Hai năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO:

Kinh tế Việt Nam: Nhiều 'nút cổ chai' cần tháo gỡ

Kinh tế Việt Nam: Nhiều 'nút cổ chai' cần tháo gỡ
TPO - Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh những thành tựu đạt được thì việc gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là đối với việc đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững.
Kinh tế Việt Nam: Nhiều 'nút cổ chai' cần tháo gỡ ảnh 1
Thiếu lao động chất lượng cao khiến các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi tuyển dụng. Ảnh: Quý Hòa

Phát biểu tại Hội thảo “Đánh giá tác động đối với Việt Nam sau hai năm gia nhập WTO”, ông  Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết nhiều yếu kém của nền kinh tế được chỉ rõ hơn sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Điển hình là công nghiệp chủ yếu vẫn là sơ chế, gia công với giá trị tăng thêm chưa cao và còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Chủng loại hàng hóa còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn yếu.

Tuy thị trường tài chính, hoạt động ngân hàng và thị trường bất động sản khá sôi động nhưng lại ít chuyển hóa sang nền kinh tế thực. Trong những năm 2006 – 2008, khu vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn còn nhỏ bé, chiếm chưa tới 2% GDP.

Cùng với đó, năng suất lao động trong nông nghiệp rất thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là lao động chưa chuyển sang công nghiệp và dịch vụ, mặc dù đã bắt đầu có hiện tượng thiếu lao động tay nghề trung bình tại các ngành này.

Một điều đáng lưu tâm là nền kinh tế trong vài năm lại đây tiêu dùng tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP do đó tỉ lệ tiết kiệm trong nước có xu hướng giảm. Nền kinh tế phải dựa nhiều hơn vào vốn từ bên ngoài và không phải lúc nào cũng được lựa chọn một cách hợp lý. Vốn đầu tư nhà nước vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong khi hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện đáng kể.

Cũng theo đại diện CIEM, có thực tế hiện nay và trước mắt là Việt Nam dựa quá nhiều vào FDI để phát triển. Cùng với đó việc gia nhập WTO cũng thể hiện khả năng hấp thụ vốn chưa cao của nền kinh tế.

“Trước đây bao năm chúng ta tìm mọi cách vận động nhưng không có vốn hoặc vốn FDI vào nhưng chưa cao. Đến năm 2007 khi vốn vào nhiều thì lại không xử lý, không hấp thu nguồn vốn này được. Vốn vào không hấp thu được lại gây áp lực cho lạm phát và thời cơ lại biến thành thách thức”- Ông Ân cho biết.

Bên cạnh đó cơ cấu đầu tư FDI theo ngành vào Việt Nam có mức độ chênh lệch lớn cũng đang là một dấu hỏi lớn. Điều này có thể thấy qua việc Việt Nam là nước có tiềm năng về nông nghiệp nhưng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này chỉ chiếm 0,8%/năm trong các năm 2007 – 2008. Trong khi đó đầu tư vào bất động sản chiếm 24% và khai khoáng, mỏ là 17%.

Trong lĩnh vực lao động và việc làm, theo ông Ân, việc hội nhập có tác động nhìn chung tích cực đến tạo việc làm, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành. Tuy nhiên sau 2 năm gia nhập WTO chưa để lại dấu ấn đáng kể đối với tạo việc làm.

Theo đó sự tăng trưởng cao trong lĩnh vực này chủ yếu là các ngành không sử dụng nhiều lao động và lao động trong các ngành có đầu tư FDI và xuất khẩu được hưởng lợi nhiều hơn.

Thu nhập thực tế của lao động nhìn chung được cải thiện song đã giảm đáng kể trong năm 2008 do lạm phát cao. Một bộ phận đáng kể người lao động mất nguồn thu nhập do thất nghiệp và mất việc làm tăng trong năm 2008. Tình trạng thiếu đói vẫn xảy ra ở một số vùng, nhất là những vùng bị thiên tai.

Cũng theo đại diện CIEM, những yếu kém về thể chế, về cơ sở hạ tầng, sự hụt hẫng về kỹ năng nguồn nhân lực đang là các nút thắt cổ chai ngáng trở cả quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế lẫn tăng trưởng nhanh, có chất lượng và phát triển bền vững.

Nhìn theo khía cạnh khác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng cho biết gia nhập WTO cũng có thể là một trong các nguyên nhân gián tiếp làm cho các bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô khó kiểm soát hơn. Lý do chủ yếu của là cùng với việc gia nhập WTO, sự phụ thuộc của chúng ta vào nền kinh tế thế giới cũng tăng lên.

“Việc gia nhập WTO chưa thể làm xuất khẩu tăng mạnh và cơ cấu kinh tế thay đổi ngay lập tức. Điều này do để các cơ sở sản xuất mới đi vào hoạt động hay các ngành xuất khẩu mới hình thành cần chí ít cũng cần vài năm. Tuy nhiên một điều dễ nhận thấy là thị trường xuất khẩu của ta đã đa dạng hơn và Việt Nam đã thâm nhập tốt hơn vào các thị trường trọng yếu trên thế giới”- Ông Tú cho biết.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.