Lãi suất tăng: tại anh, tại ả...

Lãi suất tăng: tại anh, tại ả...
Trong khi người gửi tiền hoa mắt trước mức lãi suất huy động liên tục tăng, kỳ hạn 12 tháng lên đến 13,8%/năm, thì người vay lại "vàng mắt" khi có ngân hàng "hét" lãi suất cho vay đến 17%/năm.
Lãi suất tăng: tại anh, tại ả... ảnh 1

Cả người vay, người gửi và ngân hàng cùng nhau kích lãi suất, lợi ít nhưng mất nhiều khi nhiều hoạt động kinh tế có dấu hiệu đóng băng...

-----

"Cơn đói" tiền đồng đã tạm lắng sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước bơm tiền ra.

Nhìn lại, "cơn đói" trong những ngày qua đã bị đẩy lên cực đỉnh, gây khốn khó cho cả NH và doanh nghiệp sau khi thị trường xuất hiện tình trạng "té nước theo mưa" để hưởng lợi.

Sáng 22/2, ông N. - phó giám đốc phụ trách tín dụng của một NH tại TP.HCM - phải bỏ dở một cuộc họp quan trọng để tiếp ông A. - một vị khách VIP. Ông A đòi rút gần 20 tỉ đồng gửi tại NH với lý do lãi suất (LS) của NH này không còn hấp dẫn nữa, ông chuyển sang gửi NH khác với mức lãi cao hơn rất nhiều.

Khách gửi tiền "làm khó” NH

Mặc dù đã tăng LS tiết kiệm kỳ hạn ba tháng lên 1,2%/tháng nhưng ông A. cho biết có một NH khác chấp nhận trả 1,35%/tháng. Vì vậy, nhiều khách hàng đã phá bỏ hợp đồng, gây nhiều khó khăn cho NH.

Lãnh đạo một NH cổ phần cho biết mặc dù đã hai lần tăng LS nhưng NH này có thể phải tăng thêm khi có quá nhiều khách gửi tiền "hăm" rút tiền đi gửi nơi khác. Nếu cứ chạy đua theo đà này thì người gửi tiền rút tiền mà người vay cũng không vay nữa.

Không riêng gì những khách hàng gửi tiền cá nhân, nhiều doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi tạm thời gửi NH cũng bắt đầu "trả treo", làm giá LS. Anh Nguyễn Thanh P. - một nhà đầu tư lớn tại sàn chứng khoán TP.HCM - vừa rút gần 15 tỉ đồng từ một NH từng hỗ trợ anh khi đầu tư chứng khoán, để chuyển sang NH khác với mức LS thỏa thuận lên tới 1,3%/tháng, kỳ hạn một tháng, cao hơn nhiều so với mức LS mà anh nhận được từ NH cũ. Anh P. cho biết không ít nhà đầu tư đã bán chứng khoán vào đợt tăng giá đầu năm để tránh giảm giá và chuyển sang gửi tiền NH.

Nhiều lãnh đạo NH xác nhận không quá "đói" tiền đồng nhưng do khách hàng "làm dữ" quá nên họ đành phải tăng LS để phòng thủ. Nhưng chuyện "tiền chạy" sẽ sớm chấm dứt khi các NH nhìn thấy được hậu quả của việc chạy đua LS để giữ khách.

NH "bóp cổ" khách vay

Theo hợp đồng đã ký với khoản vay 1,5 tỉ đồng và đã được giải ngân một nửa, ngày 21-2, anh H. (Thủ Đức, TP.HCM) đến NH để nhận số còn lại. Tuy nhiên, nhân viên tín dụng của NH này lạnh lùng tuyên bố khoản vay của anh không được giải ngân vì NH... hết tiền. Mặc dù đã hết lời nhưng anh H. vẫn không nhận được tiền. Buổi chiều cùng ngày, anh H. được một nhân viên ở đây cho biết nếu muốn giải ngân phải chấp nhận LS mới, lên tới 1,45%/tháng, thay vì 1,05%/tháng theo như hợp đồng đã ký.

Nhiều khách hàng bị NH lấy lý do hết tiền đồng để ép tăng LS, dù hợp đồng đã ký. Anh T. (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết sau nhiều lần lên xuống NH và "trả treo" bất thành, anh buộc phải chấp nhận "lót tay" với nhân viên tín dụng để được giải ngân, tính ra vẫn rẻ hơn nhiều so với việc phải chấp nhận mức LS vay mới theo yêu cầu của NH. "Chính nhân viên ở một số NH cũng té nước theo mưa, làm khó khách hàng - để tăng LS hoặc được lót tay" - anh T. nói.

Trước tình trạng này, không ít doanh nghiệp quyết định không trả nợ NH, chấp nhận chịu LS phạt vì biết trả nợ vay rồi khó có thể vay lại, và nếu có vay lại thì LS vay mới sẽ cao hơn cả LS phạt. Cũng có thông tin cho biết do LS cho vay giữa các NH quá cao nên những NH dồi dào tiền đồng đã không "mặn" cho doanh nghiệp vay mà cho các NH vay để hưởng LS cao hơn.

NH châm dầu cho cuộc đua LS

Khách hàng hoa mắt trước nhiều tờ rơi quảng cáo tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng - Ảnh: Thanh Đạm

Những ngày gần đây, có một số NH đã liên tục tăng LS huy động. Có NH một vài ngày lại có LS huy động mới. LS huy động kỳ hạn 12 tháng đã được đẩy lên tới 13,8%/năm. Có NH chỉ trong một tháng tăng LS đến năm lần.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia NH, việc tăng LS liên tục chỉ rơi vào những NH qui mô nhỏ đang bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Các NH này chạy "đôn đáo" tìm vốn thông qua tăng LS tiết kiệm để hút khách gửi tiền của các NH khác và vay mượn NH bạn với LS cực cao. Mức LS của các NH này không phản ánh đúng mặt bằng LS chung.

Một chuyên gia cho rằng cuộc đua LS là hệ quả tất yếu của việc "bung" ra quá nhiều của những NH nhỏ, năng lực huy động kém nhưng muốn "lớn" nhanh. Các NH này cũng muốn "bằng chị bằng em" về qui mô vốn vay dư nợ cho vay. Thế nhưng, do dư nợ huy động không tăng theo kịp, các NH này đã vay ngắn hạn trên thị trường liên NH để cho vay. Trong khi vốn vay trên thị trường này chủ yếu là "qua đêm" nhằm đảm bảo khả năng thanh toán cho NH. Do vậy, khi NH Nhà nước tăng dự trữ bắt buộc và bắt buộc mua tín phiếu, các NH thừa tiền đã không cho vay liên NH khiến các NH nhỏ bị "hụt hơi" và phải lao vào cuộc đua tăng LS.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - vụ trưởng Vụ Chiến lược NH Nhà nước, các NH nhỏ thiếu hụt VND là do phải nộp dự trữ bắt buộc, trong khi trên thị trường mở mặc dù NH Nhà nước có bơm tiền ra nhưng không phải NH nào cũng vay được. Nguyên nhân là các NH nhỏ từ lâu không quan tâm dự trữ giấy tờ có giá (trái phiếu chính phủ, tín phiếu...) để dùng vay tiền từ NH Nhà nước.

Theo H.Đăng - Mai Thảo
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.