Lãi suất huy động đã đụng sàn?

Lãi suất huy động đã đụng sàn?
Theo nhiều chuyên gia, người gửi tiền không quá lo vì LS cơ bản có thể giảm thêm nhưng LS huy động VND khó giảm nhiều như trước đây. Ngược lại, USD đang chịu áp lực giảm thêm và kéo dài cho đến hết năm 2009.

Thủ tướng Chính phủ vừa nhắc Ngân hàng (NH) Nhà nước cân nhắc lại lãi suất (LS) cơ bản cho phù hợp với lạm phát không quá 6%/năm.

Lãi suất VND: ép xuống, bật lên

Khi NH Nhà nước giảm LS cơ bản, các NH buộc phải giảm LS cho vay đồng thời với giảm LS huy động.

Việc giảm LS cơ bản được người gửi tiền NH quan tâm vì hiện nay mặt bằng LS huy động đang ở mức thấp, nhất là so với LS huy động trong năm 2008. Hiện mặt bằng LS huy động chỉ còn dưới 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 7,1-7,3%/năm cho kỳ hạn 3 tháng.

Có một thực tế là thời gian gần đây các NH không thể “nén” LS huy động theo đà giảm của LS cho vay. Thậm chí có lúc LS huy động đã bật dậy, dù mức bật còn khiêm tốn.

Lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng
Đơn vị: %/năm

Lãi suất huy động đã đụng sàn? ảnh 1

Trong đợt giảm LS cơ bản tháng 2-2009, một số NH cũng đã giảm LS huy động xuống khá thấp, kỳ hạn 3 tháng có NH xuống dưới 7%/năm, kỳ hạn 12 tháng chỉ còn trên 7%/năm. Nhưng từ đầu tháng 3-2009, một số NH đã phải tăng LS huy động trở lại. Người có tiền đang cân nhắc giữa các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản và tiết kiệm, trong đó tiết kiệm không còn là số một như trong năm 2008.

NH có lý do để tăng LS huy động. Có NH tranh thủ mặt bằng LS thấp, tăng nhẹ LS huy động ở các kỳ gửi dài để có nguồn vốn dài hạn giá rẻ. Nhiều NH cho biết tiền gửi vào NH tuy không giảm nhưng cho vay tăng vì thế không thể khoanh tay khi vốn huy động “giậm chân tại chỗ”. Nhưng “áo mặc sao qua khỏi đầu”, các NH đang bị khống chế trần LS cho vay, vì thế dù muốn nhưng cũng chỉ tăng nhẹ LS huy động và chuyển sang thu hút vốn bằng khuyến mãi.

Giữa khuyến mãi và tăng LS, khuyến mãi vẫn có chi phí thấp hơn. Nhiều NH cho rằng trong trường hợp LS cơ bản giảm thêm thì các NH phải tính toán lại nhưng nhu cầu vốn tăng cao sẽ là cái neo để giữ LS huy động không giảm quá nhiều so với mặt bằng hiện nay.

USD còn tuột dốc

Trong khi đó, sức ép giảm LS huy động USD ngày càng lớn. Hiện các NH đang thừa nhiều vốn USD, có NH thừa đến 1/4 số vốn USD đã huy động. Nguyên nhân là do doanh nghiệp không vay USD mà tập trung vay VND vừa được bù LS lại không còn lo biến động tỉ giá. Dự báo tình trạng thừa vốn USD sẽ còn kéo dài đến hết năm 2009, khi chương trình hỗ trợ LS vay vốn kết thúc.

Có nhiều cách giảm lãi suất cho vay

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, LS là giá sử dụng vốn, nếu nhu cầu cao thì việc giảm LS huy động sẽ khó thực hiện. Hiện nay, nhu cầu vay vốn VND đã cao hơn trước, trong khi lượng tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp có xu hướng giảm. Cũng theo ông Ngân, để đạt được mục tiêu giảm thêm LS cho vay, thay vì giảm LS cơ bản thì nên giảm LS chiết khấu và LS tái cấp vốn để các NH có thể vay vốn từ NH Nhà nước.

Bên cạnh đó, NH Nhà nước nên tiếp tục giảm dự trữ bắt buộc để các NH có thể giảm được chi phí sử dụng vốn, có thêm vốn để cho vay thay vì phải trông vào nguồn vốn huy động từ dân cư. Về LS huy động, nếu dự báo lạm phát cả năm là 6%/năm thì LS huy động như hiện nay là phù hợp.

Tình trạng này còn có thể “tăng đô” khi chương trình vay vốn đầu tư trung dài hạn có bù LS được triển khai. Thời gian qua, phần lớn đầu tư trung dài hạn vay vốn ngoại tệ để có LS thấp nhưng nay doanh nghiệp sẽ vay VND để được hỗ trợ LS.

Việc Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ cũng góp phần kìm LS huy động USD. LS trúng thầu trái phiếu ngoại tệ kỳ hạn một năm chỉ có 3%. Các NH căn cứ vào mức LS này để định ra LS huy động, thường là phải thấp hơn. Hiện mua trái phiếu chính phủ được xem là đầu ra tốt nhất cho số vốn USD thừa của các NH.

Sức ép LS USD giảm thêm còn do đầu ra ở nước ngoài bị tắc dần. Trước đây, khi thừa vốn USD, các NH đem gửi số USD này ở nước ngoài. Nhưng nay ít NH nào muốn gửi tiền ở nước ngoài do LS USD trên thế giới đã thấp kỷ lục, LS nếu có chỉ là “tượng trưng”.

Gửi ngắn hay dài?

Hiện NH tập trung huy động vốn VND kỳ hạn thật dài hoặc ngắn. Với ngắn chủ yếu là ba tháng để có thể linh động điều chỉnh khi có biến động. Theo các chuyên gia, người gửi tiền cũng phải tính toán kỳ hạn gửi để có thể dễ dàng xoay trở khi thị trường biến động.

Trong xu hướng nhu cầu vốn ngày càng tăng, nhất là vào nửa cuối năm 2009, cộng với khả năng chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm sẽ cao hơn thì việc giảm thêm LS sẽ khó xảy ra. Mức LS huy động VND hiện nay cơ bản đã gần đụng sàn. Có thể mặt bằng LS huy động “lăn tăn” trong trường hợp NH Nhà nước giảm thêm LS cơ bản nhưng không kéo dài. Nếu chọn gửi ngắn, khi LS tăng lại, người gửi có thể chuyển sang gửi theo mặt bằng LS mới cao hơn.

Tương tự, với USD, cũng không nên gửi quá dài vì LS USD có thể thay đổi kể từ năm 2010 khi chương trình cho vay hỗ trợ LS VND kết thúc, đồng thời gói kích thích kinh tế của Mỹ có kết quả. Theo tư vấn của một số chuyên gia, còn gần chín tháng nữa mới kết thúc năm 2009 cũng là kết thúc thời hạn của chương trình cho vay có bù LS.

Người giữ USD có thể chọn gửi kỳ hạn 9-12 tháng cho qua giai đoạn “bĩ cực” vừa có được LS cao hơn so với kỳ hạn 3-6 tháng. Hết thời gian này, tùy tình hình mới tính toán nên gửi ở kỳ hạn nào.

Theo H. Thành-M.Khanh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.