Lại xin nhập muối

Sản xuất muối công nghiệp ở Quán Thẻ, Ninh Thuận Ảnh: Anh Dũng
Sản xuất muối công nghiệp ở Quán Thẻ, Ninh Thuận Ảnh: Anh Dũng
TP - Nhiều doanh nghiệp lại xin nhập khẩu muối, khiến diêm dân lo lắng. Phải chăng Việt Nam không đủ muối cung ứng cho thị trường trong nước?

>> Muối rớt giá, ai đỡ diêm dân?

Sản xuất muối công nghiệp ở Quán Thẻ, Ninh Thuận Ảnh: Anh Dũng
Sản xuất muối công nghiệp ở Quán Thẻ, Ninh Thuận. Ảnh: Anh Dũng.


Không cấm

Mới đây, một số doanh nghiệp đề nghị nhập khẩu muối để phục vụ sản xuất, chủ yếu là loại muối tinh khiết dùng trong chế biến thực phẩm. Cty CP Hóa chất Vật liệu điện TPHCM xin nhập khoảng 10.000 tấn (trong hạn ngạch), Cty CP Công nghệ Năng lượng xanh (Hà Nội) xin nhập hơn 50 tấn; các DN khác như Cty Ajinomoto Việt Nam (Đồng Nai), Cty TNHH Hoàn Vũ Việt Nam (TPHCM), Cty CP công nghệ thực phẩm Việt Tiến (TPHCM) cũng xin nhập muối trong khi muối trong nước ế ẩm, khiến diêm dân lo lắng.

Thực tế sau khi gia nhập WTO, Việt Nam không cấm nhập khẩu muối, mà chỉ có quyền dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế. Theo quy định hiện hành, việc nhập khẩu muối phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 23, ngày 20-5-2010. Theo đó, hằng năm, sau khi nhận định về sản lượng muối thu hoạch trong nước, Bộ Công Thương ước lượng muối cần nhập khẩu, cấp hạn ngạch (quota) cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa bộ quản lý về sản xuất muối (Bộ NN&PTNT) và bộ quản lý về nhu cầu muối nguyên liệu (Bộ Công Thương) không phải lúc nào cũng xuôi chèo, mát mái. Ví như năm 2010, Bộ NN&PTNT dự báo lượng muối sản xuất trong nước khoảng 1,1 triệu tấn, có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, nhưng Bộ Công Thương vẫn cấp hạn ngạch cho nhập 260.000 tấn muối, trong đó 180.000 tấn muối công nghiệp, còn lại là muối dân sinh (các doanh nghiệp đã nhập về trên 140.000 tấn trong hạn ngạch). Chỉ khi muối rớt giá thảm hại, dư luận đồng loạt lên tiếng, Chính phủ phải ra lệnh cho doanh nghiệp mua muối tạm trữ, Bộ Công Thương mới ra lệnh dừng nhập khẩu muối ăn vì trong nước dư thừa.

Ông Ngô Trí Dũng, Trưởng phòng Nghề muối (Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT), cho biết, theo các quy định hiện hành, Việt Nam không cấm nhập khẩu muối. Tuy nhiên, các đơn vị nhập khẩu phải tuân thủ theo các quy định tại Thông tư 23 (Bộ Công Thương), Thông tư 1871 (Bộ NN&PTNT). Theo đó, không phải muối nào cũng được nhập, các loại muối nhập khẩu chủ yếu là NaCl thô, tinh khiết, dùng trong y tế, thí nghiệm, công nghiệp hóa chất, thực phẩm...và phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại hai thông tư trên.

“Trước tháng 6-2010, có nhiều doanh nghiệp xin nhập muối, nhưng chủ yếu là loại muối rẻ tiền (chỉ 20-30 USD/tấn), nhiều tạp chất. Tuy nhiên, từ khi có hai thông tư trên, rất ít doanh nghiệp xin nhập. Hơn 3 tháng qua, chỉ có một doanh nghiệp nhập khẩu muối đáp ứng được các điều kiện để thông quan”, ông Dũng nói.

Chưa hết lo

Theo các chuyên gia ngành muối, việc một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vẫn còn hạn ngạch, xin nhập khẩu muối là điều không lạ. Vì nay thu hoạch muối đã cuối vụ, giá muối trong nước đã tăng lên, nên doanh nghiệp tận dụng nốt số hạn ngạch được cấp hưởng thuế suất thấp để nhập, chờ giá muối lên cao kiếm lời.

* Theo thống kê, lượng muối nhập khẩu của Việt Nam gần đây tăng mạnh: Năm 2007, nhập gần 140.000 tấn muối (trong và ngoài hạn ngạch); năm 2008, con số này tăng lên 380.000 tấn; năm 2009 là 580.000 tấn.

* Sau một thời gian thực hiện lệnh mua tạm trữ 200.000 tấn muối của Chính phủ, hiện giá muối tại các tỉnh miền Bắc là 700-1.000 đồng/kg; các tỉnh Đông Nam bộ và Duyên hải miền Trung là 450-700 đồng/kg; khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 500-750 đồng/kg; giá muối công nghiệp khoảng 600-700 đồng/kg. Giá muối tăng trung bình từ 200-300 đồng/kg. 

Tuy nhiên, với hàng rào kỹ thuật hiện nay, việc nhập khẩu muối không dễ. Thường phải loại muối chất lượng cao, giá từ 80-90 USD/tấn trở lên mới đảm bảo các thông số kỹ thuật. Nhưng đáng lo ngại là cả hai thông tư trên lại chỉ quy định tạm thời, sẽ hết hiệu lực sau ngày 31-12-2010. Các chuyên gia kiến nghị, nên kéo dài việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật tại hai thông tư để bảo vệ sản xuất trong nước, nếu không khó tránh tình trạng ồ ạt nhập muối.

Ông Phạm Thanh Bằng, Phó Tổng giám đốc TCty Lương thực miền Bắc, nói : “Dù lượng muối nhập không đáng kể, nhưng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của diêm dân, tác động đến mục tiêu đẩy giá muối, đảm bảo diêm dân có lãi như chỉ đạo của Chính phủ. Nếu chúng ta đã sản xuất được muối công nghiệp, từ nay không nên cho nhập khẩu loại này nữa, chỉ trừ những loại muối đặc biệt dùng trong lĩnh vực y tế, thực phẩm”.

Theo Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, hiện nước ta có 5 đồng muối công nghiệp lớn là Quán Thẻ, Chi Hải, Cà Ná (Ninh Thuận); Vĩnh Hảo, Thông Thuận (Bình Thuận) và Khánh Hòa. Khu kinh tế muối công nghiệp Quán Thẻ hiện là đồng muối lớn nhất nước với diện tích 3.200 ha. Dù được Chính phủ phê duyệt từ năm 1999, nhưng do vướng mắc, sai phạm trong giải phóng mặt bằng, 10 năm sau (năm 2009) mới có mẻ muối đầu tiên.

Cty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đã đưa vào sản xuất 500 ha, triển khai dây chuyền sản xuất muối với công suất 200.000 tấn/năm, và sẽ nâng lên gấp đôi trong thời gian tới. Dự kiến, năm 2011, diện tích sản xuất muối khu Quán Thẻ sẽ nâng lên 1.700 ha.

Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng muối năm 2010 của nước ta đạt khoảng 1,1 triệu tấn; cùng với lượng muối nhập khẩu, tồn kho từ năm 2009, tổng lượng muối trên đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Riêng muối công nghiệp, với mức trung bình mỗi năm nước ta cần khoảng 300.000 tấn, ngành muối nội có thể đáp ứng đủ nhu cầu.

MỚI - NÓNG