải cách tư pháp, đặc biệt là về quyền sở hữu, quyền tài sản. Điều này phải được làm trong giai đoạn 2016-2020”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, 2 gương mặt mới trong Bộ Chính trị rất đáng chú ý, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, người tiên phong trong cổ phần hóa DN nhà nước, có thể lập Tổ cải cách DN nhà nước do ông đứng đầu. Thứ 2 là Thống đốc Nguyễn Văn Bình, có thể lập Tổ xử lý nợ xấu do ông cầm trịch. Nếu giải quyết được vấn đề DN nhà nước và nợ xấu, sẽ cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, thay đổi việc phân bổ nguồn lực. Qua đó không chỉ tạo thêm động lực cho tăng trưởng, còn tạo thêm niềm tin với nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, việc cổ phần hóa DN nhà nước phải thực chất (giảm nắm giữ cổ phần của nhà nước), vì DN nhà nước đang lấy đi cơ hội của DN tư nhân.

Với ngân sách nhà nước, theo ông Cung, cần tăng kỷ luật ngân sách, kiểm soát bội chi ở mức 4%, giảm chi tiêu công (đặc biệt chi thường xuyên). “Việc nuôi dưỡng nguồn thu không phải bằng ưu đãi, phải bằng giảm thu, mức thu ổn định và lâu dài để người dân và DN tính toán trước các khoản phải nộp. Đấy mới là cách đảm bảo nguồn thu trong tương lai”, ông Cung nói.

“Giờ không đổi mới hệ thống chính trị đi đôi với đổi mới kinh tế thì chúng ta không còn khả năng phát triển”- TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam). Theo ông Hồ, hiện nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều đang dò xét, chờ đợi xem cải cách tiếp theo của Việt Nam là gì trước khi quyết định đầu tư.

MỚI - NÓNG