Lãi suất cơ bản nên là một hay là một nhóm?

Lãi suất cơ bản nên là một hay là một nhóm?
TP - Thời gian qua, Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi nhận được sự quan tâm của dư luận, của các thành phần kinh tế và các nhà lập pháp.

Có thể nói, về góc độ luật thuần túy, chúng ta đã thành công khi các vấn đề của dự án luật được quan tâm.Dự luật NHNN đã được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật thường xuyên về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, trong đó có những vấn đề vĩ mô như: Chính sách tiền tệ; vai trò của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ…

Tuy nhiên, vấn đề vi mô trong dự thảo luật lần này đã đưa những cuộc tranh luận lên một tầm cao mới. Một trong những nội dung tiếp tục “nóng” lên trong các cuộc tranh luận là vấn đề lãi suất cơ bản (LSCB).

Có thể nói, trong dự thảo này, NHNN không loại bỏ LSCB như những lần trước đây và cho rằng, LSCB được hiểu là nhóm lãi suất, cụ thể: LSCB là lãi suất do NHNN công bố bao gồm: Lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự.

Kèm theo vấn đề LSCB, dự thảo luật cũng quy định NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác. Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) với nhau và với khách hàng. NHNN cũng công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch theo Bộ luật Dân sự.

Nghiên cứu sự thay đổi về LSCB trong dự thảo luật, dễ thấy có một số quan điểm khác trước như: LSCB từ một lãi suất cụ thể đã được “phát triển” thành nhóm lãi suất. Có thể hiểu mục đích chính của sự thay đổi này nhằm tách bạch lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự.

Điều này có thể tạo ra băn khoăn, lo lắng trong việc hiểu và vận dụng luật. Thứ nhất - Trong việc thực hiện chính sách tiền tệ (cụ thể là hoạt động huy động và cho vay của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng) được quy định một lãi suất riêng, không nằm trong lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự. Điều này sẽ tạo độ “vênh” trong thực hiện luật.

Nếu giao dịch của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng vẫn được hiểu là giao dịch dân sự như hiện nay, quy định này đưa ngân hàng, các tổ chức tín dụng thành các chủ thể dân sự đặc biệt, không giống với các chủ thể dân sự khác và giao dịch của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng trở thành giao dịch đặc biệt. Điều này có thực sự ổn, thực sự bình đẳng với các giao dịch dân sự khác khi một trong hai bên tham gia là ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng?

Thứ hai - Khi LSCB là một nhóm lãi suất, đương nhiên mức lãi suất sẽ không giống nhau (nếu có sự giống nhau thì chỉ xảy ra trong khoảnh khắc), có thể mức LSCB dành cho các giao dịch dân sự thấp hơn mức LSCB dành cho việc thực hiện chính sách tiền tệ hoặc ngược lại. Nếu thế, sẽ phát sinh một số vấn đề như:

Trong mối quan hệ của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng với doanh nghiệp và công dân đều thông qua hợp đồng và về cơ bản nó vẫn được điều chỉnh bởi Luật Dân sự. Vậy khi Luật NHNN (sửa đổi) được thông qua, các hợp đồng trên sẽ được viện dẫn bởi luật nào, Luật Dân sự hay Luật NHNN? Hay cả hai? Ngoài ra, ngân hàng và các TCTD cũng là một loại hình doanh nghiệp, cũng thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Nếu các tổ chức này chậm nộp thuế và bị phạt, khi đó cơ quan thuế sẽ lấy mức LSCB nào để tham chiếu? Giả sử mức LSCB dành cho các giao dịch dân sự là 8%, mức LSCB để thực hiện chính sách tiền tệ là 12%, lúc đó ngân hàng và các TCTD sẽ chọn mức LSCB nào để thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước?

Một vấn đề khác cũng nảy sinh, đó là trong giao dịch dân sự (được hiểu là không có sự tham gia của ngân hàng), mức vay không được quá 150% LSCB. Vậy mức huy động của ngân hàng và các TCTD có được khống chế (không quá 150% LSCB) để thực hiện chính sách tiền tệ hay không? Và mức khống chế này được qui định ở điều nào trong Bộ luật Dân sự hay Luật NHNN?

Có thể thấy, LSCB là cần thiết và cần được quy định trong Luật NHNN. Tuy nhiên, khi quy định LSCB là nhóm lãi suất và áp dụng cho các đối tượng khác nhau cũng là điều không đơn giản và có thể đưa vấn đề trở nên phức tạp.

MỚI - NÓNG