Lại trúng đậm kỳ nam

Lại trúng đậm kỳ nam
TP - Sớm ngày 17/4, tin về nhóm thợ trầm ở làng Song Bình xã Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam trúng hàng chục ký kỳ nam – một thứ sản vật quý cùng loại với trầm hương - và đã bán được nhiều tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận.
Lại trúng đậm kỳ nam ảnh 1
Anh Bình với mẩu kỳ nam quý giá trên tay

Thời điểm này năm ngoái, tại làng Mỹ Hảo (xã Đại Phong) đã có 4 thanh niên trúng hàng trăm ký kỳ nam, bán được cả trăm tỷ đồng...

Sáng qua, khi chúng tôi về Song Bình, khung cảnh vẫn bình lặng như mọi khi. Làng vắng bóng người, vì vừa qua vụ gặt, người trong làng đã đổ xô đi làm thuê, chủ yếu vào rừng tìm vận may từ trầm.

Ghé một nhà dân trong làng, chúng tôi được xác nhận thông tin rằng nhóm trúng kỳ nam mới mang hàng về làng lúc rạng sáng, và đã bán ngay một phần được 1,2 tỷ đồng.

Ghé nhà anh Nguyễn Thanh Tuấn – một người trong nhóm trúng kỳ nam, nghe chị vợ bảo anh “đã đi vắng”. Trong số người đang vui vẻ uống bia tại nhà Tuấn, có người anh họ của Tuấn là anh Nguyễn Xuân Bình, cũng là một trong 7 người vừa đào được kỳ nam. Vẻ dè dặt, anh Bình thừa nhận có việc trúng kỳ nam.

Anh kể: Nhóm đi trầm gồm 11 người, chuyến đi đã kéo dài tròn 1 tháng, tại vùng rừng tỉnh Đắc Lắc. “Thần tài” phù hộ cho họ đã gặp được gốc dó rục tụ kỳ nam. Nên nhớ hàng ngàn người “ngậm ngải tìm trầm” cả đời, vô số đã chết bỏ xác, nhưng số người gặp được trầm đã hiếm, số gặp được kỳ nam thì chỉ tính vài đầu ngón tay.

Cả nhóm mừng rỡ, 7 người gồm Tuấn, Bình, Hiền, Hải, Khánh, Nỉ và Sum ôm số kỳ nam thu được cắt rừng về làng, và để  4 người ở lại mót cho hết gốc dó.

Cụ thể số lượng kỳ nam thu được anh Bình không tiết lộ. Nhưng tin từ giới sành nghề buôn trầm kỳ ở Đà Nẵng cho biết số lượng sau khi làm sạch (đất cát, vỏ cây) là khoảng trên 9 kg, và đã bán một phần được mấy tỷ đồng. 

Anh Trương Mười-Một người dân trong làng đang ngồi chia vui với gia đình Tuấn-nói: “Tôi 53 tuổi đầu, đi trầm 20 năm từ năm 1979 mà có thấy mặt mũi trầm kỳ ở mô.

Như thằng Bình “râu” này, đi 22 năm trong rừng, nhà cửa vẫn “xơ xác mướp”, giờ mới gặp may. Còn thằng Tuấn này 32 tuổi, đi trầm suốt 12 năm, có gì đâu.

Khi hắn mới mua lại cái nhà ni của người ta để ở, mới được hai chục ngày, đã trúng kỳ, thế là ông bà phù hộ, quá hên rồi. Tội lắm, làng này có mấy người mất xác vì trầm kỳ rồi, nên tụi nó trúng, được đổi đời, thế cũng mừng”.

Nếu đúng, sẽ xử lý theo pháp luật

Tối 17/4, trao đổi với PV Tiền Phong, Trung tá Trương Quang Vinh-Trưởng CA huyện Đại Lộc-cho biết: CA huyện có nhận được báo cáo của CA xã Đại Quang về vấn đề trên, thực hư thế nào  thì đang xác minh. Nếu có, thì quan điểm của chúng tôi là xử lý đúng quy định của pháp luật, bởi đó là tài nguyên rừng. 

Anh Bình đưa cho chúng tôi xem mấy mẩu kỳ nam bằng ngón tay mới thu được sau chuyến vừa rồi. Anh tước ra đưa cho tôi một mảnh bằng cái tăm, cười cười : “Chừng ni cũng hết của tui ... 2 thùng bia rồi đó !”.

Tôi nhấm thử, cảm giác rất lạ, tê ran đầu lưỡi. Ngồi trong nhà, thỉnh thoảng lại thấy trước ngõ xuất hiện người lạ. “Dân cò trầm kỳ đấy-Anh Mười nói – Trong xã này có tới 30-40 cò như vậy rồi, hầu như bị ép bán rẻ”.

Giữa trưa, ghé UBND xã Đại Quang, tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Dũng – Thường vụ đảng uỷ xã đang trực cơ quan. “Sáng nay tôi cũng nghe tin một số anh em trong thôn trúng kỳ, nhưng chưa biết đích xác bao nhiêu – Anh Dũng nói – Ban thường vụ đã chỉ đạo điều tra xác minh thông tin để xử lý”.

Trầm lắng một lúc, anh Dũng chân tình bộc bạch : “Nói quan điểm này nọ thì cũng khó, nhưng thực tình theo tôi, nếu trúng lớn quá thì phải can thiệp xử lý, còn nếu ít thì thôi, vì tôi biết dân họ cũng khổ lắm, dù sao đây là dịp may để họ đổi đời.

Cũng chẳng giấu gì, tôi nay 40 tuổi, nhưng khi còn học sinh nghỉ hè tôi cũng đi trầm, tất nhiên cũng chỉ “văn nghệ” thôi, và chẳng bao giờ trúng. Nhưng tôi biết cực lắm.

Thực tế hiện nay địa phương này người giàu nhờ trầm kỳ đâu không thấy, chứ những hộ đang từ bình thường rớt xuống thành hộ nghèo không ít, vì chi phí đóng chuyến, ăn ở, phương tiện đi lại ... là không nhỏ”.

MỚI - NÓNG