Lại phân hạng chung cư: Lo xin - cho, chạy nâng hạng

Khách hàng lo ngại chủ đầu tư chạy nâng hạng để thổi giá chung cư. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Khách hàng lo ngại chủ đầu tư chạy nâng hạng để thổi giá chung cư. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Thông tư Quy định Phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư. Theo đó, chung cư sẽ được phân hạng như khách sạn để đánh giá.

Phân hạng chung cư là mong muốn tích cực của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, chủ đầu tư và chuyên gia cho rằng, hãy để thị trường điều tiết thay vì nhà nước thể hiện vai trò…

Đưa ra rồi để đó

Đây không phải lần đầu tiên, Bộ Xây dựng xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn phân hạng nhà chung cư. Trước đó, bộ này đã ban hành Thông tư 11 (2008) hướng dẫn phân hạng nhà chung cư. Theo thông tư này, nhà chung cư được phân thành: Hạng 1 (cao cấp); hạng 2: có chất lượng sử dụng cao; hạng 3: có chất lượng sử dụng khá cao; hạng 4: có chất lượng sử dụng trung bình.

Thậm chí, trong thông tư cũng nêu rõ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan triển khai hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện thông tư này tại địa phương; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của Trung ương và các địa phương hướng dẫn, triển khai thực hiện và định kỳ tổ chức kiểm tra và đôn đốc thực hiện. Tuy nhiên, sau nhiều năm thông tư được ban hành, chưa có loại nhà chung cư nào được phân hạng theo tiêu chí mà Bộ Xây dựng đưa ra. Vì vậy, không ít chung cư vẫn tự khoác lên mình chiếc áo “chung cư cao cấp”, “chung cư siêu cao cấp”...  Và, tại nhiều chung cư thường xuyên diễn ra cảnh “treo đầu dê, bán thịt chó”. Thậm chí, để đánh vào tiêu chí thích không gian trong toà chung cư, không ít chủ đầu tư tự gắn tên chung cư bằng các mỹ từ: Green (xanh), sinh thái...

Từ trước, mục tiêu của phân hạng chung cư ra sao cũng chưa được cơ quan soạn thảo nói rõ. Nay, Bộ Xây dựng lại đưa ra để bàn bạc. Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình cho rằng, trước đây, Bộ Xây dựng đưa ra tiêu chí phân hạng nhưng không làm được vì vướng ở cách làm. “Ngay với đơn vị đánh giá, họ cũng không phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình nên làm sao hiệu quả được. Sở Xây dựng hay Bộ Xây dựng làm sẽ vẫn còn cơ chế xin cho, mà đã xin cho chắc chắn có tiêu cực. Do đó, cần có một đơn vị độc lập đứng ra xếp hạng, công khai tên các đơn vị này trong toàn quốc. Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đánh giá của mình và phải được tham gia đánh giá ngay từ khi bắt đầu xây dựng chung cư, chứ không phải làm xong rồi mới đánh giá. Nếu các đơn vị này đánh giá sai, người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện”, ông Chủng nói.

Lại phân hạng chung cư: Lo xin - cho, chạy nâng hạng ảnh 1

Lo xuất hiện cuộc chạy đua để được gắn sao cho chung cư? Ảnh: minh họa.

Sợ chạy chọt nâng hạng

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý - Bảo trì tòa nhà Việt Nam (VBMA) cho rằng: “Các tiêu chí để chấm điểm phân hạng trong dự thảo thông tư còn khá chung chung. Tiêu chí vệ sinh môi trường, chăm sóc cảnh quan được cho 3 điểm, nhưng như thế nào thì được 3, như thế nào thì được 2 hay được 1 điểm, Bộ Xây dựng lại không làm rõ. Nếu mập mờ sẽ rất khó chấm điểm và dễ tạo ra chạy chọt xin điểm”.

Ngoài ra, tiêu chí về mức độ và chất lượng hoàn thiện tòa nhà, theo ông Hiệp vẫn còn “vô cùng”. “Để hoàn thiện toà nhà có nhiều hạng mục khác nhau với nhiều loại vật liệu xây dựng. Bộ Xây dựng phải làm thêm công tác phân hạng các loại vật liệu làm nên công trình xây dựng”, ông Hiệp nói.

Trong khi đó, các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật trong dự thảo thông tư lại quá cao và khó đạt được. Ông Nguyễn Đình Đào, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Liên doanh bảo trì thang máy CONINCO cho biết, tiêu chí thời gian chờ thang máy trong giờ cao điểm đối với chung cư hạng A không quá 60 giây là rất khó khả thi. Hơn nữa, để đạt chung cư hạng A, một thang máy chỉ phục vụ tối đa 30 căn hộ. Tiêu chí này cũng rất khó đạt, kể cả với các chung cư được gọi là cao cấp nhất hiện nay tại Hà Nội như Times City, Royal City…

Còn ông Ngân Văn Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Five Star chia sẻ: “Đánh giá, xếp hạng khách sạn còn không chuẩn như: Khách sạn gắn mác 5 sao nhưng chất lượng dịch vụ chỉ đáng 3 sao. Nếu thông tư này áp dụng sẽ tái diễn cảnh chạy chọt để được phân hạng 1 để quảng cáo, nâng giá”.

Theo ông Chuyên, nguyên tắc của kinh tế thị trường là cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp mà để cho thị trường tự vận động. Trong việc phân hạng nhà chung cư cũng vậy, việc phân hạng với mục đích xác định giá trị chung cư hay làm cơ sở để tính giá dịch vụ nhà chung cư đều chưa đúng với tinh thần trên.

Ông Dương Văn Cận - Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết, nên thực hiện gắn sao vào thời điểm nhà đã hoàn thiện sẽ rõ ràng hơn trước khi xây dựng. Việc gắn sao cũng giống xếp hạng khách sạn nên các tiêu chí đánh giá cũng dựa trên tiện ích, chất lượng các căn hộ. Phần móng là thuộc về hạ tầng xây dựng, đánh giá khâu này thuộc về giai đoạn khác.

MỚI - NÓNG