Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKT của QH:

Kỷ luật ngân sách và tài chính chưa nghiêm

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKT của QH
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKT của QH
TP - Theo đánh giá của các chuyên gia, gánh nặng nợ công đang ngày càng hiện rõ. Dự báo việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước năm 2016 sẽ bị ảnh hưởng khá nặng.

Báo động tăng chi thường xuyên

Số liệu báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 tăng đều ở các hạng mục, ở mức khoảng 2,17 lần nếu so với giai đoạn 2006-2010. Trong đó chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần, chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần.

Đáng chú ý, các số liệu bóc tách chi tiết cho thấy, trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn năm năm qua, chi thường xuyên chiếm 65%, chủ yếu là tăng chi cho con người, bao gồm cả chi tiền lương và an sinh xã hội. Trong khi chi đầu tư phát triển giảm mạnh so với các giai đoạn trước.

Các số liệu trong một báo cáo khác liên quan đến triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của Chính phủ cũng cho thấy, từ năm 2008 đến nay nợ Chính phủ liên tục tăng cao và đặc biệt trong thời kỳ tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm. Nợ công tăng cao do nhu cầu tài trợ từ đầu tư công rất lớn để bù đắp sự sụt giảm cho đầu tư tư nhân. Đặc biệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng mức chi ngân sách của Chính phủ và chi thường xuyên tăng cao trong khi ngân sách eo hẹp cũng đang đặt ra bài toán lớn với việc chi tiêu. Điều này tác động khá lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 dự kiến sẽ khó khăn hơn năm 2015.

Thay đổi cách chi tiêu

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, có nhiều ý kiến khác nhau về việc vay nợ của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, không có chính phủ nào vay nợ xong là trả hết nợ, trừ nước Đức. Các nước đều có tình trạng nợ năm này tích từ năm nọ sang năm kia. Vấn đề là các nền kinh tế khác, họ làm ra đủ trả lãi và đủ khả năng cân đối nợ. Còn của Việt Nam đủ trả lãi nhưng không đủ khả năng cân đối nợ. Đây là sự khác biệt.

Một vấn đề khác của nền kinh tế, theo ông Kiên, chính là việc có một khoảng cách rất xa giữa dự báo thị trường của Chính phủ và khả năng thật của nền kinh tế. Do không dự báo đúng tình hình nên không huy động được đủ số tiền từ phát hành trái phiếu để trả nợ như dự kiến. Ngoài ra có một điểm phải thừa nhận chính là kỷ luật ngân sách và tài chính của chúng ta không nghiêm. Chúng ta đã có Nghị quyết về việc lùi bội chi về mức 4% nhưng rốt cuộc chúng ta vẫn tìm đủ mọi lý do để không làm.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, trước sức ép gia tăng nợ công, cần thay đổi tư duy nhà nước làm thay khu vực tư nhân mà chuyển sang tạo dựng thị trường để tư nhân có thể tham gia cung ứng hàng hóa công cộng. Cùng đó, nguồn vốn huy động của nhà nước cần được phân bổ theo cơ chế đấu thầu cạnh tranh để đảm bảo nguồn lực được sử dụng vào nơi có hiệu quả cao nhất.

Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu tính đến giữa giữa tháng 10 vừa qua, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 92,618 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 1.016USD, nợ công chiếm 46,0% GDP, tăng 9,6% so với năm 2014. 

MỚI - NÓNG