Lại lo… lãi suất

Lại lo… lãi suất
TP - Một tuần của giá vàng, USD nóng bỏng rồi cũng qua đi. So với đỉnh giá “treo” 38,2 triệu đồng/lượng, giá vàng ngày 14-11 đã rẻ đi 3 triệu đồng, chỉ còn 35 triệu đồng/lượng. USD chợ đen cũng rời cơn sốt tâm lý từ 21.350 đồng tụt xuống 20.808 đồng/USD.

“Thiên thời, địa lợi” cùng “kháng sinh đủ liều” của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã “cắt cơn” sốt giá vàng, USD. Thông điệp sẵn sàng cho phép tiếp tục nhập khẩu vàng và bán can thiệp ngoại tệ được phát đi cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã tự tin vào “phác đồ điều trị”. Thế nhưng, hệ lụy giá vàng tăng với việc người dân không ổn định tâm lý rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng để mua USD, vàng sẽ vẫn còn.

Những ngày này, hệ thống các ngân hàng đã phải “gồng” mình lo vốn cuối năm. Để hút tiền đồng, các ngân hàng đã phải tăng lãi suất cơ bản. Lãi suất huy động lên tới 13%/năm đã báo động cho thấy lãi suất cho vay sẽ tăng. Dự báo của các ngân hàng, lãi vay phải lên thêm ít nhất 1-1,5% lên mặt bằng vay 15%- 16% /năm với khoản vay cho sản xuất và 18 - 19% với tiêu dùng.

Cùng với việc các ngân hàng tăng cường vay mượn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng (lãi suất qua đêm trên thị trường này tăng mạnh), có thể nhìn thấy thời gian tới, sự trông cậy vào huy động vốn nhàn rỗi trong dân sẽ khó khăn hơn. Hệ lụy tiếp theo là doanh nghiệp sẽ không thể thoải mái vay ngân hàng.

Không thả nổi lãi suất VND, điều này đã được NHNN khẳng định cách đây 10 ngày, bằng một loạt biện pháp nghiệp vụ để điều tiết vốn như tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn. Bài toán lãi suất huy động từ nay đến cuối năm có thực sự không cần lo nghĩ nữa khi mà sự đồng thuận của 16 ngân hàng thành viên phía Bắc đã nhanh chóng bị vỡ bằng cú “vượt rào” từ cam kết 12%/năm lên mức 13%/năm đầu tiên của một ngân hàng cổ phần khá lớn?

Đến thời điểm này, đã có dấu hiệu cho thấy các ngân hàng lớn nhỏ khác sẵn sàng nhảy vào cuộc đua huy động quyết liệt và gay cấn trong thời gian tới. Mà cơn cớ thì rất đơn giản: bởi sự đồng thuận mang khá nhiều gượng ép, cũng như mặt bằng lãi suất phải đủ hấp dẫn mới khiến người dân đem tiền đi gửi ngân hàng.

Một điều đáng ngại nữa, đó là những biến động trên có nguy cơ “làm mờ” đi thành quả hạ lãi suất của hệ thống ngân hàng mà Chính phủ trong điều hành đã thống nhất từ đầu năm đến nay (từ đỉnh cho vay 19-21% xuống còn 14-16%/năm) cũng như tạo một áp lực gián tiếp lên lạm phát.

MỚI - NÓNG