Lãi suất ngân hàng: Người gửi cười, người vay... mếu

Lãi suất ngân hàng: Người gửi cười, người vay... mếu
Vietcombank vừa đưa ra mức lãi suất mới để thu hút tiền gửi bằng đồng USD. Không chỉ Vietcombank, các ngân hàng thương mại đều có những động thái cạnh tranh thu hút tiền gửi hấp dẫn...

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh TPHCM đã đẩy lãi suất huy động đồng USD trong nước lên mức cao: gửi tiết kiệm USD với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất là 3,25%/ năm, 9 tháng là 3,5%/ năm, 12 tháng là 3,75%/ năm, tăng trung bình 0,4%/năm. 

Tuy đi sau, nhưng Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã vượt Vietcombank khi đưa ra mức lãi suất huy động đồng USD: lãi suất tiền gửi USD kỳ hạn 6 tháng là 3,3%/năm, 12 tháng là 3,9%/năm, 24 tháng là 4,2%/ năm…

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần thương mại cho hay, các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất đã tạo áp lực khá lớn lên các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đang nóng lòng trước mức lãi suất mới này.

Đẩy "đầu vào" lên cao mãi, các ngân hàng cũng phải nghĩ đến "đầu ra". Ngân hàng Công thương (ICB) đã áp dụng lãi suất cho vay mới vào đầu tháng 8.

Theo đó, cho vay bằng đồng Việt Nam ngắn hạn thấp nhất là 0,85%/tháng (10,2%/ năm), trung hạn là 12%/ năm; cho vay bằng USD ngắn hạn là 5,5%/ năm, trung hạn là 6%/năm. Mức lãi suất mới khá cao này đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Trần Thiện Tứ, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho biết, chưa có doanh nghiệp nào phản ánh về lãi suất tăng cao gây khó khăn, nhưng hiện nay các doanh nghiệp đang "thắt lưng buộc bụng" trước nhiều biến động tăng giá.

"Không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải chấp nhận và tìm cách vượt qua trong bối cảnh tăng giá này", ông Tứ nói.

Gửi tiền đồng vẫn có lợi

Lãi suất đồng USD tăng đang hấp dẫn nhiều người chuyển từ gửi tiết kiệm tiền đồng sang USD. Chị Thanh, một người có tiền gửi tiết kiệm cho biết, vài người bạn của chị đang muốn chuyển sang gửi tiền ở những ngân hàng có mức lãi suất USD cao.

Chị nhẩm tính, với gần 50.000 USD gửi tiết kiệm với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất 3,5%, chị sẽ lãi thêm khoảng 150 USD so với mức lãi suất 3,2% cũ. Chị đang do dự chưa chuyển chỉ vì ngân hàng chị đang gửi tiền có dịch vụ khá tốt, và chị đã gắn bó với nơi này 3 năm nay.

Theo ông Võ Trọng Thuỷ, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Ngân hàng cổ phần Á Châu, tính trung bình lãi suất tiền đồng vẫn cao hơn hai lần so với tiền USD.

Hơn nữa, với tiền đồng, lãi suất tiết kiệm hiện dao động từ 7,3% - 9%/ năm, trừ đi tỷ lệ lạm phát là 6,5%/năm thì người gửi vẫn hưởng lãi suất thực từ 0,8 - 2,5%/năm.

Bên cạnh đó, Nhà nước đang muốn giữ tỷ giá giữa USD và tiền đồng ổn định, vì vậy gửi tiền đồng vẫn có lợi hơn gửi tiền USD.

Lãi suất sẽ còn tăng?

Theo sơ kết tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP.HCM 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tại TP.HCM tăng 30,9% so cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, dư nợ cho vay của ngân hàng đối với nền kinh tế đạt thấp, chỉ bằng 42 - 43% mức kế hoạch cả năm. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn tăng cao nên các ngân hàng đã vào cuộc đua tăng lãi suất huy động vốn.

Bên cạnh đó, theo ông Thuỷ, một trong những nguyên nhân khiến lãi suất tăng là do các ngân hàng chưa đưa ra được các sản phẩm khác biệt. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ nghiên cứu thị phần của ngân hàng đối thủ, xu thế biến động chung để điều chỉnh lãi suất hợp lý.

Ngoài ra, cứ tới quý 3-4 hàng năm là hoạt động doanh nghiệp sôi động hơn, nhu cầu vay vốn tăng, kéo theo nhu cầu huy động vốn mạnh. Vì thế, mặt bằng lãi suất có khả năng sẽ biến chuyển theo hướng có lợi cho người gửi tiền.

MỚI - NÓNG