Báo cáo thường niên của IMF:

Kinh tế Việt Nam tiếp tục “bùng nổ”

Kinh tế Việt Nam tiếp tục “bùng nổ”
TP - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố bản báo cáo thường niên 2006, trong phần đánh giá về Việt Nam đã có những dự báo lạc quan về nền kinh tế hậu WTO.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục “bùng nổ” ảnh 1

Theo IMF, thu nhập bình quân đầu người của VN năm 2005 đạt 636 USD, tốc độ tăng trưởng 8,4%. Năm 2006, kinh tế VN tiếp tục “bùng nổ”, đặc biệt vào những tháng cuối năm để đạt mức tăng trưởng gần với mục tiêu đã đề ra là 8%.

Vấn đề đau đầu nhất với VN là khó kìm chế lạm phát trong điều kiện giá cả quốc tế gia tăng.

Báo cáo của IMF cho rằng, kinh tế VN năm 2007 sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng 7,6% dù đối mặt với nhiều thách thức. Về triển vọng trung hạn, các chuyên gia IMF cũng nhận định, tăng trưởng của kinh tế VN đạt “chất lượng cao và ổn định, đói nghèo giảm, nhưng cũng có không ít rủi ro”.

 Xuất khẩu của VN trong những năm qua phụ thuộc nhiều vào dầu thô. Tuy nhiên, báo cáo của IMF khẳng định, việc gia nhập WTO sẽ tạo ra cơ hội phát triển mới cho những mặt hàng xuất khẩu khác cũng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

IMF cảnh báo, “hậu WTO” với sự cạnh tranh trong “sân chơi” quốc tế sẽ tạo ra áp lực lớn nhất đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước vốn được hưởng lợi từ chính sách bảo hộ. Theo IMF, sự phình ra của các chính sách kinh tế vĩ mô, cũng như sự trì hoãn trong kế hoạch cải tổ cũng sẽ là những rủi ro cho kinh tế VN trong tương lai.

Suy thoái của nền kinh tế Mỹ cũng sẽ tạo ra rủi ro cho kinh tế VN. Mặt khác, những điều chỉnh không tuân theo trật tự trong sự mất cân bằng của toàn cầu cũng có thể giảm mối quan tâm của các nhà đầu tư. Một rủi ro nữa đối với nền kinh tế VN là giá dầu quốc tế có thể sụt giảm, trong khi dầu thô vẫn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của VN.

Hội đồng giám đốc điều hành của IMF ngợi ca mức tăng trưởng cao, ổn định, giảm đói nghèo nhanh của VN và khẳng định tiếp tục đưa nền kinh tế theo hướng thị trường, VN luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Hội đồng các giám đốc IMF nhận định về ngắn hạn, kinh tế VN rất lạc quan, nhưng về triển vọng trung hạn khó có thể xác định rõ ràng mọi lĩnh vực sau khi gia nhập WTO.   

MỚI - NÓNG