Dự án đầu tư nghìn tỷ Bột Giấy Phương Nam

Lại xin cơ chế đặc thù 'giải cứu' dự án nghìn tỷ 'đắp chiếu' 15 năm

Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
TP - Sau 3 lần liên tiếp rao bán không thành công “khoản nợ” khoảng 2.700 tỷ đồng đi kèm dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam “đắp chiếu” suốt 15 năm. Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thủ tướng xin cơ chế đặc thù để xử lý dự án.

Ðầu tư 3.000 tỷ, xin bán 1.800 tỷ cũng không người mua

Trước cảnh khó khăn trăm bề của Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) trong việc phải gồng gánh dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình trạng tài chính bi đát và tương lai xám xịt của dự án có vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng nằm đắp chiếu suốt 15 năm qua.

Theo thông tin được Thứ trưởng Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được Bộ Tài chính cấp bảo lãnh Chính phủ cho hai khoản vay của Ngân hàng Societe General hơn 67 triệu Euro. Tuy nhiên, dự án đã không trả được nợ ngay từ kỳ đầu tiên và Quỹ tích lũy trả nợ của Chính phủ đã phải ứng cho dự án vay để trả nợ suốt từ năm 2008 đến nay.

Tính đến 31/3/2017, Chính phủ đã phải đứng ra gánh việc trả nợ thay cho dự án tổng cộng hơn 75 triệu Euro. Trong đó, tiền trả nợ gốc hơn 60,3 triệu Euro, trả lãi hơn 14,7 triệu Euro. Riêng phí chuyển tiền trả nợ hộ cũng tiêu tốn của Chính phủ hơn 3,1 triệu Euro. Ðến ngày 3/4/2018, Tổng Công ty Giấy tiếp tục có công văn đề nghị Bộ Tài chính cho vay tiếp hơn 3,48 triệu Euro để trả nợ gốc và lãi đến hạn.

Trước gánh nặng tài chính của “con nghiện” Giấy Phương Nam, theo đánh giá của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, khả năng trả nợ và phương án trả nợ của Vinapaco đối với các khoản vay từ Quỹ tích lũy trả nợ là khó khả thi. Giải pháp duy nhất để có tiền trả nợ cho Chính phủ chính là đem ra bán đấu giá toàn bộ dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Xin cơ chế đặc thù để giải cứu

Theo thông tin của PV Tiền Phong, đầu tháng 7 vừa qua, Ban chỉ đạo xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do ông Nguyễn Việt Ðức, Tổng Giám đốc Vinapaco làm trưởng ban đã phải “họp khẩn” để xử lý các tồn tại, vướng mắc của dự án.

Tại cuộc họp, đại diện Tổng Công ty Giấy Việt Nam cho hay, việc bán đấu giá dự án hiện gặp khó khăn nếu không có được cơ chế đặc thù. Ðể giải quyết, Vinapaco đề xuất hai bước thực hiện. Vinapaco kiến nghị Bộ Công Thương cho phép tổng công ty tiếp tục thông tin về việc bán đấu giá dự án theo phương án đã được phê duyệt với giá khởi điểm hơn 1.885 tỷ đồng.

Trường hợp không có nhà đầu tư nào quan tâm, Vinapaco đề nghị Bộ Công Thương xin Chính phủ cho cơ chế đặc thù để tiếp tục bán dự án. Cụ thể, cho phép tổng công ty giảm 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành công liền kề và không giới hạn số lần giảm giá cho đến khi có khách hàng tham gia đấu giá thành công.

“Mỗi lần giảm giá tổng công ty sẽ đánh giá lại khả năng tài chính và khả năng trả nợ của tổng công ty sau khi xử lý dự án và báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định”, đại diện Vinapaco đề xuất.

Trong một bản báo cáo gửi Bộ Công Thương hồi đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Vinapaco cho hay, dự án còn một số khoản công nợ phải thu là 2,13 tỷ đồng và có một số khoản nợ khó đòi khoảng 3,47 tỷ đồng.  Ngoài ra, tổng số tiền Vinapaco phải trả cho các nhà thầu dự án là hơn 21 tỷ đồng.

Trước đề xuất của Vinapaco, Bộ Công Thương cho hay, hiện chưa có văn bản pháp lý nào của Nhà nước hướng dẫn việc điều chỉnh khởi điểm để tiếp tục bán đấu giá trong trường hợp bán đấu giá lần đầu không thành. Ðây là điểm rất khó gỡ cho dự án và  Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù tương tự cơ chế tại Nghị định 61/2017/NÐ-CP của Chính phủ trong việc bán đấu giá tài sản dự án.

Cụ thể, khi đấu giá không thành công, cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục tổ chức đấu giá, số lần giảm tối đa không quá 2 lần. Trường hợp sau 2 lần giảm giá mà việc tổ chức bán đấu giá vẫn không thành công, đề nghị cho phép tổng công ty tổ chức định giá từng phần của dự án để tiếp tục tổ chức bán đấu giá dự án, báo cáo Chính phủ. Bộ Công Thương cũng kỳ vọng sẽ hoàn thành việc đấu giá dự án trong năm 2018.

Dự án đội vốn 2,3 lần

Tháng 10/2003, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi, với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng. Ðơn vị đầu tư được giao thực hiện là Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi), doanh nghiệp hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực giấy.

Sau khi vốn đầu tư đội lên rất nhiều và nhà máy không thể hoàn tất việc xây dựng,  năm 2008 UBND tỉnh Long An chủ động chuyển nhà máy về cho SCIC (Bộ Tài chính) quản lý. Tiếp đó, đến năm 2009 được giao về Tổng công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư dự án.

Sau khi tiếp nhận dự án, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phê duyệt tổng mức đầu tư mới của dự án là 3.409 tỷ đồng. Tính từ khi dự án được duyệt lần đầu vào năm 2003 (1.487 tỷ đồng), tổng mức đầu tư của dự án đã tăng gấp 2,3 lần.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam đấu giá dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam tổng cộng 3 lần và đều không có nhà đầu tư tham gia đấu giá.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.