Làm gì để người Việt dùng hàng Việt?

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt?
TPO - Hưởng ứng Cuộc vân động của Bộ Chính trị về "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Tiền Phong Online tổ chức buổi Bàn tròn trực tuyến “Làm gì để Người Việt dùng hàng Việt ?”. Dưới đây là nội dung buổi giao lưu.

>> Danh sách khách mời

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 1

Mở đầu cuộc giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn nói:

Bộ Chính trị đã ra kết luận về việc mở cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.  Trong những năm qua, dù sản xuất trong nước phát triển rất mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng ngoại nhập vẫn chưa như mong muốn. Một bộ phận lớn người tiêu dùng trong nước có tâm lý sính hàng ngoại ngay cả trong trường hợp có hàng nội với chất lượng và giá cả tương đương. Có điều nguy hiểm là hiện tâm lý này phổ biến ngay cả ở khu vực mua sắm công.

Những  yếu tố nói trên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức sản xuất trong nước. Vì vậy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là rất quan trọng và cấp thiết. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra quyết tâm chính trị cho các cơ quan ra và thực thi chính sách, các doanh nghiệp sản xuất và tổ chức tiêu thụ trong việc làm mọi cách để đưa hàng nội chiếm lĩnh thị trường, đến với người tiêu dùng. Nó cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc  thay đổi tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam.

Vậy điều gì khiến cho người Việt vẫn chưa ưu tiên dùng hàng Việt? Phải làm gì để thay đổi thực trạng đó? Hi vọng các vị khách mời hôm nay - những chuyên gia kinh tế nổi tiếng, các nhà quản lý và các nhà doanh nghiệp - sẽ chia sẻ những tri thức và kinh nghiệm phong phú của mình để cùng bạn đọc tìm lời giải cho những câu hỏi trên. 

Khối tiêu dùng nhà nước phải gương mẫu đi đầu

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 2
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế: Tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị chủ trương. Đây là cuộc vận động lâu dài, kiên trì chứ không phải chỉ làm trong gian đoạn khủng hoảng. Cũng cần có chính sách trong việc đánh thức niềm tự hào của người dân Việt Nam của hàng hóa Việt Nam, gia tăng các chính sách bảo vệ hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập chứ không thể quay về tình trạng “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” như trước đây.

Đây là cuộc vận động không chỉ nhằm đến người tiêu dùng mà còn hướng đến cả nhà sản xuất, nhà hoạch định chính sách.

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 3  Bác Hồ đã nêu một tấm gương về sử dụng hàng Việt Nam. Mọi đồ vật Bác đều dùng đồ trong nước. Chúng ta cũng có thể phát động phong trào thanh niên Việt Nam mặc đồ Việt Nam, mặc một cái áo sơ mi của Việt Nam, đi đôi giày do Việt Nam sản xuất. Nếu làm được như vậy thì sẽ có ý nghĩa rất lớn.Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 4

TS Lê Đăng Doanh

Thí dụ đối với doanh nghiệp, phải làm thế nào để hàng của mình đến được với người tiêu dùng và thuyết phục được họ. Chúng ta nhớ trước đây Unilever đã sản xuất và đưa ra những gói dầu gội đầu có giá 500 đồng để đưa về nông thôn và rất thành công.

Hay vấn đề bảo vệ sản xuất và hàng trong nước. Phải bảo vệ hàng trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài. Thực tế nhiều nước cũng có những chính sách khuyến khích bảo hộ hàng trong nước chứ không chỉ ở riêng nước ta. Trong điều kiện khủng hoảng khi tỉ lệ mất việc làm cao, thì các nước cũng phải có các biện pháp bảo hộ đối với hàng hóa và sản xuất trong nước. Mới đây nhất Tổng thống Mỹ Obama cũng có quyết định đánh thuế cao lốp ô tô của Trung Quốc cũng với mục đích trên.

Tôi cũng đồng ý rằng các cơ quan nhà nước phải gương mẫu, phải đi đầu trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Cũng cần có một chính sách đối với việc quy định các cơ quan nhà nước ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.

Chúng ta có thể học theo việc mà nước Đức đang làm. Các sứ quán Đức ở nước ngoài không mua bất cứ một văn phòng phẩm nào bằng ngoại tệ mà chỉ dùng hàng sản xuất tại nước họ và họ gửi từ trong nước sang.

Những việc này không chỉ giúp bảo vệ được công ăn việc làm ở trong nước,mà còn thể hiện niềm tự hào dân tộc về  hàng sản xuất trong nước.

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 5
Bà Phạm Chi Lan
Bà Phạm Chi Lan :

Tôi xin cảm ơn báo Tiền Phong đã tổ chức cuộc bàn tròn trực tuyến hôm nay để trao đổi vấn đề đang rất được quan tâm.

Những vấn đề được đề cập trong văn bản của Bộ Chính trị về Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực.

Đọc sâu vào văn bản của Bộ Chính trị, tôi thấy rất mừng vì đề cập đến cả ba mảng quan trọng nhất:

Về phía Nhà nước: Mua sắm công phải chú trọng dùng hàng Việt Nam. Đầu tư và mua sắm của Nhà nước là phần vô cùng quan trọng trong tổng tiêu dùng hiện nay. Văn bản của Bộ Chính trị cũng nêu rõ cần điều chỉnh các chính sách thị trường, hải quan..., để xử lý tốt, ngăn chặn việc cạnh tranh của hàng nhập khẩu bất hợp pháp...

Nhà nước cũng cần sử dụng những công cụ hỗ trợ cần thiết đối với doanh nghiệp. Những công cụ này không vi phạm cam kết với WTO.

Mảng thứ hai là doanh nghiệp: Phải nâng cao được chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, phải quan tâm đến người tiêu dùng, thực hiện các cam kết đối với người tiêu dùng.

Mảng thứ ba, với người tiêu dùng: Tuyên truyền để người tiêu dùng ở trong và nước ngoài hiểu đúng về hàng Việt Nam, ủng hộ hàng Việt Nam. Người tiêu dùng trong nước sử dụng hàng Việt như một hành động yêu nước, như một sự ủng hộ đối với doanh nghiệp và những người lao động làm ra sản phẩm.

Với những ý nghĩa trên, tôi tin rằng cuộc vận động này sẽ thành công. 

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 6
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, P.Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, P.Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN:

Ta sẽ không thể có câu trả lời đơn giản và một chiều với câu hỏi là "tại sao người Việt chưa dùng hàng Việt". Đối với người tiêu dùng, chúng tôi đã có một cuộc điều tra nhỏ. Tâm lý của người tiêu dùng hàng Việt Nam (với đối cótượng thu nhập trung bình và hơi thấp một chút), họ chỉ quan tâm rằng hàng đó có tốt không, chất lượng thế nào và giá cả. Họ không quan tâm đến quốc tịch của mặt hàng đó.

Với vai trò của mình, chúng tôi đã rất suy nghĩ về vấn đề này. Không dễ dàng để chúng ta thuyết phục được người tiêu dùng chỉ bằng việc vận động, kêu gọi. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, thậm chí trong gia đình họ có 70-80% là hàng Trung Quốc. Đó là điều chúng ta rất nên suy nghĩ.

Chúng tôi nhận thức được rằng người tiêu dùng cũng cần nhận thức được và tự hào về hàng Việt Nam để chọn lựa, cũng như cần sự cố gắng của các nhà bán lẻ nữa. Nếu như các nhà bán lẻ không giới thiệu, định hướng, hướng dẫn về tiêu dùng hàng Việt thì làm sao người dân dùng hàng Việt được.

Đại đa số người Việt Nam chuộng hàng ngoại, đó là kết quả không mấy phấn khởi. Nguyên nhân là có thời gian chúng ta không đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập khá trở lên. Một yếu tố nữa là tâm lý của người tiêu dùng, do các sản phẩm của chúng ta cũng không có nhiều chi phí quảng cáo, các chiêu thức khuyến mại như các sản phẩm nước ngoài cũng là một tác động đến tâm lý tiêu dùng. 

Thêm nữa tôi cũng cho rằng, những người có ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận quần chúng cần phải gương mẫu trong việc chọn lựa và ưu tiên dùng hàng Việt, ví dụ như những người nổi tiếng, các ngôi sao...

Bổ sung thêm ý kiến về việc sử dụng hàng Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh cho rằng người tiêu dùng luôn thực dụng. Khi bỏ tiền ra mua thì có sự lựa chọn. Hàng Việt Nam hiện nay chưa bảo vệ thích đáng được người tiêu dùng. Chính những loại hàng giả, hàng nhái trong nước đang làm hại các nhà sản xuất. Cần mở chiến dịch bảo vệ cái tốt, chống lại cái xấu để bảo vệ người tiêu dùng.

Bác Hồ đã nêu một tấm gương về sử dụng hàng Việt Nam. Mọi đồ vật Bác đều dùng đồ trong nước. Chúng ta cũng có thể phát động phong trào thanh niên Việt Nam mặc đồ Việt Nam, mặc một cái áo sơ mi của Việt Nam, đi đôi giày do Việt Nam sản xuất. Nếu làm được như vậy thì sẽ có ý nghĩa rất lớn.

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 7
Ông Võ Văn Quyền: Vụ phó Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương

Ông Võ Văn Quyền - Vụ phó Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương:

Để phát triển kinh tế trên nền tảng các nguồn lực trong nước, cần phải phát huy vai trò của 3 chủ thể nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhà nước thiết lập ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, doanh nghiệp phải tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, mẫu mã phù hợp với thị yếu người tiêu dùng, còn người tiêu dùng cần phải thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ khi mua và sử dụng hàng hóa của mình. Ví dụ, khi mua phải yêu cầu hóa đơn, phải biết người cung cấp hàng hóa có đúng chất lượng, giá cả, nguồn gốc… hay không.

Đối với người tiêu dùng các nước hiện nay, đều yêu cầu người bán phải cung cấp hóa đơn các chứng từ liên quan đến hàng hóa, điều đó làm cho người bán phải cung cấp hàng có chất lượng…

Hiện nay để hưởng ứng cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt, Bộ Công thương đang triển khai chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước với mục đích nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt, hàng Việt hướng tới người tiêu dùng Việt Nam. Như vậy trước hết bản thân doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với cuộc vận động trên, thì mỗi người Việt biến niềm tự hào, truyền thống yêu nước bằng hành động tiêu dùng hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Nguyên cục phó Cục Quản lí thị trường , Bộ Công thương:

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 8
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Nguyên cục phó Cục Quản lí thị trường , Bộ Công thương
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Nguyên cục phó Cục Quản lí thị trường , Bộ Công thương:

Tôi xin hoan nghênh sáng kiến của Tiền phong Online với chủ đề này về hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Chính trị về "Người VN ưu tiên dùng hàng VN"

Tôi cho rằng trong thời đại khủng hoảng kinh tế như hiện nay,  nước nào cũng có chính sách biện pháp cần thiết để bảo vệ nền kinh tế.

Cuộc hưởng ứng này theo tôi có ý nghĩa và tầm chiến lược lâu dài. Quan trọng nhất nó sẽ thúc đẩy hàng trong nước phát triển.

Có vấn đế là tại sao các nước khác quan tâm thị trường bán lẻ ở Việt Nam nhưng tại sao ở Việt Nam thì không. Theo dự báo thị trường bán lẻ VN rất tiềm năng. Năm 2009 dự báo là 39 tỉ USD, 2010 là trên 44 tỉ USD; 2011 trên 50 tỷ, 2012 là trên 57 tỷ. Vậy tại sao các nước quan tâm đến thị trường bán lẻ ở VN đầy tiềm năng như thế sao VN không chiếm lĩnh thị trường này?

Có thời kỳ ở Việt Nam quá quan tâm đến xuất khẩu mà chưa chú ý đúng mức đến phát triển thị trường nội địa. Người tiêu dùng VN bỏ tiền ra có quyền chọn lựa mặt hàng có chất lượng cao, có giá phải chăng, mẫu mã đẹp. Vấn đề ở chỗ chúng ta chưa làm cho người tiêu dùng có đủ thông tin để thấy rằng không hẳn “tiền nào của ấy”. Mặt hàng sữa là một điển hình. Lợi dụng sự thiếu thông tin người tiêu dùng, các hãng sữa đã bị đẩy 1,5-2 lần so với các nước khác mà chất lượng cũng chỉ tương đương với mặt hàng sữa trong nước. Được biết các hãng sữa ngoại  đã chi khoảng 30 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình và 60-70 triệu USD cho các cuộc hội thảo, hoa hồng, tiếp thị,.. vượt quá quy định 10% của Bộ Tài chính. Người tiêu dùng bị ngộ nhận qua các thông tin quảng cáo về tính ưu việt của sữa ngoại, vô tình chung đã bị “móc túi” một cách tự nguyện. Sau khi sự việc được nêu trên báo chí, nhiều người tiêu dùng đã quay lại với sữa nội.

Như vậy vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN là một chủ trương lớn, cần phải có những giải pháp tổng hợp từ chính sách của nhà nước, từ phía các doanh nghiệp sản xuất kinh donh. Trong đó các nhà sản xuất kinh doanh phải cải tiến, thích ứng với thị trường như cải tiến mẫu mã, tăng sức cạnh tranh giá cả và chất lượng hàng hóa, có văn hóa ứng xử với người tiêu dùng trong mua bán, trong việc bảo hành sản phẩm, hậu mãi,…

Khi doanh nghiệp biết đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên lợi nhuận trước mắt thì sẽ mang lại sự thiện cảm của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, lợi ích cuối cùng của doanh nghiệp sẽ là lợi nhuận. Doanh nghiệp hãy lấy sự phát triển bền vững hơn là chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho cạnh tranh ngày càng gay gắt, Việt Nam đã gia nhập WTO đồng nghĩa với việc hàng ngoại sẽ tràn vào, hàng Việt Nam có nguy cơ “thua” ngay trên “sân nhà”, hãy đặt những tình huống, khả năng xấu nhất có thể xảy ra mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản, đồng nghĩa với lao động trong các doanh nghiệp ấy mất việc làm, kinh tế đất nước và đời sống người tiêu dùng càng khó khăn.

Chúng ta đang phải xuất khẩu lao động, không lẽ chính những lao động trong nước lại mất việc làm vì hàng hóa VN không cạnh tranh được trên sân nhà. Người Việt dùng hàng Việt chính là giúp cho người lao động, chứ không hẳn là chỉ cho ông giám đốc DN. Tôi nghĩ đó là ý nghĩa sâu xa của cuộc vận động.

Cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt" không chỉ dành cho người tiêu dùng mà có cả khối sản xuất và hoạch định chính sách. Thưa quý vị, ở thời điểm hiện nay, khu vực nào mới là đối tượng vận động chính?

Bà Bùi Thị Hương:

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 9
Đối với chúng tôi, trên khía cạnh nhà doanh nghiệp, cuộc vận động của Bộ Chính trị thực sự là một cơ hội lớn cho DNVN. Ở góc độ nhà sản xuất, tôi thấy cuộc vận động này có hơi muộn so với các nước, nhưng muộn còn hơn là không có, để các DNVN thấy được trách nhiệm với cộng đồng, và cơ quan quản lý nhìn thấy sự cần thiết của việc có một hàng rào bảo hộ hàng VN cũng như một hàng rào ngăn chặn hàng lậu để duy trì GDP, tạo công ăn việc làm, nguồn ngân sách cho quốc gia.

Nếu DN nào nắm bắt được cơ hội này để nâng cao khả năng cạnh tranh thì đó là điều kiện để DN phát triển. Chúng ta không chỉ hô hào người Việt dùng hàng Việt hay DN phải nâng cao khả năng cạnh tranh mà không có biện pháp quản lý về sản phẩm nhập khẩu, giá bán…của nhà nước.

Vinamilk đã 33 năm có mặt trên thị trường VN, doanh thu năm 2008 là 8 ngàn 200 tỉ đồng, kế hoạch năm 2009 sẽ là 9 ngàn 200 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm tăng trưởng 30%, lợi nhuận đạt 28-30%. Điều đó cũng có nghĩa là sản lượng bán ra cũng tăng 28-30%, với một tốc độ tốt theo hướng phát triển liên tục, bền vững. 6 tháng đầu năm, chúng tôi nộp ngân sách nhà nước hơn 700 tỉ đồng và năm nay kế hoạch sẽ là trên 1.000 tỉ đồng – con số đó cũng phải bằng của 3-4 tỉnh nhỏ.

Để đạt được thành công đó thì Vinamilk nói riêng và các DN nói chung phải nâng cao khả năng cạnh tranh, đổi mới thiết bị hiện đại, mẫu mã sản phẩm bắt mắt và sau đó là chất lượng, giá cả. Để vận động người Việt dùng hàng Việt thì giá cả rẻ hơn nhưng chất lượng phải ngang bằng, nếu không muốn nói phải cao hơn. Vinamilk làm được điều đó.

Những kiểm chứng lâm sàng đã cho thấy trẻ em uống sữa Vinamilk thì cũng phát triển chiều cao, trí tuệ như uống sữa ngoại, nhưng các bậc phụ huynh thực tế luôn muốn dành cho những đứa con của mình những gì tốt nhất nên tâm lý sính hàng ngoại vẫn tồn tại. Nên chăng họ hãy để dành những khoản chi phí dành cho sữa ngoại để cho con cái đi học sau này?!

Cần chính sách bình đẳng, hợp lý đối với DN trong nước

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 10
Bà Bùi Thị Hương

Vừa qua, một số DN trong đó có Vinamilk đã chủ động đi đầu trong hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt". Vậy thưa bà Hương, trên thực tế DN của bà nói riêng và các DN nội nói chung có gặp khó khăn gì trong hoạt động từ góc độ chính sách của nhà nước đối với DN nội và DN có vốn FDI, liệu điều đó có ảnh hưởng gì đến nỗ lực thực hiện cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt" ?

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk:

Về phía DN, chúng tôi cũng có nhiều bức xúc liên quan đến hàng rào bảo hộ DN. Việc không công bằng giữa các DNVN và nước ngoài thể hiện rất rõ. Ví dụ với DNVN, việc kiểm tra về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật thì rất nghiêm ngặt và đặc biệt là chi phí quảng cáo, khuyến mãi bị khống chế không được quá 10% - đó là bất lợi cho DNVN trong môi trường cạnh tranh bình đẳng. Mọi người vẫn nói rằng các sản phẩm ngoại họ quảng cáo nhiều nên người VN biết đến nhiều hơn, đó cũng là một bất lợi khi công tác quảng bá của DNVN đang bị khống chế.

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 11Hiện tại chúng ta nhập khẩu đường thì sẽ rẻ hơn đường nội 3 ngàn đồng/kg. Như vậy, rõ ràng là người tiêu dùng và DN đều bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã gửi công văn đề đề nghị hỗ trợ, cấp thêm quota cho Vinamilk nhập thêm đường để bình ổn giá trong nước, nhưng đến giờ này vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 12

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk

Có người nói tại sao Vinamilk không tăng giá một số sản phẩm lên, nhưng chúng tôi phải để ở mức giá làm sao sữa ngoại không tràn vào được. Sữa nước ngoài không vào được vì giá của Vinamilk thấp, riêng mặt hàng sữa bột là do tâm lý của các bà mẹ (tin vào quảng cáo), nên người ta chấp nhận bỏ 3-4 trăm nghìn mua sữa ngoại cho con, trong khi sữa nội thì hàm lượng dinh dưỡng tương đương mà giá chỉ bằng 1/3 thôi. Tuy nhiên, trong thời buổi khó khăn như hiện nay thì một số người VN đang nhìn nhận lại việc sử dụng các sản phẩm sữa nội.

Một điều bất cập nữa là Vinamilk hiện nay đang sử dụng sản lượng đường rất lớn trong sản xuất, nhưng quota thì hạn chế và chưa đáp ứng nổi một nửa như cầu của Vinamilk. Trong khi đó giá đường hiện nay có sự đột biến, tăng rất sao (65% so với năm ngoái), nếu chúng ta nhập khẩu đường thì sẽ rẻ hơn đường nội 3 ngàn đồng/kg. Như vậy, rõ ràng là người tiêu dùng và DN đều bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã gửi công văn đề đề nghị hỗ trợ, cấp thêm quota cho Vinamilk nhập thêm đường để bình ổn giá trong nước, nhưng đến giờ này vẫn gặp rất nhiều khó khăn. 

Tại sao chúng ta vận động người Việt dùng hàng Việt? Mà không nghĩ lại vì sao người Việt lại không dùng hàng Việt? Doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu hết về con người Việt Nam thì chúng ta chưa thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng được (Nguyễn Đức Việt, 24 tuổi, C304 Cao ốc Phúc Thịnh - 341Cao Đạt-P1-Q5-TP. Hồ Chí Minh)

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, P.Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN: Câu hỏi bạn đặt ra rất hay. Chúng ta không thể chỉ kêu gọi suông người Việt dùng hàng Việt để chứng tỏ lòng yêu nước của mình. Bản thân các doanh nghiệp cần phải cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Trong thời gian gần đây các doanh nghiệp Việt đã chú trọng nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng, xu hướng tiêu dùng... để đáp ứng được những yêu cầu của người tiêu dùng Việt.

Sức tiêu dùng hàng nội địa là động lực để phát triển kinh tế đất nước, chủ trương trên của Bộ Chính trị là rất đúng đắn. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải có những quy định gì về chất lượng của hàng nội? Bởi có một số hàng trên thị trường tuy giá có rẻ, nhưng thời gian sử dụng lại thấp so với hàng ngoại 2 - 3 lần?(Trần Quang Vinh, 39 tuổi, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)

TS Lê Đăng Doanh: Người Việt Nam đang có hệ thống tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và các doanh nghiệp phải tuân thủ trong môi trường cạnh tranh. Trên thị trường hiện nay còn lưu hành không ít hàng nhái, hàng giả, hàng rởm, kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Một số hãng nước ngoài cũng quảng cáo cho sản phẩm của mình quá chất lượng có thực như: ăn sữa thì sẽ thông minh hơn, cao hơn...

Để chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng được bảo đảm thì nhà sản xuất phải tôn trọng các quy tắc và tiêu chuẩn, có bao bì mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng thể hiện rõ chất lượng, tính năng của sản phẩm. Các hiệp hội phải cùng với cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của ngành mình để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

Cần có nỗ lực lớn hơn rất nhiều để chống hàng giả, hàng rởm, bảo vệ hàng Việt Nam chân chính. Các nhà phân phối phải chịu trách nhiệm về những hàng hóa của mình. Các cơ quan nhà nước liên quan cần tăng cường kiểm tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có chế tài nghiêm đối với các sản phẩm hàng giả, hàng nhái. Người tiêu dùng cũng cần phải đòi hỏi các chứng chỉ về chất lượng.

Nếu làm được như vậy người tiêu dùng Việt Nam sẽ sử dụng hàng Việt Nam.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, P.Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN: Chào anh Vinh, tất cả những quy định về chất lượng của các sản phẩm đều đã được quy định, vấn đề là việc thực hiện những quy định ấy của các doanh nghiệp như thế nào mà thôi. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã rất chú ý đến những quy định này. Bạn có thể cho biết thêm thông tin về những sản phẩm nào trên thị trường tuy giá có rẻ, nhưng thời gian sử dụng lại thấp so với hàng ngoại 2 - 3 lần?

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 13
TS Lê Đăng Doanh
Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam số đông ở vùng nông thôn, miền núi; điều kiện tiếp cận thông tin ít nên khó có thể trở thành "người tiêu dùng thông thái". Chúng tôi mong có một chế tài đủ mạnh, hiệu quả đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng kém chất lượng, để tránh tình trạng "biết là TIÊU mà vẫn phải DÙNG". Mong các đại biểu cho ý kiến đề xuất với cơ quan chức năng về vấn đề này ?(Hoàng Đại, 35 tuổi, Phú Thọ)

TS Lê Đăng Doanh: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của bạn. Về phía các cơ quan nhà nước cần tăng cường phối hợp để đấu tranh có hiệu lực hơn với các sản phẩm độc hại, có chất lượng thấp song có nội dung quảng cáo khoa trương vượt xa sự thật.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp với các nhà phân phối đẩy mạnh việc đưa hàng Việt Nam về nông thôn hợp với nhu cầu tiêu dùng của người nông dân Việt Nam, theo đúng thời vụ và thị hiếu của từng vùng.

Người tiêu dùng cũng cần nâng cao trách nhiệm với bản thân mình bằng cách không sử dụng, không mua những hàng kém chất lượng, không có xuất xứ rõ ràng, nhất là một số sản phẩm hàng nước ngoài nhập lậu.

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 14
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, P.Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, P.Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN:

Vấn đề thông tin cho người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Về phía người tiêu dùng cũng cần chủ động tìm hiểu các thông tin về sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trước khi mua hoặc sử dụng. Cũng như chủ động khiếu nại khi xảy ra những trường hợp vi phạm quyền lợi của mình.

Đương nhiên về phía cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền của người tiêu dùng, thí dụ như quyền được an toàn, quyền được cung cấp những sản phẩm đảm bảo chất lượng và giải quyết các khiếu nại...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Nguyên cục phó Cục Quản lí thị trường , Bộ Công thương :

Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn đọc muốn người tiêu dùng thông thái thì phải giúp người tiêu dùng có thông tin trung thực về hàng hóa. Vấn đề này đòi hỏi cơ quan chức năng nhà nước phải nêu cao trách nhiệm của mình trong việc hậu kiểm để đánh giá chất lượng thực tế của sản phẩm so với công bố trên nhãn của hàng hóa hoặc qua những thông tin tuyên truyền. Phát hiện và xử lí kịp thời những doanh nghiệp mà thông tin quảng cáo không trung thực -  những vấn đề đã được pháp luật cấm.

Tiếp đến là cơ quan thông tin đại chúng kịp thời đăng tải những kết luận của cơ quan chức năng về chất lượng hoàng hóa để cung cấp cho người tiêu dùng quyết định cho việc lựa chọn hàng hóa của mình.

Kính gửi Tiến sĩ Lê Đăng Doanh! Cháu cứ băn khoăn một điều: Đơn giản nhất là bao bì của hàng hoá Việt Nam.Đơn giản mà lại khó do kỹ thuật in ấn chưa cho phép chúng ta làm được những mẫu bao bì láng bóng, mang vẻ đẹp chuyên nghiệp, bắt mắt và độ dai, bền cao( như bao bì ni-lon) như của Thái Lan. Nếu làm được điều này là chúng ta cũng đã thắng lợi trong việc thuyết phục người tiêu dùng nội và ngoại. Để làm được thì các nhà sản xuất cần phải làm gì trong thời gian tới để cạnh tranh với hàng ngoại, thưa bác? Cảm ơn bác và kính chúc các bác luôn dồi dào sức khoẻ để cống hiến nhiều hơn cho đất nước những ý kiến quý báu.(Thu Hằng, 36 tuổi, Hà Lan)

TS Lê Đăng Doanh: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của bạn là một số mặt hàng sản xuất tại Việt Nam tuy có chất lượng không thua kém song có bao bì, đóng gói, trình bày chưa hấp dẫn. Các doanh nghiệp cần phối hợp với các nhà phân phối nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh của mình để học tập từ các đối thủ để có những sản phẩm không những có nội dung mà có cả bao bì, trình bày hấp dẫn.

Không thể để tất cả các khu đất tốt cho DN nước ngoài !

TS Lê Đăng Doanh: Tôi xin bổ sung một số vấn đề. Chiến dịch vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhưng trách nhiệm là của toàn xã hội.

Không thể để tất cả các khu đất tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài. Coopmart là doanh nghiệp trong nước muốn ra vị trí đẹp nhưng lại không được. Báo chí cần lên tiếng về việc này. Chúng ta cũng cần có thái độ phê phán.

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 15 Không thể để tất cả các khu đất tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài. Coopmart là doanh nghiệp trong nước muốn ra vị trí đẹp nhưng lại không được. Báo chí cần lên tiếng về việc này. Chúng ta cũng cần có thái độ phê phán. Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 16

TS Lê Đăng Doanh

Cũng cần thấy rằng nhà nước không thể "ba đầu sáu tay" làm tất cả mọi việc. Nhà nước không thể quản lý chất lượng của bà bán bún riêu hay cô cắt tóc gội đầu. Cái này phải do các Hiệp hội nghề nghiệp làm. Ở nước ngoài, nhiều nước có quy định về hiệp hội rất rõ là ai kinh doanh mặt hàng nào thì phải tham gia vào hiệp hội và có trách nhiệm đảm bảo chất lượng và tham gia vào chống hàng giả, hàng nhái.

Dù chúng ta đẩy mạnh quay về thị trường trong nước nhưng không phải là chúng ta lơi lỏng việc xuất khẩu.

Các cơ quan truyền thông nên phối hợp với các hiệp hội đưa ra các điển hình tốt về hàng hóa trong nước cũng như những trường hợp hàng dởm, kém chất lượng. Những hàng hóa Việt Nam sản xuất được thì không có lý do gì lại dùng hàng của nước ngoài. Chúng ta không bài xích mặt hàng nào nhưng phải có lòng tự trọng với hàng hóa trong nước. Chả nhẽ chúng ta không sản xuất được tăm tre chất lượng cao ? 

Cũng cần tập trung vào đối tượng người trẻ, những đối tượng có nhu cầu mua sắm cao nhất, cần đề cao trách nhiệm với tư cách là người tiêu dùng, trách nhiệm đối với bản thân mình, trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng, trách nhiệm đối với những người lao động sản xuất ra những mặt hàng để có thu nhập. Cần tiến tới không thể chấp nhận tăm tre cũng dùng của nước ngoài, ô mai cũng nhập của nước ngoài. Tôi rất hy vọng rằng giới trẻ sẽ hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động này.

Bà Phạm Chi Lan:

Vai trò của Nhà nước trong việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng là vô cùng quan trọng. Lâu nay, trên thực tế, chúng ta thường dành ưu tiên cao hơn cho các doanh nghiệp nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài hơn là cho đông đảo doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 17  Vai trò của Nhà nước trong việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng là vô cùng quan trọng. Lâu nay, trên thực tế, chúng ta thường dành ưu tiên cao hơn cho các doanh nghiệp nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài hơn là cho đông đảo doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 18

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Hệ thống phân phối của Việt Nam cũng bị những thua thiệt tương tự, khi hầu hết các địa phương đều dành những vị trí thương mại tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi không dành cho hệ thống phân phối của Việt Nam sự quan tâm cần thiết. Ví dụ, khi doanh nghiệp Việt Nam muốn thuê mảnh đất có vị trí tốt để đầu tư thì thường địa phương trả lời dành cho đơn vị nước ngoài thuê. Vì vậy rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trong cuộc vận động này, không chỉ có Bộ Công thương mà còn nhiều cơ quan nhà nước khác cũng có trách nhiệm. Ví dụ, Bộ Khoa học Công nghệ cần nâng cao vai trò của khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động để cạnh tranh tốt hơn. Hợp tác “bốn nhà” không chỉ quan trọng với nông nghiệp, mà doanh nghiệp cũng rất cần sự hợp tác của các nhà khoa học, công nghệ.

Mặt khác, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cần được cải thiện và công bố đầy đủ, rộng rãi. Tôi không thích cách gọi “người tiêu dùng thông thái”. Làm sao người tiêu dùng thông thái được khi những thông tin cần thiết về sản phẩm không đến được với họ?

Muốn để người tiêu dùng chọn được hàng tốt thì phải cung cấp thông tin cho họ, và đây là trách nhiệm của cả nhà nước, doanh nghiệp và giới truyền thông.

Vai trò của truyền thông vô cùng quan trọng nhưng dường như truyền thông chưa dành sự quan tâm đầy đủ cho vấn đề này. Truyền thông cần đưa ra xã hội những thông tin chính xác hơn về các sản phẩm của Việt Nam và của nước ngoài trên thị trường nước nhà. Cần tránh đưa ra những thông điệp không đầy đủ, thiếu minh bạch, gây nhầm lẫn.

Ví dụ, khi có doanh nghiệp nào sai phạm, thì cần nêu rõ đích danh doanh nghiệp đó, không để ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp khác trong cùng ngành.Vụ sữa nhiễm độc hay nước tương vừa qua là một ví dụ. 

Đẩy mạnh thông tin và kênh phân phối hàng Việt

Cháu sống ở vùng nông thôn cuộc sống còn khó khăn nên việc tiếp cận với những hàng hoá do nước mình sản xuất có chất lượng cao là rất ít.  Vậy cháu xin hỏi nhà nước ta có những chính sách gì để người dân vùng nông thôn có thể được tiêu dùng ngày càng nhiều hơn hàng Việt có chất lượng tốt (Ngô Thị Hạnh, 21 tuổi, xóm 7, Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An).

TS Lê Đăng Doanh: Tôi rất cảm ơn và thông cảm với những thiệt thòi không đáng có mà bạn đã nhắc đến. Đúng là hệ thống phân phối ở nông thôn đang còn kém phát triển. Tôi nghĩ chúng ta cần phát triển mạnh mẽ hơn các nhà bán hàng lưu động như xe bán hàng, thuyền bán hàng.

Chính quyền địa phương cần tổ chức cho các nhà phân phối định kỳ có các xe, thuyền như vậy bán hàng đến từng thôn bản. Chính quyền địa phương có thể đưa ra những khuyến khích vật chất thích hợp đối với những nhà phân phối nhỏ lẻ như vậy để cải thiện tình hình phân phối ở địa phương.

Liệu hàng Việt Nam có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để người dân tin tưởng khi dùng không? Giá cả của hàng Việt Nam có phù hợp với túi tiền của người dân không?(Phạm Thị Thuỳ Dương, 30 tuổi, SN 124 Đường Tân Ninh - P.Trần Phú - TP Bắc Giang)

TS Lê Đăng Doanh: Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa hàng Việt Nam phải bảo đảm các tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả đáp ứng nhu cầu của khách hàng mới có thể tồn tại được. Một số ngày càng tăng mặt hàng Việt Nam đã có chất lượng tiêu chuẩn, giá cả quốc tế như sứ Minh Long, sữa Vinamilk...Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với sự nỗ lực và ủng hộ của người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn lên để chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Tôi thấy Chính phủ cần thể hiện vai trò và trách nhiệm hơn trong việc này. Nên chăng, Chính phủ xem xét áp dụng gói kích thích kinh tế thứ 2 nhằm vào vấn đề này?(Phuong Minh, 35 tuổi, Ba Dinh, Ha Noi)

 TS Lê Đăng Doanh: Tôi tin tưởng rằng Chính phủ ở cấp Trung ương cũng như các cơ quan nhà nước địa phương, các bộ ngành sẽ có chương trình hành động, hướng dẫn để hưởng ứng chiến dịch này. Như tôi được biết trong kỳ họp cuối tháng 8 Chính phủ đã có chỉ thị chuẩn bị một gói kích thích kinh tế tiếp theo. Hy vọng trước cuối năm chúng ta sẽ được biết những quyết định đó của Chính phủ.

Cần nhắm vào những mặt hàng VN có thế mạnh

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 19
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, P.Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, P.Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN:

Chúng ta đang định hướng là người Việt yêu tiên dùng hàng Việt. Bây giờ chúng ta nên chia ra, sản phẩm VN đang có thế mạnh gì. Ví dụ như những mặt hàng may mặc, công nghệ, thực phẩm...

Theo nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi, những mặt hàng rau củ, gạo, cá... thì người Việt dùng đến 80%. Đó là một xu hướng đáng mừng khi người tiêu dùng đã quen thuộc và tin tưởng hàng Việt Nam. Và hàng nhập khẩu vừa qua cũng đã có một số vấn đề làm người tiêu dùng lo ngại.

May mặc, giày dép chúng ta cũng rất có thế mạnh, được xuất khẩu khắp thế giới thì không có cớ gì không chinh phục được chính thị trường VN.

Ngày mai sẽ có một cuộc phát động “Đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may Việt Nam vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc”. Theo đó, Cứ một triệu đồng doanh thu - doanh nghiệp dệt may sẽ trích 2.500 đồng vào Quỹ hỗ trợ đồng bào biển đảo của Tổ quốc bị thiệt hại do thiên tai, hoạn nạn.

Qua chương trình, mọi người dân Việt Nam cũng như những người lao động trong các doanh nghiệp dệt may có thể thể hiện lòng biết ơn trước những đóng góp hy sinh của đồng bào, chiến sỹ biển đảo trong sự nghiệp vẻ vang bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Thuốc chữa bệnh chẳng hạn, tại sao chúng ta phải mua thuốc đắt khủng khiếp, trong khi những biệt dược của chúng ta rất có uy tín.

Còn phải thấy rằng đối với các mặt hàng điện tử thì đúng là sản phẩm của chúng ta chưa thật mạnh thì đương nhiên vẫn phải dùng hàng ngoại.

Chúng ta nên đi sâu vào từng mặt hàng, để có thể biết được sản phẩm nào chúng ta có thể cạnh tranh, chứ không phải với mặt hàng nào cũng kêu gọi là dùng hàng Việt đi.

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 20
Bà Bùi Thị Hương
Là 1 người tiêu dùng VN, thật sự tôi không quan tâm lắm đến sản phẩm mình sử dụng phải là của ngoại hay của VN,chỉ là sản phẩm đó có chất lượng hay không? Tôi muốn biết khi 1 mặt hàng được bán ra thị trường ( cụ thể tôi đơn cử là sữa bột em bé, hay nước giải khát ) thì phải qua bao nhiêu khâu kiểm tra? Kiểm tra về chất lượng , kiểm tra về thành phần ghi trên nhãn có đúng không?(Lê Ngọc Chơn, 30 tuổi, Thanh Đa, TPHCM)

Bà Bùi Thị Hương:

Một sản phẩm sữa bột khi đưa ra thị trường, ví dụ như của Vinamilk phải trải qua rất nhiều khâu kiểm tra. Ví dụ như nguyên vật liệu đầu vào, kiểm tra trong các công đoạn của quá trình sản xuất, phải tuân thủ theo các điều kiện ngặt nghèo của quy trình quản lý chất lượng theo ISO và HCCP.

Tất cả các sản phẩm khi đưa ra phải đúng với công bố tiêu chuẩn chất lượng của bộ y tế cấp phép, ngoài ra sản phẩm còn được các tổ chức đánh giá quốc tế kiểm tra chất lượng định kỳ. Ngoài ra, phải chịu sự hậu kiểm của các cơ quan quản lý của bộ y tế.

Tóm lại, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm sữa bột của Vinamilk đang bán trên thị trường. Thậm chí việc kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm sản xuất nội địa còn nghiên ngặt hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập khẩu.

Tôi nghĩ rằng, để người Việt dùng hàng Việt thì không thể vận động, mà chính là phải vận động các doanh nghiệp làm hàng đủ chất lượng cho người Việt. Các cô chú nghĩ thế nào về điều này?(HÀ, 25 tuổi, Hà Nội)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Nguyên cục phó Cục Quản lí thị trường , Bộ Công thương

Ý kiến của cháu đúng nhưng mới chỉ đúng một nửa. Để người tiêu dùng dùng hàng VN thì doanh nghiệp VN phải sản xuất và cung ứng ra thị trường những sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập về chất lượng và giá cả. Nhưng đồng thời cũng rất cần người tiêu dùng VN ưu tiên dùng hàng VN để cho doanh nghiệp VN tồn tại và phát triển bền vững, đáp ứng trở lại cho người tiêu dùng.

Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? ảnh 21
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Nguyên cục phó Cục Quản lí thị trường , Bộ Công thương
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Nguyên cục phó Cục Quản lí thị trường , Bộ Công thương:

Cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN là một chủ trương lớn, cần phải có những giải pháp tổng hợp từ chính sách của nhà nước, từ phía các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong đó các nhà sản xuất kinh doanh phải cải tiến, thích ứng với thị trường như cải tiến mẫu mã, tăng sức cạnh tranh giá cả và chất lượng hàng hóa, có văn hóa ứng xử với người tiêu dùng trong mua bán, trong việc bảo hành sản phẩm, hậu mãi,…

Khi doanh nghiệp biết đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên lợi nhuận trước mắt thì sẽ mang lại sự thiện cảm của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, lợi ích cuối cùng của doanh nghiệp sẽ là lợi nhuận. Doanh nghiệp hãy lấy sự phát triển bền vững hơn là chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt.

Thưa bạn đọc, vì thời gian có hạn, nên rất nhiều câu hỏi và ý kiến trao đổi của bạn đọc chưa được các vị khách mời trả lời. Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải các ý kiến và câu hỏi cùng câu trả lời về chủ đề thú vị,  nhiều ý nghĩa này trong các bản tin và bài báo tiếp theo. Mời các bạn đón đọc. Tiền Phong Online xin trân trọng cám ơn sự tham gia nhiệt tình của các vị khách mời và bạn đọc. Xin hẹn gạp lại tại các buổi trực tuyến lần sau.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.