Kinh tế Việt Nam sẽ khôi phục trong 12 tháng tới

Kinh tế Việt Nam sẽ khôi phục trong 12 tháng tới
TPO - GS Tom Cannon, cha đẻ Guinness những Kỷ lục trong Kinh doanh, cho rằng chỉ trong 12 tháng tới kinh tế Việt Nam sẽ đi vào giai đoạn khôi phục, châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, hiện đã ở đáy khủng hoảng, còn châu Âu và Bắc Mỹ thì chưa.

Để tận dụng cơ hội sau  khủng hoảng, Việt Nam nên tập trung vào đào tạo con người, còn các doanh nghiệp nên tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế nhất.

Kinh tế Việt Nam sẽ khôi phục trong 12 tháng tới ảnh 1
GS Tom Cannon: Chỉ trong 12 tháng tới kinh tế Việt Nam sẽ đi vào giai đoạn khôi phục. Ảnh : gdt.gov.vn.

Nên tập trung vào đào tạo con người

Kinh tế Việt Nam sẽ khôi phục trong 12 tháng tới ảnh 2
GS Tom Cannon

Trao đổi với báo chí ngày 28/7, Tom Cannon (Anh), một trong những giáo sư hàng đầu thế giới về vạch định phát triển chiến lược, cho rằng trong và sau khủng hoảng kinh tế chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều cơ hội. Sẽ có sự phát triển của các ngành công nghiệp mới. Có nhiều đất nước phát triển vượt bậc nhưng cũng có những đất nước phát triển chậm đi.

Để đạt được những cơ hội này sau khủng hoảng cần 3 yếu tố: Sự sáng tạo, cần những con người có đầu óc kinh doanh và những nhà lãnh đạo sáng suốt. Đây là 3 yếu tố quan trọng để giành được những cơ hội sau khủng hoảng.

Vấn đề quan trọng là biết sử dụng kiến thức và sự sáng tạo. Điều này có thể so sánh như một cuộc cách mạng mới. Trước đây là các cuộc cách mạng cũ trong lĩnh vực công nghiệp, còn nay cuộc cách mạng là kiến thức và sự sáng tạo.

Trên thực tế chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi. Những công ty lớn như Microsoft hiện gặp khá nhiều khó khăn để cạnh tranh với Google còn Google sau một thời gian phát triển cũng cảm thấy khó khăn khi cạnh tranh với các đơn vị mới như Facebook...Tôi tin rằng sẽ có những ngành công nghiệp mới phát triển trên quy mô toàn cầu hóa nhiều hơn với nhiều công ăn việc làm mới được tạo ra. Đây là những ví dụ cho thấy sau khủng hoảng luôn luôn sẽ có những sự thay đổi và sự thay đổi đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới.

Kinh tế Việt Nam sẽ khôi phục trong 12 tháng tới ảnh 3 Vấn đề quan trọng là biết sử dụng kiến thức và sự sáng tạo. Điều này có thể so sánh như một cuộc cách mạng mới. Trước đây là các cuộc cách mạng cũ trong lĩnh vực công nghiệp, còn nay cuộc cách mạng là kiến thức và sự sáng tạo Kinh tế Việt Nam sẽ khôi phục trong 12 tháng tới ảnh 4 - GS Tom Cannon.

Mới đây ngân hàng ADB có ra đưa ra báo cáo về việc kinh tế Đông Á đang phục hồi theo hình chữ V. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này và dự báo của ông về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2009 cũng như trong năm 2010?

Khi nói về châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, tôi tin là hiện đã ở đáy cuộc khủng hoảng. Còn châu Âu và Bắc Mỹ thì chưa hoàn toàn ở đáy. Tôi tin rằng ở Việt Nam hay ở các nước Đông Nam Á việc khôi phục và tăng trưởng kinh tế sẽ sớm hơn ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Ở khu vực này Bắc Mỹ và châu Âu trong 3 năm tới mới có thể khôi phục được. Còn ở Việt Nam chỉ trong 12 tháng tới thì nền kinh tế sẽ đi vào giai đoạn khôi phục.

Có 3 lý do khiến tôi tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam có thể sớm phục hồi. Đó là hoạt động của hệ thống ngân hàng của Việt Nam khác với hệ thống ngân hàng của châu Âu và Mỹ. Ở châu Âu và Mỹ là đi vay để tiêu, còn người Việt Nam thì ngược lại.

Thứ hai là Việt Nam có nguồn lực lao động hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp ở châu Á và cả châu Âu. Cùng với đó Chính phủ Việt Nam có điểm tốt là đã tập trung vào 4 điểm chính: Sự sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, phát triển bền vững và chiến lược.

Cái cốt lõi là hệ thống ngân hàng hoạt động tốt. Điều thứ nữa muốn nói với Chính phủ Việt Nam là khủng hoảng sẽ kết thúc và không nên suy nghĩ, lo lắng quá mà nên tập trung nhiều hơn cho việc đầu tư vào tương lai, đầu tư vào các cơ hội sau khủng hoảng.

Chính phủ nên tập trung đầu tư vào đào tạo kiến thức, vào các thành phố mà ở đó tập trung nhiều nguồn lực để phát triển, đặc biệt là thành phố trẻ. Đây sẽ là những thành phố dẫn dắt sự cạnh tranh của một quốc gia, là nguồn gốc để Việt Nam tạo ra các cuộc cách mạng trong phát triển kinh tế.

Cần tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu trong khi theo ông trong 2 – 3 năm tới Bắc Mỹ và châu Âu mới phục hồi được. Vậy Việt Nam có đạt được mức tăng trưởng như dự báo khi hai thị trường xuất khẩu này chưa phục hồi?

Tại thị trường Mỹ hành vi tiêu dùng đang thay đổi. Người Mỹ bắt dầu quan tâm nhiều hơn về giá, nên họ bắt đầu tìm nguồn cung cấp ổn định hơn và cạnh tranh hơn. Nếu Việt Nam biết sử dụng thế mạnh của mình để tận dụng thì hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh.

Việt Nam cũng nên tập trung sáng tạo và mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ tập trung vào 1-2 bước trong chuỗi sản xuất như trước đây mà mở rộng quy mô đa dạng hơn. Như vậy sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ tốt hơn. Tôi tin tưởng Việt Nam có thể làm được điều đó như đã thực hiện trong xuất khẩu lương thực, thực phẩm các mặt hàng truyền thống.

Các chuyên gia cảnh báo năm 2009 các chỉ số kinh tế Việt Nam có thể tương đối đẹp nhưng năm 2010 sẽ phải đối mặt khó khăn nhiều hơn. Để Việt Nam tận dụng sự thay đổi của toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay thì cần phải làm gì?

Như tôi đã nói từ đầu, tôi tin kinh tế Việt Nam đã qua đáy suy thoái. Trong 2010 và tương lai là thời kỳ phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên trong tương lai cũng như năm 2010 thì sẽ có sự cạnh tranh khắc nghiệt.

Nên đầu tư hơn nữa vào giáo dục và các trường đại học để sinh viên từ các trường này có thể chuyển thành các doanh nhân. Ngoài ra Chính phủ và các ngân hàng hãy nên hỗ trợ và giúp đỡ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp trẻ vì những doanh nhân trẻ này luôn gặp khó khăn hơn. Hiện cũng xuất hiện những doanh nghiệp trẻ tạo ra những hình ảnh mới.

Ông nói nhiều về các thành phố động lực như Hà Nội, TP.HCM trong việc dẫn dắt nền kinh tế sau khủng hoảng, vậy ông có gợi ý nào cho Chính phủ Việt Nam về việc đầu tư vào các thành phố này để trở thành động lực chính phát triển kinh tế của Việt Nam.

Nói về tính cạnh tranh thì tôi có thể nói Hà Nội và TP.HCM có nhiều lợi thế và có nhiều nét khác hơn Băng Cốc hay Kuala Lampua, cả về văn hóa, con người hay du lịch. Hà Nội và TP.HCM cần có cách đi thông minh hơn so với những thành phố giàu có hơn chúng ta. Có thể ưu tiên hướng đến phát triển du lịch.

Ở Việt Nam có câu "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Nếu ông là một doanh nhân, chủ một doanh nghiệp ở Việt Nam không có nhiều tiền nhưng vẫn buộc phải tồn tại, vậy ông sẽ chọn 3 việc gì để làm trước mắt và 3 việc gì để tồn tại?

Khi doanh nghiệp không có nhiều nguồn vốn như vậy thì hãy nên nghĩ tới các khoản tín dụng dài hạn của Chính phủ. Chính phủ cũng cần có can thiệp với hệ thống ngân hàng để các khoản vay dài hạn này đảm bảo hơn. Một khía cạnh nữa có thể nghĩ đến là các công viên khoa học, nơi cung cấp các nguồn trí tuệ cho doanh nghiệp. Như ở trường ĐH của tôi có các quỹ cấp vốn đầu tư lâu dài cho các doanh nhân tương lai.

Ngoài ra tôi có thể nói 3 yếu tố về lực lượng lao động của Việt Nam. Đó là có kỹ năng cao, làm việc chăm chỉ nhưng Việt Nam cần có nhiều người tốt nghiệp đại học hơn. Đây sẽ là lực lượng kéo nền kinh tế đi lên trong tương lai. Vừa rồi tôi có đọc chiến lược phát triển của một số nước. Ở Thái Lan họ dự tính sẽ có những trường đại học thuộc top 20 trên thế giới trong vòng 10 năm tới.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lựa chọn hình thức mở rộng hoạt động trong các ngành nghề khác nhau. Theo ông với tình hình hiện nay đa dạng hóa hoạt động hay tập trung hóa là lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Có nhiều cuộc thảo luận quanh chủ đề đa dạng hóa hay tập trung hóa hoạt động của doanh nghiệp đã được tổ chức trên thế giới. Tuy nhiên theo những gì tôi nhận thức được thì nên tập trung vào những gì mà mình biết là tốt nhất.

Trong các ngày 29/7 tại Hà Nội và 4/8 tại TP.HCM, Giáo sư Tom Cannon sẽ tham dự hai buổi diễn thuyết  về chủ đề “Thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu và xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam” với sự tham dự của các lãnh đạo hàng trăm doanh nghiệp và các đại diện đến từ các quỹ đầu tư, chứng khoán, tài chính, các trường đại học, Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội của Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Euro Cham, các tổ chức Phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong thời gian ở Việt Nam, Giáo sư Tom Cannon sẽ có các buổi làm việc với hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng như một số tập đoàn lớn khác của Việt Nam.

Giáo sư Tom Cannon là một trong những giáo sư hàng đầu thế giới về vạch định phát triển chiến lược và là cố vấn cao cấp của trên 30 tập đoàn xuyên quốc gia như: American Express, Goldman Sachs, Microsoft, Airbus, Tesco, BT, NatWest Bank, BP, Shell, Hong Kong & Shanghai Banking Corporation (HSBC), Ernst & Young, Dow Chemicals, IBM, ICI, General Electric,...

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.