Lãi suất thấp - con dao hai lưỡi

Lãi suất thấp - con dao hai lưỡi
TP - Được hỗ trợ lãi suất vay và giảm lãi suất cơ bản khiến cả người đi vay (doanh nghiệp) lẫn kẻ cho vay (ngân hàng) vừa mừng vừa lo.
Lãi suất thấp - con dao hai lưỡi ảnh 1
DN sẽ dễ tiến cập vốn ngân hàng hơn

Từ 1/2/2009, doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ lãi suất 4%/năm, lãi suất cơ bản (LSCB) chỉ còn 7%/năm.

Hoan hô

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội DN TPHCM cho rằng Nhà nước hỗ trợ DN lãi suất 4%/năm vào thời điểm này không chỉ giúp DN giảm gánh nặng về vốn mà còn có ý nghĩa động viên DN.

Bà Trần Hoàng Oanh, Chủ tịch HĐQT Cty Dệt may Phú Oanh (Q. Tân Phú, TPHCM) tính toán: “Nếu được hỗ trợ lãi suất thì thay vì phải trả lãi NH 10%/năm, chúng tôi chỉ còn trả 6%/năm. Với số tiền vay thường xuyên gần 10 tỷ đồng, hàng năm DN tiết kiệm được khoảng 400 triệu đồng.

Phó GĐ một Cty nhựa tại Q. năm (TPHCM) cho biết với lãi suất vay khoảng 6-7% thì mỗi sản phẩm làm ra DN ông giảm được 300-500 đồng, dễ thuyết phục bạn hàng tại Lào và Campuchia hơn. Nhiều doanh nhân vui mừng kép vì không những được hỗ trợ lãi suất mà LSCB cũng giảm từ 8,5%/năm xuống còn 7%/năm.

TS Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng TPHCM) phân tích: “Với các DN thuộc diện được hỗ trợ, từ ngày 1/2, họ được giảm tới 5,5% so với lãi suất hiện nay. Đây là mức giảm khá đáng kể khi cứ vay một tỷ nhiều DN chỉ phải trả lãi chưa đến 50% so với tháng 1/2009”.

Nhiều NH cũng thở phào khi LSCB giảm, DN được hỗ trợ lãi suất. TS Nguyễn Đức Hưởng, Tổng GĐ NH Liên Việt nhận định nhiều NH sẽ có đầu ra cho nguồn vốn đang dư thừa bởi DN sẽ mạnh dạn vay hơn khi LS cho vay từ trên 10%/năm chỉ còn một nửa do LSCB và hỗ trợ lãi suất cùng có hiệu lực từ 1/2.

Được NHNN chấp thuận cho vay lãi thỏa thuận đối với một số nhu cầu, ông Trần Phương Bình, Tổng GĐ NH Đông Á, cho hay đây là điều mà nhiều NH mong mỏi từ lâu, nhất là việc cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng.

Ông Bình phân tích: “Cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng có độ rủi ro cao hơn các nghiệp vụ khác, phí quản lý cao, khách hàng cũng có nhu cầu lớn nên họ chấp nhận vay với lãi suất cao. NHNN cởi trói thì các NH thương mại mới mở rộng các dịch vụ trên được”.

Sau khi NHNN bật đèn xanh, nhiều NH thương mại lên kế hoạch đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng ngay từ tháng 2/2009 với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn.

Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định việc mở lại cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận là hướng tháo gỡ khó khăn cho các NH thương mại phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng vốn bị thắt chặt trong suốt thời gian qua.

Vay rồi để làm gì?

Theo quyết định của Thủ tướng, có 13 ngành, lĩnh vực không thuộc diện được hỗ trợ lãi suất. Đó là ngành công nghiệp khai thác mỏ; hoạt động tài chính; Ngành quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, Đảng, đoàn thể, bảo đảm xã hội bắt buộc; đầu tư và kinh doanh chứng khoán; kinh doanh bất động sản dưới hình thức mua, bán quyền sử dụng đất…

GS TS Trần Ngọc Thơ (ĐH Kinh tế TPHCM) đánh giá: “Chống suy thoái kinh tế đâu chỉ cần đến tiền”. Ông Thơ khẳng định điều cần thiết nhất lúc này là tạo dựng niềm tin để DN dám bỏ tiền ra làm ăn.

Nhiều DN cũng phản ánh với chúng tôi: Điều họ lo ngại nhất hiện nay là không biết tình hình vài tháng nữa sẽ ra sao để lên kế hoạch kinh doanh, sản xuất.

Ông Vũ Hoàng Minh, GĐ Cty Xây dựng Minh Hoàng (Q.3, TPHCM) e ngại với những thủ tục rắc rối, giá cả lên xuống thất thường, thời gian vay ưu đãi trong tám tháng… thì DN rất khó hoạch định kế hoạch làm ăn.

Ông Minh dẫn chứng: “Mỗi công trình ít nhất 2 – 3 năm mới hoàn thành nhưng chỉ được vay ưu đãi có tám tháng, chưa kể thời gian làm hồ sơ thì hơi ngắn”.

Với các DN giày da, dệt may, cái họ cần nhất là đơn hàng chứ chưa phải là tiền. Ông Nguyễn Đức Hoan đang lo ngại, với tình hình hiện nay, nhiều DN chưa có đơn hàng mới thì dù lãi suất có hạ nữa họ cũng không dám vay vì vay để làm gì.

Bên cạnh những e ngại của DN, ngành NH cũng có nỗi lo lãi suất hạ. Ông Nguyễn Đức Hưởng dự báo khó khăn của ngành NH sẽ lên đến đỉnh điểm vào giữa năm 2009. LSCB giảm sẽ khiến những NH từng huy động vốn với lãi suất cao nhất nhì thị trường sẽ hứng chịu nhiều khó khăn nhất, nợ xấu có khả năng gia tăng.

TS kinh tế Đoàn Ngọc Long còn khuyến cáo: “Lãi suất thấp sẽ là con dao hai lưỡi nếu DN lạm dụng, NH duyệt vay dễ dãi. Riêng việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng sẽ tăng các khoản nợ xấu, nguy cơ lạm phát, khuyến khích xài trước trả nợ sau dẫn đến khả năng mất thanh toán của nhiều khách hàng”.  

MỚI - NÓNG