Lãi suất và giá vàng đều giảm

Lãi suất và giá vàng đều giảm
TP - Sau những thông tin Ngân hàng nhà nước (NHNN) gia hạn thời gian huy động, cho vay vàng của ngân hàng thương mại đến 30-6-2013 và đề xuất đánh thuế vàng, hôm qua lãi suất gửi vàng và giá vàng đều hạ.

> Hàng nóng’ hại đời các ông lớn

Ngân hàng lại đủng đỉnh huy động vàng

Đầu giờ sáng 29-10, Ngân hàng Á Châu (ACB) vẫn huy động vàng với lãi suất 1,4-1,6%/năm. Khách hàng gửi tiết kiệm từ 30 lượng vàng trở lên sẽ được hưởng lãi suất tối đa 1,6%/năm.

Nhưng đến 13h chiều cùng ngày, ACB đã giảm mạnh lãi suất huy động vàng xuống còn 0,5%/năm, áp dụng với vàng SJC và vàng của ACB. Ngân hàng ACB huy động dưới hình thức chứng chỉ huy động vàng kèm quyền chọn 1-3 tháng.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết: “Lãi suất huy động vàng giảm mạnh do ngân hàng đã mua gần đủ, cân bằng trạng thái.

Trong khi lại được NHNN gia hạn huy động vàng đến tháng 6-2013, nên áp lực thanh khoản vàng cũng giảm. ACB dự tính vẫn sẽ tất toán vàng đúng ngày 25-11-2012”.

Còn Eximbank đã thực hiện Chương trình “kỳ hạn vàng, ưu đãi vàng” từ 25-10, khi lãnh đạo NHNN bật đèn xanh gia hạn, với lãi suất từ 1,4- 1,6%/năm, kỳ hạn 3 tuần.

Trong đó, từ 5 lượng vàng trở lên được hưởng lãi 1,6%/năm. Còn lãi suất huy động vàng thông thường vẫn ở mức 0,5%/năm.

Trong khi đó, hôm qua Ngân hàng Phương Nam vẫn trả lãi suất gửi vàng từ 1-2,5%/năm, tùy số lượng và thời hạn gửi. Đây là mức lãi suất cao nhất trong nhóm các ngân hàng đang phải mua vàng bù đắp thanh khoản.

Điều này cho thấy, ngân hàng này vẫn đang gặp khó khăn về thanh khoản vàng. Còn hai Ngân hàng Sacombank, Techcombank đã dừng huy động vàng do cân bằng được trạng thái.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc NHNN cho biết: “Một số ngân hàng vẫn đang phát hành chứng chỉ huy động vàng trên thị trường là theo kế hoạch được duyệt trước đó (không quá 25-11-2012). Còn đến thời điểm 25-11, nếu ngân hàng nào vẫn chưa mua đủ số lượng vàng để trả cho dân, thì muốn huy động tiếp phải báo cáo NHNN kế hoạch phát hành chứng chỉ huy động vàng kỳ hạn ngắn, trình NHNN và được duyệt mới được huy động tiếp, nhưng cũng không vượt quá 30-6-2013”.

Không nên cho huy động vàng ồ ạt

Một cán bộ ngân hàng thương mại cho hay, với việc gia hạn huy động vàng lần này, NHNN đã “cứu” bàn thua lỗ của nhiều ngân hàng có trạng thái vàng âm lớn.

Hiện còn khoảng 3 ngân hàng còn thiếu hụt khoảng 8 tấn. Và cả hệ thống còn thiếu hụt 20 tấn. Nếu cứ ép các ngân hàng này phải mua đủ số vàng thiếu hụt, trong thời điểm giá vàng cao này sẽ khiến những ngân hàng này lỗ nặng.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN không nên gia hạn thời hạn huy động vàng. Nếu có gia hạn cũng chỉ thêm 3 tháng để tất toán trạng thái âm là hợp lý.

Việc cho phép các ngân hàng được phát hành chứng chỉ huy động vàng có thể giải quyết phần nào cân bằng trạng thái âm. Nhưng trong lúc này, NHNN chưa nên vội vã cho các ngân hàng thực hiện việc này.

Vì mục đích không gia hạn huy động vàng là nhằm thu hẹp quy mô hoạt động giao dịch vàng, nhưng cho phép phát hành chứng chỉ vàng thì chẳng khác nào làm ngược lại.

“Đáng lẽ, NHNN đặt ra thời hạn chót để tất toán vàng, bằng bất cứ giá nào (chấp nhận mua vàng lỗ) thì các ngân hàng thương mại vẫn phải làm. Còn ngân hàng nào không chịu tuân thủ thì có biện pháp hành chính như xử phạt và phải phạt mạnh”. Ông Hiếu nói.

Vàng giảm giá trái chiều, dân hoang mang

Sáng 29 -10, anh Đình Hưng (Ba Đình, Hà Nội) đem 5 cây vàng đi bán tại chi nhánh Công ty SJC miền Bắc, vì sợ vàng sẽ giảm tiếp do dân lo ngại bị đánh thuế. “Tôi không hiểu họ sẽ nghiên cứu đánh thuế kiểu gì, nên mang bán cho lành”.

Cũng tại cửa hàng SJC miền Bắc, chị Bích Hồng (Hoàng Mai, Hà Nội) đem 10 cây vàng SJC đi bán chốt lời.

“Tôi mua lúc 44 triệu đồng/lượng, bây giờ thấy giá đang xuống nên quyết định bán, vì với nhiều thông tin từ phía NHNN, tôi sợ giá vàng sẽ xuống nữa”.

Thời điểm anh Hưng, chị Hồng bán vàng, Cty SJC miền Bắc niêm yết giá: 46,15 - 46,30 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra (giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước).

Tại nhiều đại lý vàng SJC, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm lượng bán ra so với giá SJC niêm yết.

Cụ thể, Tập đoàn Doji niêm yết: 46,18 triệu đồng/lượng mua vào 46,28 triệu đồng/lượng bán ra; cửa hàng vàng Phú Quý: 46,12- 46, 26 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức: 1.715,1 USD/ounce, tăng hơn 2,5 USD/ounce so với cuối tuần trước. Mức giá này quy đổi tương đương khoảng 43,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 3,2 triệu đồng/lượng.

Lý giải cho sự giảm giá bất thường này, đại diện nhiều cửa hàng cho rằng, do lượng giao dịch ảm đạm nên điều chỉnh giá giảm.

 Thế giới đang tích trữ vàng trong bối cảnh đồng tiền mất giá. Nếu NHNN đánh thuế để hạn chế người dân giữ vàng, có thể phản tác dụng. Bởi tích trữ vàng là nhu cầu của dân bao đời nay, nó là tài sản an toàn. 

Một chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng chia sẻ: “Thời điểm này, lượng khách mua, bán thưa thớt bởi thời gian vừa qua thông tin về vàng nhái, đánh thuế khiến tâm lý khách hàng hoang mang. Nhiều nhà đầu tư chờ xem chính sách can thiệp vào thị trường vàng của NHNN ra sao để tiếp tục đầu tư hay không. Giới đầu tư vẫn kỳ vọng nếu như NHNN can thiệp một cách đúng đắn thì giá vàng sẽ phải hạ hàng triệu đồng mỗi lượng, chứ không phải vài chục nghìn như bây giờ”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Minh Phong phân tích: “Riêng việc để giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng cũng đã như một khoản thuế lớn mà người dân phải chịu rồi. Nếu NHNN đánh thuế sẽ thành lạm dụng vì bản chất vàng vừa là hàng hóa, vừa là tiền tệ. Không một nhà nước nào đánh thuế vào tiền tệ cả”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.