Lãi suất tăng không đáng lo

Lãi suất tăng không đáng lo
Tại một số NH, LS huy động VND ở các kỳ hạn dài đã được đẩy lên đến 10%/năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là việc bình thường, LS đã có “đường cong”, gửi ngắn LS thấp, gửi dài LS cao. Các kỳ hạn 3-6 tháng LS trung bình chỉ 8-8,5%/năm.

Điều này cho thấy các NH đã nhận định mức lạm phát thời gian tới có thể cao hơn hiện nay, khi đó LS sẽ phải tăng theo.

Vì thế tranh thủ thời điểm này lạm phát đang ở mức thấp, các NH đẩy LS huy động dài hạn để thu hút vốn. Nếu NH huy động được nhiều vốn dài hạn, trong một vài năm tới nó sẽ là nguồn vốn rẻ.

Các NH cũng lường trước được tới đây khi LS tăng trở lại, những người đã gửi tiền dài hạn có thể cảm thấy bị thiệt thòi và sẽ rút vốn trước hạn. Vì thế cùng với việc mạnh tay tăng LS, một số NH ràng buộc người gửi không được rút vốn trước hạn, hoặc người gửi chỉ được hưởng LS cao nếu đáp ứng một số điều kiện.

Như NH An Bình LS lên đến 9,99%/năm nhưng khách hàng phải gửi tối thiểu 999 triệu đồng, kỳ hạn 369 ngày, hoặc gửi 99 triệu đồng trong 900 ngày. NH Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) tăng LS huy động cao nhất lên đến 9,8%/năm, kỳ hạn 36 tháng... Ngoài ra NH Nam Việt, NH Việt Á... cũng đã đưa mức LS huy động VND lên 9,7-10%/năm.

Theo ông Trần Xuân Huy - tổng giám đốc Sacombank, LS trên thị trường thể hiện nhu cầu vốn rất lớn, cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu phục hồi rất tốt. Nhiều NH dự đoán tiêu dùng của người dân sẽ khởi sắc nên đã đồng loạt tăng LS để đáp ứng nhu cầu này.

Mặc dù tăng LS nhưng nhiều NH thừa nhận tiền vào NH không như mong muốn. Theo một phó tổng giám đốc NH, người dân vẫn có xu hướng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn từ 3-6 tháng. Kỳ hạn này có LS 8-8,5%/năm nên không thể hấp dẫn bằng mức sinh lời của các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng.

Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB, cho rằng khi thị trường chứng khoán hồi phục, dòng tiền gửi sẽ chảy vào kênh chứng khoán nhưng không gây khó cho các NH vì lượng tiền này cũng nằm trên tài khoản NH. Trong năm tháng đầu năm 2009, huy động vốn của ACB vẫn có mức tăng trưởng nhanh với tổng huy động vốn đạt đến 98.532 tỉ đồng.

Trên thực tế, các NH quy mô nhỏ đang xếp hàng để chạy đua tăng LS huy động, trong khi các NH quy mô lớn có xu hướng cực chẳng đã mới tăng LS. Các NH quy mô lớn cho biết họ có lượng tài khoản tiền gửi thanh toán khá lớn, vì thế chỉ tăng LS khi mức LS của NH đã bị nhiều NH khác bỏ rơi phía sau.

Giữ VND lợi hơn

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến nay chênh lệch giữa LS huy động VND và USD rất lớn, có lợi cho những người giữ VND. Vì vậy dự báo thời gian tới đây tiền gửi VND tại các NH sẽ tăng nhanh hơn.

“Hiện nay nhiều người lo ngại nếu thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản nóng trở lại thì tốc độ tăng tiền gửi của các NH thương mại sẽ giảm. Nhưng theo tôi, sự hồi phục của hai thị trường này là rất tốt, mở ra cho dân chúng nhiều công cụ tài chính để lựa chọn đầu tư thay vì chỉ có kênh tiền gửi NH” - ông Nghĩa nói.

Hiện LS USD cao nhất chỉ còn 1,5%/năm trong khi VND là 8-9%/năm, như vậy giữ VND có lợi hơn nhiều vì người giữ USD chỉ được lợi khi tỉ giá tăng 7-8%. Trong tình hình hiện nay, khả năng này ít xảy ra.

Theo Mỹ Khanh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG