Lãi suất VND tăng: Thận trọng với 'cầu' thương mại

Lãi suất VND tăng: Thận trọng với 'cầu' thương mại
Nếu xếp theo thứ tự "nóng" trên thị trường tài chính thời gian qua thì đứng đầu là thị trường chứng khoán, thứ nhì là lãi suất huy động VND đang tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn.

Đến tuần qua, ít NH nào còn có thể ngồi yên nhìn các NH khác tăng LS huy động VND. Cách đây khoảng nửa tháng việc tăng LS chỉ áp dụng cho các kỳ hạn tiền gửi trên 12 tháng thì nay nhiều NH đã điều chỉnh tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tuần đến 36 tháng.

Một câu hỏi đang được đặt ra: Tại sao? Câu trả lời đơn giản nhất là nhu cầu giải ngân cao đã khiến các NH phải tăng LS để thu hút vốn. Kể từ khi triển khai chương trình cho vay HTLS, tổng dư nợ cho vay của hệ thống NH tăng lên nhanh chóng, đặc biệt từ tháng 3 trở đi đạt hơn 4% mỗi tháng.

Tốc độ tăng vốn huy động đã không theo kịp tốc độ tăng dư nợ. Đến cuối tháng 5, tổng vốn huy động của hệ thống ước tăng 13%, trong khi tốc độ tăng dư nợ là trên 15%. Đặc biệt khoảng cách giữa tốc độ tăng tiền gửi VND và dư nợ VND còn cao hơn (4%). Cân đối giữa vốn huy động và dư nợ cho vay dễ dàng cho thấy sức ép lên LS huy động VND.

"Cầu" phục vụ cho những lĩnh vực "nóng"?

Về cơ bản thì việc tăng trưởng tín dụng là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm và thực hiện chủ trương kích cầu. Hiệu quả của tăng trưởng tín dụng đã thể hiện rõ nét qua những chuyển biến biến tích cực của kinh tế trong nước trong tháng 5/2009 (tăng trưởng các ngành sản xuất; xuất nhập khẩu tăng, tổng thu cân đối NSNN 5 tháng đầu năm ước đạt 40,1% dự toán).

Tuy nhiên, hiện tượng đồng loạt các NHTM điều chỉnh tăng mạnh LS huy động VND tại thời điểm này cũng có một số vấn đề phải quan tâm theo dõi.

Như chúng ta đã biết: Lãi suất huy động = lãi suất thực + tỉ lệ lạm phát. Lãi suất cho vay </= (nhỏ hơn hoặc bằng) tỉ suất lợi nhuận bình quân. LS phụ thuộc vào quan hệ cung-cầu vốn vay trên thị trường và LS cho vay cao nhất là vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế (do rủi ro cao). Vậy tỉ suất lợi nhuận bình quân hiện nay là bao nhiêu?

Nếu cho rằng 8% thì sẽ thấy tình hình sau: NHTM cho vay 10,5%, Chính phủ HTLS 4% nên DN thực trả 6,5% < 8%. Từ đó suy ra DN vay vốn kinh doanh sẽ có lợi. Nhưng nay các yếu tố liên quan đến hoạt động SXKD của DN chưa thay đổi nhiều, chỉ có LS thay đổi thì phần lãi vay mà DN phải trả dần dần tiệm cận với tỉ suất lợi nhuận bình quân của ngành kinh tế, của nền kinh tế.

Đi vay mà không có lợi thì DN vay làm gì? Đặc điểm của DN VN là vốn vay NH chiếm tỉ trọng cao, có khi đến 100% phương án kinh doanh của DN, chứ không thuần túy bổ sung phần vốn thiếu hụt như lý thuyết tài chính. Thường trong trường hợp phải vay với lãi suất quá cao, DN chỉ vay để hoàn tất phương án kinh doanh đang dở dang, với mục đích dù bị lỗ còn hơn là mất trắng...

Vậy lãi suất huy động VND tăng là do đâu? Có thể có mấy nguyên nhân sau:

(i) Khách hàng vay có nhu cầu vốn cao vì có thị trường tiêu thụ, cần vốn để mở rộng quy mô SX, chuẩn bị cho thời kỳ hồi phục kinh tế.

(ii) Lợi nhuận cao nên chấp nhận vay vốn với LS cao hơn.Nếu câu trả lời này là đúng thì trong tình hình này, ngành nghề, lĩnh vực nào chịu đựng được LS cao? Quá dễ dự đoán đó là: Kinh doanh CK, vàng bạc, cầm đồ... Và nhu cầu vốn này đang núp dưới hình thức tín dụng tiêu dùng vì NHNN vẫn yêu cầu các TCTD phải kiểm soát chặt chẽ cho vay kinh doanh BĐS và cho vay kinh doanh CK.

(iii) Nếu dự đoán trên là sai thì có lý do LS huy động VND cao bởi nội tại của một số NH huy động có tiềm ẩn rủi ro về thanh khoản.

Thận trọng với "cầu" thương mại

Với bối cảnh kinh tế trong nước và thị trường quốc tế hiện nay cầu tín dụng tăng cho SX-KD là chưa nhiều đến mức làm cho LS huy động tăng bùng phát. Cầu tiêu dùng thật sự cho những nhu cầu tiêu dùng phục vụ đời sống cũng không lớn đến mức đó (thông qua doanh số chu chuyển hàng hóa trong XH, qua doanh số bán của các DN...). Tăng nóng chỉ có cầu phục vụ cho nhu cầu thương mại trong những lĩnh vực nóng (chỉ mang tính chất mua bán lại) như vàng bạc, CK và một phần đổ vào TT BĐS.

Theo thông tin thì đến cuối tháng 4/2009, dư nợ cho vay CK của các NHTM là 7.157 tỉ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2008, chiếm 0,5% tổng dư nợ và tương đương 4,4% tổng VĐL của các TCTD VN (giới hạn được phép là 20%/tổng VĐL).

Cùng thời gian, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS là 148.451 tỉ đồng, giảm gần 12% so với cuối năm 2008, chiếm 10,5% tổng dư nợ. Tính chung 2 khoản cho vay trên hiện chiếm 11% tổng dư nợ.

Nếu chỉ đơn thuần về mặt số học thì tỉ lệ như vậy là rất an toàn, nhưng nên lưu ý là số dư mới chỉ tính đến cuối tháng 4.2009, mà tháng 5 là tháng bùng nổ của TTCK và thị trường BĐS cũng đang đang dần tăng độ nóng.

Mặt khác, có thể rất nhiều khoản cho vay với các mục đích khác, đặc biệt vay tiêu dùng và cho vay thấu chi qua thẻ đang được dùng cho mục đích kinh doanh BĐS và CK. Liên quan đến vấn đề này, theo một chuyên gia kinh tế, về vĩ mô, điều này sẽ làm tăng rủi ro vì nợ  xấu tăng lên. Do đó, cần xem xét khả năng giám sát điều chỉnh của Nhà nước.

Vì vậy, theo dõi tình hình tăng LS huy động VND của các NHTM và kiểm soát chặt chẽ hướng đi của các nguồn vốn là việc cần làm.

Theo Cẩm Vân - Đại An
Lao Động

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.