Lại nóng sáp nhập ngân hàng

Sáp nhập ngân hàng phải vì lợi ích toàn hệ thống chứ không của riêng ai. Ảnh: Như Ý
Sáp nhập ngân hàng phải vì lợi ích toàn hệ thống chứ không của riêng ai. Ảnh: Như Ý
TP - Từ câu chuyện ồn ào về vi phạm pháp luật của một số lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tuần qua một vấn đề lập tức gợi sự quan tâm của dư luận đó là câu chuyện tái cơ cấu ngân hàng không chỉ riêng VNCB mà cả hệ thống hiện giờ ra sao? 

Thấy gì từ việc Vietcombank bất ngờ “giải cứu” VNCB vào giờ G? Với bản cam hỗ trợ từ thanh khoản tới hợp tác kỹ thuật và nhân sự, đại đa số giới nhà băng đều cho rằng: sự hỗ trợ hợp tác toàn diện của một ngân hàng lớn như Vietcombank lúc này thực sự là cuộc “giải cứu binh nhì” vào phút chót với VNCB.

   

Nhưng nhìn xa trông rộng, có ý kiến cho rằng: khủng hoảng bất ngờ của VNCB dù là “tình huống” ngoài kịch bản sẽ là “cú huých” đẩy câu chuyện tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2 của toàn hệ thống nhà băng đến hồi quyết liệt. 

Đi vào cụ thể, thông tin về câu chuyện sáp nhập ồn ào từ đầu năm tới nay và dự kiến sẽ nở rộ. Đơn cử: Trước đại hội cổ đông của Vietcombank, hầu hết đều có đồn đoán NH này sẽ “mua” lại một NH nhỏ rất có thể là NHTM CP Bản Việt (VietCapital Bank).

Tuy nhiên, thông tin này đã không được xác thực khi tại đại hội ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ rằng: “Đúng là Vietcombank có ý định tìm kiếm sáp nhập thêm với NH nhỏ nhưng là NH nào thì đang trong quá trình xem xét”.  

Bên cạnh, sau khi NH Phương Nam (SouthBank) về một nhà với Eximbank, lại dội lên đồn đoán có thể sẽ thêm một cuộc sáp nhập mới giữa NH cùng lúc với hai NHTM khác (trong đó một đã từng sáp nhập và một đã từng cổ phần hóa). Còn tại đại hội cổ đông 2014 của Maritime Bank, ngân hàng này đã xin ý kiến về việc Ngân hàng Phát triển Mekong (MDB) sáp nhập vào.

Tuy nhất trí phương án sáp nhập MDB, song nhiều cổ đông Maritime Bank lo ngại việc sáp nhập sẽ làm nợ xấu của NH tăng lên. Ngoài ra, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1 khi sáp nhập cũng khiến nhiều cổ đông không hài lòng.

Đừng sáp nhập vì “quan hệ”

Trong một cuộc họp cách đây vài tháng, Thống đốc NHNN ông Nguyễn Văn Bình đã từng phát biểu: “Tôi cảnh báo đến các ngân hàng nhỏ rằng rất khó hoạt động trong thời gian này vì khả năng cạnh tranh gần như không còn. Hơn lúc nào hết, vì lợi ích cá nhân và cộng đồng nên ngồi lại với nhau để bàn việc hợp nhất, sáp nhập.

” Cùng với đó, vị lãnh đạo NHNN này cho biết hiện tại đang khuyến khích các ngân hàng lớn cùng tham gia vào công tác tái cấu trúc ngân hàng nhỏ, yếu, thay vì để NHNN đứng ra mua cổ phần và tự vực dậy các ngân hàng trên. Cách làm này theo ông sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian và cũng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều ngân hàng lớn.   

Bình luận với Tiền Phong, một chuyên gia từng tham gia vào xử lý tình huống khủng hoảng tại nhiều NHTM cho rằng không thể phủ nhận tính tích cực của việc sáp nhập một số nhà băng vào nhau thời gian qua. 

Tuy nhiên về thực chất, phần nhiều các ngân hàng tái cơ cấu mới dừng ở quan hệ và lợi ích giữa các ông chủ hay cổ đông lớn với nhau. “Một số sáp nhập vào giải quyết vấn đề lợi ích nhóm, kéo tỷ lệ cổ đông xuống đúng theo quy định, giải quyết nợ xấu cho ngân hàng nhỏ khi sáp nhập” – vị chuyên gia nói.  

Theo ông, hiện đang lẫn lộn giữa hai loại hình NH thương mại và NH đầu tư thành hình thức NH đa năng. Chính điều này là khởi nguồn cho việc nhiều NH hoạt động không lành mạnh, lấy tiền gửi của dân rồi cho vay ủy thác đầu tư. 

“39 NH hiện tại là quá nhiều, việc gộp lại thời gian tới là rất cần thiết nhưng phải phân định loại hình hoạt động chứ không nên để các NH tự tìm đến nhau vì lợi ích”- ông nhấn mạnh. 

Cùng với đó, vị chuyên gia này cho rằng NHNN thay vì dừng ở xử lý tình huống phải xuất phát từ định hướng chiến lược của toàn hệ thống. 

“Trong tương lai, NHNN phải trả lời được câu hỏi sẽ đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam đi về đâu, có vậy tái cơ cấu ngân hàng mới giải quyết được tận gốc vấn đề?”- vị này khẳng định.

Theo Kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2 dự kiến đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15. Đây cũng là cơ sở để tiến tới tự do hóa thị trường tài chính và tự do hóa các dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2020.

MỚI - NÓNG