Lãi suất niêm yết một đằng…

Lãi suất niêm yết một đằng…
TP - Các ngân hàng thương mại niêm yết lãi suất một đằng nhưng thực hiện một nẻo. Hầu hết ngân hàng niêm yết lãi suất huy động ở mức 12%/năm với mọi thời hạn huy động, dù là một tháng hay 36 tháng. Ai cũng biết kỳ hạn càng dài lãi suất phải càng cao, cho nên lãi suất niêm yết đồng loạt cho mọi kỳ hạn là phi lý.

Lách luật hợp pháp

Lãi suất huy động thực thường thay đổi, từ 12-14%/năm, tùy vào sự mặc cả của hai bên.

Và lãi suất cho vay hẳn phải cao hơn, khoảng 14-17%/năm.

Tình hình căng thẳng giống như năm 2008, khi lạm phát lên rất cao, hoặc như đầu năm nay.

Tại sao có sự bất nhất giữa lời nói (lãi suất niêm yết) và việc làm (lãi suất huy động hay cho vay) như vậy? Việc này làm cho thị trường thiếu minh bạch, tạo ra sự nhập nhằng, tổn hại niềm tin và có hại cho sự phát triển của đất nước.

Nguyên nhân chính là sự không phù hợp của các quy định pháp lý với cơ chế thị trường, cũng như các biện pháp can thiệp hành chính, sự không nhất quán của các chính sách cũng như sự chỉ đạo không thống nhất của các cơ quan khác nhau.

Lãi suất huy động và lãi suất cho vay do cung-cầu quyết định, nhưng các quy định của chúng ta làm méo mó quan hệ thị trường này.

Đầu tiên là quy định trần lãi suất cho vay được quy định bởi luật dân sự. Theo đó, lãi suất cho vay tối đa không được quá 1,5 lần lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Lãi suất cơ bản vừa được nâng từ 8%/năm lên 9%/năm, khiến cho trần lãi suất cho vay là 13,5%/năm.

Cho vay trên mức đó có thể bị quy là vi phạm luật, nên buộc các ngân hàng phải vẽ ra đủ loại phí và vẫn ghi trên hợp đồng cho vay với lãi suất không quá 13,5%/năm. Nhưng nếu cộng các loại phí vào thì lãi suất thực có thể lên đến 15-17%/năm. Đấy là cách lách luật một cách hợp pháp của các ngân hàng.
Lỗi là do luật, chứ không phải do ngân hàng lách. Cách giải quyết tận gốc là phải sửa luật cho hợp với cuộc sống, chứ không phải gò cuộc sống theo luật tồi.

Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị rất đúng rằng phải thay đổi quy định này (sửa Luật Dân sự, hay bỏ lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng) nhưng không được Quốc hội chấp nhận. Như thế cơ quan lập pháp cũng phải chịu trách nhiệm về tình hình bất thường này.

Biết tình hình rắc rối với luật như thế nên đôi khi Ngân hàng Nhà nước đành phải ra quy định cho các ngân hàng thương mại được cho vay theo lãi suất thỏa thuận (thí dụ, theo một thông tư của Ngân hàng Nhà nước thì, từ 26-2-2010, các ngân hàng được cho vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận). Thực ra các quy định như vậy cũng có thể trái luật (cho phép vượt trần lãi suất). Vấn đề là phải bỏ trần lãi suất chứ không nên lách luật như vậy.

Niềm tin lung lay

Các biện pháp can thiệp hành chính vẫn được đưa ra thường xuyên. Thí dụ, Nghị quyết số 23 NQ-CP ngày 7-5-2010 của Chính phủ yêu cầu: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp phù hợp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay khoảng 12% và điều hành tỷ giá ở mức hợp lý”.

Trên cơ sở đó Hiệp hội Ngân hàng vận động các ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất từ ngày 15-10-2010. Ngày 16-10-2010 Vietcombank điều chỉnh giảm mạnh lãi suất cho vay Việt Nam đồng, mức điều chỉnh thấp nhất chỉ còn 11,5%/năm; lãi suất huy động của Vietcombank cũng được hạ xuống, thí dụ kỳ hạn từ một tháng đến dưới ba tháng thấp nhất là 10,8% năm nhưng không cao hơn 11%/năm.

Sự điều chỉnh giảm lãi suất của các ngân hàng chỉ mang tính phong trào để lấy “thành tích nghiêm túc tuân theo chỉ đạo”. Nhưng thực tiễn không phải vậy và lý do là sự bất hợp lý của yêu cầu trong Nghị quyết 23 nêu trên.

Thấy lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9%/năm, nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa có thông tư mới về lãi suất.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tuyên bố: Chính phủ đặt yêu cầu không giảm lãi suất nữa, Ngân hàng Nhà nước phải để các ngân hàng thương mại huy động và cho vay theo thị trường. Nói cách khác, tuyên bố này đã vô hiệu hóa yêu cầu của Nghị quyết 23 NQ-CP. Hậu quả là niềm tin của giới kinh doanh và người dân lung lay.

MỚI - NÓNG