Lãi suất huy động VND: Khởi phát cuộc đua mới?

Lãi suất huy động VND: Khởi phát cuộc đua mới?
Lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại đang định hình một cuộc đua mới, khi các mức cao nhất liên tục bị đánh đổ, nhiều thành viên đã nhập cuộc.
Lãi suất huy động VND: Khởi phát cuộc đua mới? ảnh 1
Trong năm 2008, lãi suất huy động VND có thời điểm vượt trên 19%/năm.

Dáng dấp của những biến động nóng về lãi suất đầu năm 2008 đang xuất hiện trên thị trường tiền tệ. Từ trung tuần tháng 2 trở lại đây, các ngân hàng thương mại liên tục tăng mức trả lãi để gọi vốn VND. Những diễn biến mạnh hơn tập trung thể hiện trong tuần vừa qua.

Đỉnh cao mới: 8,7%/năm

Đây là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường tính đến cuối tuần qua, thuộc về Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Mức lãi suất trên được áp cho tiền gửi VND kỳ hạn 36 tháng, có hiệu lực từ ngày 12/3.

Biểu lãi suất mới của Sacombank nổi bật ở các kỳ hạn trung và dài, đồng loạt có từ 8%/năm trở lên từ kỳ hạn 12 tháng. Các kỳ hạn từ 13 – 36 tháng có lãi suất từ 8,1% - 8,7%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ).

Trước đó, mức lãi suất huy động VND cao nhất thuộc về Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank), đỉnh điểm là 8,4%/năm ở kỳ hạn 24 tháng. Habubank cũng “rải” các mức cao cho các kỳ hạn từ thấp đến cao, từ 9 tháng có 8%/năm cho đến mức cao nhất là 8,4%/năm. Những điều chỉnh này được áp dụng từ ngày 9/3, tăng từ 0,1% - 0,9%/năm ở các kỳ hạn.

Trước Habubank và Sacombank, vào cuối tháng 2/2009, mức lãi suất huy động VND cao nhất trong hệ thống ngân hàng ghi nhận ở 8,2%/năm của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Cũng trong tuần qua, một số ngân hàng thương mại khác cũng đã chính thức nhập cuộc đợt điều chỉnh này. Ghi nhận từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức tăng phổ biến trong tuần là từ 0,2% - 0,5%/năm.

Ngoài ra, cùng với quyết định điều chỉnh tăng trực tiếp ở biểu lãi suất huy động mới, một số ngân hàng cả quốc doanh và cổ phần cũng vừa hẹn triển khai phát hành các đợt kỳ phiếu VND có lãi suất cao hơn lãi huy động thông thường.

Tín dụng tăng trưởng mạnh

Đợt điều chỉnh này đang hình thành một cuộc đua mới. Nguyên do được một số ngân hàng giải thích là xuất phát từ cầu vốn đề đáp ứng nhu cầu vay của các doanh nghiệp và người dân tăng cao, khác với áp lực từ “bóng ma” căng thẳng thanh khoản từng ám ảnh trong nửa đầu năm 2008.

Cụ thể, đại diện một số ngân hàng cho rằng, cầu vay vốn hiện nay lớn nhất tập trung vào nước rút hưởng chính sách bù lãi suất của Chính phủ. Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 13/3/2009 đã là 144.312 tỷ đồng. So với dư nợ tính đến ngày 6/3/2009, chỉ sau 1 tuần thực hiện, dư nợ cho vay của chương trình này đã tăng 30.604 tỷ đồng (tương đương tăng 26,9%).

Hiện các ngân hàng đang gấp rút để giải ngân, doanh nghiệp tranh thủ mượn vốn, do thời hạn để được hưởng bù lãi suất đang trôi qua từng ngày. Và với lượng vốn đã giải ngân trên, nếu giải quyết trọn khoảng 17.000 tỷ đồng bù lãi suất, vẫn còn khoảng gần 280.000 tỷ đồng dự địa cho vay trong thời gian tới.

Về quyết định tăng lãi suất lần này, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó tổng giám đốc Habubank, cho biết: “Việc tăng lãi suất sẽ đảm bảo cho sự cân bằng giữa lãi suất đầu vào và đầu ra, duy trì cho ngân hàng lượng khách hàng thường xuyên đồng thời đảm bảo đủ nguồn vốn cung cấp cho các khách hàng có nhu cầu vay”.

Ông Lê Văn Chí, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank – thành viên vừa tăng lãi suất tuần qua), cũng cho rằng việc điều chỉnh lần này là nhằm chuẩn bị nguồn vốn phục vụ gói hỗ trợ nói trên của Chính phủ.

Ngoài ra, đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại đã bắt đầu mở lại hoạt động cho vay tiêu dùng. Ghi nhận tại một số thành viên như LienVietBank, ABBank, SeABank hay OceanBank…, từ cuối tháng 2 đến nay, nhu cầu tìm hiểu và hồ sơ vay vốn tiêu dùng đã tăng cao. Cùng với nhu cầu từ doanh nghiệp, đây là một chuyển động mới góp phần tạo áp lực gọi vốn đối với các nhà băng.

Xa hơn, năm 2009, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã xác định chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Hiện thị trường đã ghi nhận một số trường hợp đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tới 50% trong năm nay. Trong khi đó, khác với hạn mức 30% trong năm 2008, năm 2009 Ngân hàng Nhà nước mới chỉ định hướng dự kiến tăng khoảng 21% - 23% và chưa có một giới hạn cụ thể để khống chế.

Nhưng theo ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank, nếu nhìn vào tỷ trọng thì các mức tăng trưởng dự kiến của một số ngân hàng là cao so với năm trước, nhưng nếu xét theo giá trị tuyệt đối, đó có thể là những mức tăng phù hợp bởi trong năm 2008 nhiều thành viên cho vay ra không nhiều.

Theo Minh Đức
Vneconomy

MỚI - NÓNG