Làm 'người hầu' để thúc đẩy phát triển kinh tế

Làm 'người hầu' để thúc đẩy phát triển kinh tế
TP - Mở đầu cuộc đối thoại với thanh niên ngoại giao và phát động cuộc thi viết với chủ đề “Ước mơ sánh vai cùng năm châu”, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết, trong cuộc gặp gỡ lần trước với thanh niên Bộ Ngoại giao, ông đã hứa 3 điều và đến nay đã thực hiện được lời hứa.
Làm 'người hầu' để thúc đẩy phát triển kinh tế ảnh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại cuộc đối thoại

Lần này, Phó Thủ tướng hứa sẽ tạo ra phong cách làm việc mới, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho cấp dưới giám sát lãnh đạo, trong đó có cả Bộ trưởng…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giới trẻ (hiện chiếm gần 50% nhân sự trong Bộ Ngoại giao) là lực lượng nòng cốt, là tương lai của ngành nói riêng và đất nước nói chung.

Theo Phó Thủ tướng, điều lớn lao nhất với tuổi trẻ là phải có hoài bão và ông cam kết tạo mọi điều kiện cho giới trẻ trong ngành ngoại giao thực hiện hoài bão.

Cụ thể, các lãnh đạo Bộ cần công minh đánh giá và cho hưởng xứng đáng những gì giới trẻ làm được. Phó Thủ tướng khuyến khích các bạn trẻ vươn lên bằng tài năng, trí tuệ, tinh thần lao động và ghét việc “chạy”, quỵ lụy hoặc nịnh bợ cấp trên.

Phó Thủ tướng thực sự khích lệ tinh thần của các bạn trẻ khi tuyên bố thẳng rằng ông “căm ghét” những cán bộ lãnh đạo trù úm, đối xử với nhân viên không công bằng. Ông khẳng định, nếu biết cán bộ lãnh đạo nào như vậy sẽ cho thôi việc ngay.

Trở thành lãnh đạo hay chuyên gia giỏi?

Trước những tâm sự thẳng thắn, cởi mở, chân tình của Phó Thủ tướng, các bạn trẻ không ngần ngại đưa ra câu hỏi trực diện, hóc búa. Một bạn trẻ đề nghị cho biết cơ chế, “kênh” để giám sát lãnh đạo, Phó Thủ tướng trả lời rằng, có thể phản ánh trực tiếp bức xúc cho ông.

Theo Phó Thủ tướng hiện nay mỗi tháng ông nhận được 3 – 4 lá thư của các cán bộ trong ngành. Cũng liên quan đến việc giám sát và sử dụng tài năng trẻ, Phó Thủ tướng cho rằng, cán bộ lãnh đạo phải đi đầu, nhưng các bạn trẻ cũng cần có tinh thần đấu tranh, dũng cảm nói ra cái sai, không nên quá rụt rè.

Phó Thủ tướng khuyên các cán bộ trẻ rằng, vươn lên không chỉ có con đường duy nhất là trở thành cán bộ lãnh đạo mà cần trau dồi chuyên môn để trở thành chuyên gia giỏi. Để khuyến khích tài năng, Phó Thủ tướng hứa ông sẽ ký ngay quyết định tăng lương cho những cán bộ trẻ giỏi về chuyên môn.

Trước câu hỏi của một bạn trẻ rằng nên chọn mức lương tháng hơn 1 triệu đồng để làm trong ngành ngoại giao hay hơn 10 triệu đồng nếu làm việc cho Cty nước ngoài, Phó Thủ tướng cho rằng làm ở đâu thì cuối cùng cũng phục vụ cho đất nước.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, người có hoài bão không nên quá quan tâm tới chuyện tiền lương và nếu yêu ngành ngoại giao thì nên vào Bộ Ngoại giao để thực hiện hoài bão của mình…

Làm “người hầu” để thúc đẩy ngoại giao kinh tế

Tự nhận mình là người “ngoại đạo” trong ngành ngoại giao, nhưng khi nói về nhiệm vụ của ngành ngoại giao trong giai đoạn hiện nay và tương lai, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đề cập cụ thể 3 lĩnh vực nòng cốt là ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa; trong đó cần nâng “ngoại giao kinh tế” lên thành tiêu điểm.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao thẳng thắn thừa nhận ngành còn yếu về ngoại giao kinh tế, đặc biệt là ở các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài. Để minh chứng cho điều này, Phó Thủ tướng lấy ví dụ cụ thể từ Đại sứ quán Việt Nam tại một cường quốc thế giới: Nội dung các cuộc giao ban chỉ có 5% liên quan đến kinh tế.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao đặt câu hỏi rằng, Đại sứ Việt Nam ở các nước vốn có quan hệ ngoại giao tốt với Việt Nam nếu không làm “ngoại giao kinh tế” thì làm gì?

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm còn cam kết Bộ Ngoại giao sẵn sàng làm “người hầu” cho các bộ khác để thực hiện mục tiêu kinh tế với lợi thế từ các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, đích thân ông đã có cuộc gặp với 4 bộ khác để đề nghị làm “người hầu” và cam kết sẽ nhanh chóng tiếp xúc với các bộ còn lại.

MỚI - NÓNG