Lãi suất tiền gửi USD có biến động?

Lãi suất tiền gửi USD có biến động?
Quyết định phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ có hai vấn đề: Có thành công hay không và ảnh hưởng thế nào đến mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi USD của các tổ chức tín dụng?

Diễn biến tình hình có dấu hiệu xấu hơn so với dự báo và dự toán ngân sách VN vào cuối năm 2008. Cân đối ngân sách quốc gia có thể có những khó khăn trong năm 2009 khi chi vẫn phải được thực hiện theo chương trình kế hoạch mà các nguồn thu không đảm bảo.

Gói kích cầu hiện nay của VN (nếu tính cả khoản tiền năm 2008 chuyển sang và tạm ứng cho năm 2010) cho các khoản dãn, giảm thuế, các khoản tài trợ LS, đầu tư công từ ngân sách... sẽ vào khoảng 6 tỉ USD, chiếm khoảng 6% GDP.

Vì vậy, đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) bằng nội tệ và ngoại tệ là một trong những biện pháp vay trong nước để đầu tư cho các dự án trọng điểm và bù đắp thâm hụt ngân sách một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, phát hành trái phiếu ngoại tệ còn là cách giúp thu hút nguồn ngoại tệ bù đắp dự trữ ngoại hối, hỗ trợ ổn định tỉ giá trong bối cảnh VN thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại kéo dài. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng việc phát hành TPCP có thể làm tăng nợ Chính phủ do rủi ro về tỉ giá.

Ví dụ, hiện nay 1 triệu USD giá niêm yết của NHTM là 17,483 tỉ đồng, nhưng sau 1 - 3 năm, tỉ giá này có thể cao hơn (ví dụ, đến mức 18.500 đồng/1USD) thì Chính phủ phải bỏ thêm 1,017 tỉ đồng để mua 1 triệu USD thanh toán trái phiếu (gốc và lãi) khi đến hạn.

Không ảnh hưởng nhiều đến LS thương mại

Theo Bộ Tài chính, có 4 loại LS trái phiếu gồm: Trái phiếu có LS cố định áp dụng cho cả kỳ hạn; LS đặt thầu được tính theo tỉ lệ phần trăm (%); LS trần do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định; LS trúng thầu được xác định trên cơ sở kết quả đấu thầu. Điều quan tâm hiện nay của dư luận là LS trái phiếu ngoại tệ sẽ ảnh hưởng thế nào đến LS huy động USD của các TCTD? Tuy câu trả lời sẽ còn phụ thuộc ít nhiều vào mức LS trái phiếu được công bố vào ngày 18.3 tới, nhưng có thể nhận định là không ảnh hưởng nhiều.

LS trái phiếu dù thấp hay cao hơn mức LS huy động USD cùng kỳ hạn của các NHTM hiện nay (đang từ 3-3,5%/năm) cũng không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng LS huy động USD của các TCTD, vì nguồn vốn huy động của các TCTD khá dồi dào, trong khi đó việc sử dụng vốn huy động USD để cho vay lại hạn chế. Nguyên nhân khách hàng chọn vay VND vì LS vay VND thông thường cũng không cao hơn nhiều so với LS vay USD (10-15%/năm so với 6-7,2%/năm). Đó là chưa kể các đối tượng vay vốn lưu động VND được hỗ trợ LS chỉ còn từ 6-6,5%/năm.

Bên cạnh đó, trị giá phát hành TPCP đợt 1/2009 khá nhỏ - chỉ 300 triệu USD, cũng không ảnh hưởng lắm đến số dư tiền gửi ngoại tệ hiện có của các TCTD. Vì vậy, LS TPCP bằng ngoại tệ lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng LS huy động USD của các TCTD. Tác động (nếu có) ở đây là thay vì tiếp tục xu hướng giảm nhẹ LS huy động USD như thời gian gần đây thì các TCTD sẽ giữ tương đối ổn định như mức LS hiện hành.

Liệu có thành công?

Đây là câu hỏi tương đối khó trả lời trong bối cảnh hiện nay. Mua trái phiếu bằng ngoại tệ của Chính phủ có nhiều ưu điểm: Mức độ rủi ro thanh toán bằng không (0%); chủ sở hữu trái phiếu sẽ được quyền chuyển nhượng, tặng, thừa kế, hoặc sử dụng để cầm cố trong các quan hệ tín dụng...

Một khía cạnh đáng lưu ý nữa, mua trái phiếu ngoại tệ là bảo đảm an toàn vốn theo kỳ vọng của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến quyết định mua trái phiếu ngoại tệ của các NĐT như: LS trái phiếu ngoại tệ nếu thấp hơn LS tiền gửi tại NH sẽ không hấp dẫn; kỳ hạn khá dài 1-3 năm không thích hợp lắm với chiến lược chuyển đổi danh mục đầu tư khi có cơ hội (giữa các kênh đầu tư CK, ngoại tệ, vàng, BĐS...) của một bộ phận các NĐT, trong khi đó các NH thì hạn chế nguồn vốn ngoại tệ trung hạn để mua trái phiếu; chủ sở hữu trái phiếu phải kê khai và nộp thuế đối với lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật hiện hành, trong khi gửi tiền tiết kiệm thì không phải nộp thuế đối với lãi tiết kiệm. Kết quả mua trái phiếu ngoại tệ cũng còn phụ thuộc vào kỳ vọng tỉ giá của NĐT trong tương lai...

Như vậy, mức độ thành công của đợt phát hành TPCP bằng ngoại tệ đợt 1 của năm 2009 vẫn là câu trả lời để ngỏ.

Theo Trịnh Ngọc Lan
Lao động

MỚI - NÓNG