Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng trên 10%

Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng trên 10%
TP - Đó là nhận định của ông Omkar Shrestha, Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong buổi công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2007 diễn ra ngày 27/3 tại Hà Nội.

Báo cáo hàng năm của ADB dự báo, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh với tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 8,3% năm 2007 và 8,5% năm 2008.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB, bày tỏ niềm tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là kết quả đương nhiên khi Chính phủ Việt Nam duy trì đà cải cách mạnh mẽ cùng việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngoài ra, môi trường xuất khẩu thuận lợi, nhu cầu trong nước tăng cao, trong khi lạm phát chỉ ở mức 6 – 7% vào năm 2007 – 08 cũng là những yếu tố đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng cao của nền kinh tế.

Theo ông Konishi, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006 - 2010, VN có thể dễ dàng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình 7,5 - 8% vì tổng tỷ lệ đầu tư cho nền kinh tế chiếm tới 40% GDP. Đây là tỷ lệ cao thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc (43%).

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, đại diện ADB tại VN cho rằng VN cần phải nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào giáo dục để giải quyết tình trạng thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực có kỹ năng.

Theo ADB, tỷ lệ lao động có kỹ năng ở VN chỉ ở mức 27% so với mức trung bình chung khu vực là 50%. Gia nhập WTO tạo ra nhiều cơ hội, nhưng để tận dụng được nó, VN cần cải thiện hơn nữa năng lực cạnh tranh.

Một vấn đề nữa, khi kinh tế tăng trưởng cao, nguồn cung năng lượng sẽ là thách thức lớn. Giám đốc ADB tại VN cho biết, nếu kinh tế tăng trưởng 8,5%, nhu cầu năng lượng ở VN cũng tăng gấp đôi, lên 17%.

Để giải quyết nguy cơ thiếu năng lượng, ông Konishi hiến kế rằng VN cần đa dạng hoá nguồn năng lượng để không bị phụ thuộc vào bất kỳ loại hình năng lượng nào; mở rộng cửa cho nhiều thành phần vào đầu tư và phải nhanh chóng hội nhập năng lượng thông qua việc mua bán điện không chỉ với Trung Quốc mà có thể với cả Lào, Campuchia…

Hai mô hình phát triển

Trả lời câu hỏi của PV Tiền phong về việc liệu kinh tế VN có tăng trưởng quá nóng nếu lên đến mức 9% thậm chí trên 10%, Giám đốc ADB tại VN, ông Konishi, nói:

Quả thực ADB sẽ rất lo ngại nếu tỷ lệ tăng trưởng cao của VN chỉ dựa trên yếu tố đầu vào (tăng tỷ lệ đầu tư) mà không tăng cường cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

ADB cho biết kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của VN trong 3 giai đoạn (1996 – 2000, 2001 – 2005 và 2006 - 2010) đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP ngày càng cao là nhờ vào tỷ lệ đầu tư cho nền kinh tế ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước.

Phó Giám đốc quốc gia ADB, ông Shrestha giải thích, mô hình tăng trưởng kinh tế VN đang dựa trên các yếu tố đầu vào cao (tỷ lệ đầu tư trên GDP). Tuy nhiên, các yếu tố đầu vào như đất, nguồn nhân lực, tài chính… chỉ có giới hạn nhất định và không thể huy động thêm được nữa khi đã ở mức cao.

Vì thế theo ông Shrestha, VN cần nhanh chóng chuyển sang “mô hình sáng tạo” (tăng trưởng hiệu quả) với những nội dung cụ thể như tăng cường công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để cải thiện năng lực cạnh tranh. Đây là mô hình tăng trưởng không có giới hạn, khác với mô hình tăng trưởng hiện nay của VN đang chịu tác động của các yếu tố đầu vào.

Thực tế cho thấy với mô hình dựa trên đầu vào, để có được 1 đơn vị GDP trong giai đoạn 1996 – 2000, VN phải bỏ ra 3,7% đơn vị yếu tố đầu vào, giai đoạn 2000 – 2005 tăng lên 4,6% và 2006 – 2010 là 5,1%.

Theo ông Shrestha, việc tăng tỷ lệ yếu tố đầu vào qua từng giai đoạn phát triển cho thấy tính hiệu quả của nền kinh tế có xu hướng ngày càng giảm. Phó giám đốc quốc gia ADB nói để vượt qua thách thức này, VN có thể song hành cả hai mô hình phát triển kinh tế, nhưng phải chú trọng tính hiệu quả.

Thứ nhất, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, VN phải tăng yếu tố đầu vào; nghĩa là đầu tư nhiều hơn về đất, con người, vốn. Mặt khác VN cũng phải tăng tính hiệu quả của nền kinh tế để đảm bảo tăng trưởng bền vững, tránh được nhiều rủi ro…

Theo ông Shrestha, nếu áp dụng thành công cả hai mô hình tăng trưởng kinh tế trên (tỷ lệ yếu tố đầu vào vừa ở mức cao là 40% vừa tăng cường tính hiệu quả), tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình trong 5 năm tới không chỉ là 8% mà có thể tăng lên 2 chữ số (trên 10%).

Tuy nhiên, trên thực tế thứ hạng của VN về tính hiệu quả của nền kinh tế trong năm 2006 – 07 vẫn còn thấp. ADB cũng tính toán, mỗi một USD được chi ra để sản xuất, sẽ tạo ra 3,4 đơn vị sản phẩm ở Thái Lan; 2,7 đơn vị ở Trung Quốc và chỉ 2,3 đơn vị ở VN. Như vậy hiệu quả sản xuất ở VN vẫn còn thấp hơn Thái Lan và Trung Quốc.

Chứng khoán tụt dốc là quy luật bình thường của thị trường

Theo ông Konishi, thị trường chứng khoán (TTCK) VN đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu sẽ tạo đà tốt cho nền kinh tế. Trước thực tế, TTCK VN đang tụt dốc, Giám đốc ADB tại VN giải thích rằng ở giai đoạn sơ khởi, TTCK các nước thường có nhiều biến động, nhưng điều đó chưa xảy ra ở VN.

Ông Konishi ví TTCK như thời tiết, cũng có ngày nắng, ngày mưa và nếu nó không điều chỉnh mới là có vấn đề. Về việc TTCK VN đang đảo chiều, ông Konishi nói đây là quy luật bình thường của thị trường.

Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, Giám đốc quốc gia ADB khẳng định TTCK VN sẽ phát triển mạnh. 

MỚI - NÓNG