Làm gì để kiếm 2 tỷ USD/năm?

Làm gì để kiếm 2 tỷ USD/năm?
Ở cả Tây Âu và các nước Đông Á, tiền viện trợ đã được sử dụng để vực dậy những ngành sản xuất có khả năng xuất khẩu chứ không phải để xây dựng những “đại công trình” kém hiệu quả.
Làm gì để kiếm 2 tỷ USD/năm? ảnh 1

Đây không phải là câu chuyện thành công của tỷ phú Bill Gates, hay tuyên truyền cho công nghệ Casino của Las Vegas, mà là câu chuyện của một nước nghèo châu Á sau bao nhiêu năm chiến tranh đang cố gắng bắt kịp các nước láng giềng.

Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, từ năm 2006 – 2010, Việt Nam sẽ phải trả nợ nước ngoài 10 tỷ USD, tương đương 2 tỷ USD/năm. Trong đó, 64,5% là nợ chính phủ từ các nguồn tài trợ chính thức (ODA).

Phần lớn cán bộ công chức đều cảm thấy số tiền hai tỷ đô là lớn, nhưng nhiều người không có cảm giác tiếc khi phải trả số nợ này. Có thể bởi vì họ chưa bao giờ trực tiếp đóng thuế thu nhập.

Hai tỷ đô la, tức là số tiền xuất khẩu 13 triệu tấn gạo một năm, một con số mà chúng ta chưa bao giờ, và có lẽ không bao giờ đạt được. Hai tỷ đô la, tức là số tiền bán đi 33,3 triệu thùng dầu thô. Nếu biết rằng phần lớn – nếu không nói tất cả, sản lượng khai thác dầu của VN là các liên doanh, mà phía VN chỉ được chia từ 20 – 50% lợi nhuận, thì 2 tỷ đô la là số tiền Nhà nước thu được sau khi bán đi khoảng 70 triệu thùng dầu thô (tất nhiên đến lúc nào đó chúng ta sẽ cạn dầu). Hai tỷ đô la còn là tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành dệt may, ngành thủy hải sản hay ngành da giày (mặc dù lợi nhuận thu được thấp hơn rất nhiều).

Nếu tính GDP trên đầu người của VN là 450 đô la một năm, thì để làm ra 2 tỷ đô-la cần tới sức lao động của 4 triệu rưỡi người làm việc không ăn, không mặc, tương đương số dân của cả Thủ đô Hà Nội. Hai tỷ đô-la là tổng số tiền của 3 triệu kiều bào trên khắp thế giới gửi về cho người thân. Hai tỷ đô la là 4,5% GDP, trong khi mức tăng GDP hàng năm của chúng ta là 7,5%.

Mấy năm vừa qua, chúng ta chưa phải trả nợ ODA là do còn trong thời gian ân hạn. Nếu trừ tiền trả nợ, chắc chắn mức tăng GDP của VN không thể ấn tượng như những năm vừa rồi.

Theo sơ đồ trên (nguồn: Đại sứ quán Nhật Bản), 2 tỷ đô la tương đương với tiền ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho VN hai năm. Đó cũng là tiền thuế của người dân Nhật Bản. Như vậy kiếm được 2 tỷ đô la không hề đơn giản.

Nhưng con số 2 tỷ đô la đó tưởng to mà không to. Nó chưa bằng số tiền Nhà nước giao cho PMU 18 quản lý (34.600 tỷ đồng). Nó chỉ bằng 1/7 số tiền định bỏ ra để xây Sân bay Long Thành, hay 1/2 số tiền đổ vào Nhà máy hóa dầu Dung Quất, hoặc gấp đôi số tiền xây dựng các nhà máy đường trong nước, nhà máy Đạm Phú Mỹ hay Hầm Thủ Thiêm. Những dự án trên có hiệu quả không, hiệu quả đến đâu, và thất thoát bao nhiêu? Đã đến lúc phải làm một cuộc tổng kiểm toán về vấn đề này.

Từ đầu những năm 2000, GS David Dapice, ĐH Harvard, trong bài viết "Helping Vietnam to Make Better Choice" đã đưa ra bằng chứng rằng VN sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Tỷ lệ đầu tư của VN là 27% GDP, trong khi tỷ lệ tăng GDP thực tế (do IMF tính lại) trong những năm 1990 là 4,5%. Trong khi đó Ấn Độ phát triển kinh tế gần 6% GDP/năm với tỷ lệ đầu tư chỉ có 21% GDP.

Theo GS Dapice, một trong những nguyên nhân thiếu hiệu quả là nguồn vốn vay không được dùng vào những ngành có thể xuất khẩu, mà lại sử dụng vào những công trình ít hiệu quả (như đã kể trên). Ngoài ra, chưa ai thống kê được con số thất thoát ODA do tham nhũng, hay số tiền ODA “quay lại” chính quốc do các ràng buộc về nhà thầu xây dựng, về giá vật liệu, về chi phí thuê chuyên gia, lập dự án. (Ví dụ, tỉ lệ “quay lại” của ODA Mỹ là 60%).

Thế giới không thiếu gì câu chuyện cả một quốc gia vỡ nợ như Ba Lan, Brazil, Argentina hay Bắc Triều Tiên. Song cũng có những câu chuyện thành công về sử dụng tiền viện trợ và tiền ODA.

Chẳng hạn, các nước Tây Âu trong kế hoạch Marshall (1947-1953), đã sử dụng hiệu quả 13 tỷ đô la để tái thiết kinh tế sau Chiến tranh Thế giới II. Rồi Đài Loan và Hàn Quốc trong nghiên cứu của A. Krueger và V. Ruttan (Aid and Development).

Ở cả Tây Âu và các nước Đông Á, tiền viện trợ đã được sử dụng để vực dậy những ngành sản xuất có khả năng xuất khẩu chứ không phải để xây dựng những “đại công trình” kém hiệu quả. Tạm gác những ý đồ chính trị của các kế hoạch ODA sang một bên, điều có thể thấy là tài và đức của những người sử dụng và phân bổ nguồn vốn ODA đóng vai trò rất quan trọng.

ODA chỉ thành công ở những quốc gia ổn định chính trị, ít tham nhũng, có nền kinh tế mở và luật lệ minh bạch. VN đã có tiền đề về ổn định chính trị, song để sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả, cần chọn những người có trình độ, được đào tạo bài bản, có đạo đức và có tâm để quản lý vốn, đồng thời trả lương cho họ xứng đáng và có cơ chế giám sát chặt chẽ. Hơn nữa, Chính phủ phải có tiêu chí rõ ràng khi phân bổ nguồn vốn ODA. Không thể cấp cho các công trình thuần túy chính trị mà kém hiệu quả kinh tế. Chính phủ nên trao số tiền vay ODA cho người nào có khả năng quản lý khoản vay và hoàn vốn, bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Ở những Cánh đồng bất tận đâu đó trên làng quê VN đang có những người nông dân có thể sử dụng đồng vốn ODA quý báu hiệu quả hơn các quan chức ở hơn 1000 PMU trên khắp cả nước hiện nay. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ODA chỉ có hiệu quả nếu nó đi cùng với sự gia tăng tỷ lệ tiết kiệm tích lũy của nhân dân. Điều đó sẽ dễ xảy ra hơn nếu người dân được vay vốn ODA để học tập, xây bệnh viện hay sản xuất hàng xuất khẩu – từ đó có nguồn vốn để tích lũy. Cũng vì vậy mà nhiều nhà kinh tế cho rằng ODA theo chương trình (program – với sự tham gia của người dân) hiệu quả hơn là các ODA theo dự án (project – các đại công trình).

Nếu không phân bổ nguồn vốn ODA có hiệu quả, một lúc nào đó VN sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đó là sự kiện vi phạm trong các hợp đồng vay. Khi đó, các khoản ODA đến hạn đồng loạt (accelerated) và tình trạng vỡ nợ sẽ xảy ra.

Theo Phương Mai

VietnamNet

MỚI - NÓNG