Kinh tế tư nhân – Động lực của phát triển

Kinh tế tư nhân – Động lực của phát triển
TP - Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một lực quan trọng của nền kinh tế đã và đang tạo ra cuộc cải cách lớn đầy hứng khởi, góp phần để đội ngũ doanh nhân an tâm, vươn lên trong khát vọng làm giàu chính đáng.
Kinh tế tư nhân – Động lực của phát triển ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5.

Động lực quan trọng

Trong chặng đường 30 năm đổi mới của đất nước, từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ nay kinh tế tư nhân được thừa nhận "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Khu vực kinh tế này đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho xã hội.

Theo thống kê, từ năm 2010 trở lại đây, tỷ trọng kinh tế tư nhân đóng góp vào GDP ngày càng tăng mạnh, chiếm khoảng 40%. Đồng thời cũng đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, với đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng. Họ không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.

Tuy nhiên, như Nghị quyết T.Ư 5 đã chỉ ra, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều khiếm khuyết, tiềm ẩn rủi ro cao và thiếu tính minh bạch. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác. Các chi phí trung gian, không chính thức, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, cộng với tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, vẫn còn diễn ra, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Chính vì thế, trong phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. 

Kinh tế tư nhân – Động lực của phát triển ảnh 2 Động lực nào cho kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Theo ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, trong quá khứ, đã có lúc nhiều người sai lầm trong việc nhìn nhận về kinh tế tư nhân nên sự đổi mới có sự chậm trễ. Nhưng với Nghị quyết T.Ư 5  về phát triển kinh tế tư nhân chắc chắn sẽ tạo ra động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Còn Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt đánh giá, phát triển kinh tế tư nhân là cuộc cải cách khổng lồ. “Kinh tế tư nhân là công cụ để giúp con người hình thành kế hoạch kinh doanh của mình. Nó động viên, khai mở năng lực và làm bật dậy tất cả tính năng động của họ. Tất cả các mức độ phát triển khác nhau của khu vực này làm nở rộ những khát vọng làm ăn và đó chính là động lực của sự phát triển kinh tế”, ông Bạt nhìn nhận.

Lắng nghe ý kiến doanh nhân

Theo mục tiêu của Nghị quyết T.Ư 5, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua Chính phủ đã có hàng loạt các chủ trương, chính sách nhằm tạo ra động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng liên tiếp tham dự và có những cuộc gặp gỡ để lắng nghe, trao đổi với những doanh nghiệp tư nhân. Đơn cử như cuộc tọa đàm đối thoại chính sách giữa Thủ tướng với 14 tập đoàn kinh tế tư nhân vừa được tổ chức vào cuối tháng 9, với chủ đề “Chính phủ và các tập đoàn kinh tế tư nhân cùng đồng hành phát triển kinh tế”. Cuộc tọa đàm này được xem là chưa có tiền lệ bởi trước đây, thường chỉ có các cuộc tọa đàm với doanh nghiệp nói chung hoặc doanh nghiệp Nhà nước.

Kinh tế tư nhân – Động lực của phát triển ảnh 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại biểu các Tập đoàn kinh tế tư nhân. Ảnh: Quang Hiếu.

Thủ tướng nhiều lần khẳng định: “Kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước”. “Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”. Lãnh đạo Chính phủ cũng cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.

Thực tế hoạt động ở Việt Nam hiện nay, trong gần nửa triệu doanh nghiệp thì số lượng doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm 0,5%, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2,8% còn doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 96,7%. Theo Thủ tướng, “doanh nghiệp tư nhân chiếm một vị thế gần như tuyệt đối về số lượng. Nhiều tập đoàn, tổng công ty tư nhân rất thành công”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tập đoàn tư nhân một cách chân thành, với tinh thần nói thẳng, nói thật, trách nhiệm. Ví như, cần phải giải quyết vướng mắc nào để kinh tế tư nhân phát triển? Có vấn đề gì đặt ra trong phát triển kinh tế tư nhân nước ta theo Nghị quyết Trung ương 5? Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển mạnh? Môi trường kinh doanh hay thuế khóa, hay ở khâu đối xử? Nhà nước phải làm gì để kinh tế tư nhân phát triển tốt và Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay và bản thân doanh nghiệp phải làm gì? 

“Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.

Trích bài phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 5 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

MỚI - NÓNG