Lãi suất: Trần mới, chuyện cũ

Lãi suất: Trần mới, chuyện cũ
Các ngân hàng (NH) đã áp dụng trần lãi suất (LS) huy động mới là 12%/năm, thay cho trần LS 11%. Theo các NH, trần LS huy động mới cao hơn cũng chưa thể giải quyết những khó khăn của các NH và giúp ổn định thị trường tiền tệ.

Không như trước, lần này các NH thương mại nhà nước đã nhanh tay tăng LS theo trần mới. Đó là khó khăn lớn cho các NH nhỏ vì họ chưa có tiếng tăm để thu hút người dân đến gửi tiền khi giữa họ và NH lớn có cùng một mức LS.

LS trở lại mức cũ

Sau khi áp dụng mức LS mới, nhiều NH đã đưa ra dự báo: lượng tiền gửi vẫn không khả quan hơn, các NH tiếp tục đối mặt với sự tụt giảm lượng tiền gửi.

Thực tế trong hơn một tháng qua, lượng tiền gửi ở hầu hết NH đều giảm. Mức LS 12%/năm thật ra chỉ là trở lại mức LS mà NH đã áp dụng trước đầu tháng 4/2008. Tuy nhiên, trần LS lại hụt hơi trước mức tăng của chỉ số giá.

Tháng 4/2008, chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 2,2%, đưa mức của cả bốn tháng đầu năm lên 11,6%, trong khi trần LS cũng chỉ tăng được 1%, lên 12%/năm, không đủ sức kéo người dân đưa tiền gửi trở lại NH.

Tiền từ ngân hàng chạy ra tiệm vàng

Thông tin từ các NH cho biết hoạt động huy động và cho vay ngoài NH đang phát triển mạnh, đặc biệt là ở các tiệm vàng.

Người dân có tiền thay vì gửi NH với LS cao nhất chỉ 1%/tháng, có thể cho tiệm vàng vay để nơi này cho vay lại. Những NH bị tiền chạy ra tiệm vàng cho biết tình hình này không chỉ diễn ra ở thành thị mà mạnh nhất là ở khu vực ĐBSCL.

Hoạt động tín dụng ở các tiệm vàng đã đáp ứng được nhu cầu của người gửi là LS cao hơn, với người vay thì vay được tiền vì trên thực tế nhiều NH đã dừng cho vay, chủ yếu chỉ thu nợ do không còn tiền cho vay, đồng thời giảm dư nợ theo chỉ tiêu do NH Nhà nước ấn định.

Tuy nhiên, hoạt động vay mượn này có nhiều rủi ro cho người cho vay và người gửi tiền.

Một số NH cho rằng nới trần LS là đúng nhưng cũng phải tính đến phương án sớm bỏ trần LS, để LS cho thị trường quyết định. "Một mức LS như nhau thì chẳng có gì để người gửi tiền lựa chọn" - một giám đốc NH nói.

Về phía người vay cũng chẳng được lợi gì từ việc tăng LS. Với người vay, trong tình hình tiền mặt khan hiếm, điều mà họ quan tâm nhất là được vay vốn từ NH. Thế nhưng, do LS huy động không đủ hấp dẫn người gửi tiền thì NH cũng chẳng có vốn để cho vay.

Nóng bỏng chuyện LS chung ngoài

Các NH vẫn đang cần tiền nhưng lại không được công khai tăng LS để huy động vốn. Vì thế giữa các NH đang râm ran những câu chuyện vận động "tiền chạy" và làm cách nào để giữ tiền không chạy. Biết rõ NH đang cần vốn nhưng không thể tăng LS huy động, một số doanh nghiệp có lượng vốn lớn đã thương lượng với NH để có được mức LS cao hơn.

Chưa kể vì cần vốn, không ít NH đã chủ động chào mời doanh nghiệp, người gửi tiền rút tiền ở NH khác mang tiền về gửi với cam kết sẽ trả thêm LS ngoài mức LS đã được công khai trả theo trần LS huy động. Với nhiều NH, khoản trả thêm ngoài trần LS đang được xem là chiêu cạnh tranh hiệu quả trong thời buổi phải huy động vốn theo trần LS.

Tình hình này khiến những NH nghiêm túc liên tục bị mất vốn. Một phó tổng giám đốc NH cổ phần phụ trách nguồn vốn kêu trời trước sức ép của nội bộ đề nghị phải linh hoạt, "làm gì đi chứ" để lách trần LS nhằm giữ vốn.

Một lãnh đạo NH cổ phần cho biết một số kế toán trưởng của các công ty, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, đang được đưa vào tầm ngắm của cuộc vận động này.

Đã có những công ty bảo hiểm nắm giữ nguồn tiền mặt khổng lồ đặt điều kiện gửi tiền cho NH, đổi lại NH phải chung ngoài LS một khoản tiền lên đến 3-4%.

Với các NH, nếu cộng cả LS và khoản chung chi ngoài cũng chỉ khoảng 12-13%, rẻ hơn nhiều so với phải đi vay trên thị trường liên NH với LS không dưới 20%/năm. Cũng theo lãnh đạo NH này thì NH vẫn có thể làm những "thao tác" để hợp thức hóa khoản tiền trả thêm ngoài LS này.

Một hình thức khác để lách trần LS đó là những hợp đồng ủy thác cho vay. Theo đó, doanh nghiệp đưa tiền cho NH, NH sẽ cho vay theo những danh mục với mức LS khác nhau. LS theo hợp đồng này cao hơn so với trần LS mà các NH đang phải áp dụng. Thế nhưng, chỉ có những khách hàng có số tiền lớn mới có thể "nói chuyện" với NH để được hưởng LS cao hơn.

Hàng loạt hình thức gửi tiền biến tướng này đã làm méo mó hoạt động huy động vốn của các NH. Trên thực tế LS cũng được tính đủ vào cho người vay.

Theo T. Tuyền
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG